Người đàn ông lượm rác

Sáng nào cũng vậy, cứ tờ mờ sáng là tôi thấy ông xuất hiện trong cái hẻm vắng của xóm tôi. Vẫn bộ đồ công nhân cũ mèm, đôi dép sứt quai chiếc đỏ, chiếc vàng, chiếc gậy ngang vai hai đầu là hai chiếc bao bố tời to tướng.

Có lần tôi phát hiện một chuyện là lạ, người đàn ông ấy chỉ lượm rác khi không có ai nhìn thấy. Nếu có, ông ta vội vã đi ngay như một sự trốn chạy, có lẽ đang mặc cảm một chuyện gì đó ghê gớm lắm.

Cách nay mấy tháng, thành phố chìm vào trong cơn bão tầm tã. Tôi bất chợt nhận ra ông ấy đang co ro chống chọi với cái lạnh thấu xương nép mình dưới mái hiên nhà tôi. Đường phố vắng tanh. Đồng hồ thong thả gõ chuông báo hiệu chỉ mới 3 giờ sáng.

- Bác vô đây uống ly trà nóng cho ấm. Bão như vầy sao bác không nghỉ ở nhà cho khỏe? - Tôi lên tiếng hỏi và bước ra mở cửa.

- Thôi cháu. Bác đứng nhờ một chút rồi đi ngay, cháu đừng mở cửa chi cho phiền phức - Ông ấy trả lời lí nhí.

- Bác cứ vô nhà đi, mưa lớn quá, gió lại mạnh nữa không khéo bệnh rồi làm khổ cho con cháu.

- Bác đâu còn ai để lo lắng nữa. Số trời mà... Mà đúng ra là do bác làm, bác chịu thôi - giọng ông chùn xuống, ngắt quãng, đượm buồn.

Đến khi ông ấy bước vào nhà, dưới ánh đèn điện sáng choang, tôi mới có dịp nhìn kỹ khuôn mặt của ông. Một khuôn mặt thanh tú với đôi mắt sáng lẩn khuất, hòa trộn không phù hợp chút nào với bộ đồ mà ông đang khoác trên mình. Tôi bắt đầu chột dạ nghi ngờ về lai lịch của ông. Có lẽ người đàn ông nầy xuất thân từ một gia đình không đến nỗi nghèo khó quê mùa như tôi nghĩ trước đây.

- Quê bác ở đâu? gia đình thế nào? Từng tuổi nầy mà còn cực khổ quá vậy?

Tay ông run run bưng ly trà nóng lên uống ngon lành có lẽ vì đã quá thấm lạnh, rồi ông từ tốn nói:

- Chuyện đời bác buồn lắm.

Những thước phim cay đắng của cuộc đời được ông khó nhọc lắm, tủi hờn lắm mới nhớ hết theo lời kể buồn buồn, đặc quánh nước bọt của một ông lão tuổi đã trên bảy mươi.

Người đàn ông lượm rác ảnh 1

* * *

Ngày ấy, Hai Thọ - tên ông lão - cũng là cán bộ công chức nhà nước ở một cơ quan cấp tỉnh tại Cà Mau. Giá như đừng có cái chuyện quy hoạch ruộng đất bề bề của ông trở thành trung tâm thương mại tỉnh thì có lẽ đời ông sẽ không rẽ qua khúc ngoặt khổ đau nầy. Mới chỉ nghe qua giá đền bù giải tỏa bồi hoàn ruộng vườn nhà mình lên tới hàng tỉ đồng, Hai Thọ bỗng thấy cuộc đời mình lên hương tột độ. Cơ quan bắt đầu xầm xì bàn tán về một viễn cảnh tươi sáng, giàu có, sang trọng của cái chàng thư ký văn phòng nghèo khó đi làm chỉ bằng hai phương tiện bất di bất dịch là xe đạp và xe buýt.

Từ cái ngày định mệnh ấy, hai Thọ bỗng dưng chán ngán công việc của mình. Lương thì ba cọc ba đồng lại đầu tắt mặt tối. Ông chểnh mảng dần rồi làm đơn xin thôi việc. Những bữa cơm đầm ấm gia đình với vợ và hai đứa con cũng thưa dần. Ông sống trong cảm giác ngất ngây của người từ trên trời rơi xuống với số tiền khổng lồ mà suy nghĩ ăn tới chết cũng không hết. Những trận ăn nhậu với bạn bè, chòm xóm thừa sống thiếu chết diễn ra liên tục. Ông say nhiều hơn tỉnh.

Cuộc họp gia đình diễn ra nhanh chóng và tẻ nhạt. Hai Thọ tuyên bố:

- Số tiền này, tui cho thằng Dũng 50 triệu đồng để ăn học sau này tự sống, con Loan cũng vậy. Còn tui với bà sẽ dìa quê cất một căn nhà cấp bốn để sống, mình già rồi cất chi cho bự sự tốn tiền, vài chục triệu là xong. Tiền còn lại tui để làm ăn với mấy thằng bạn, chớ nghỉ việc rồi, ngồi không buồn lắm.

Cả nhà lặng im như tờ. Vợ Hai Thọ rưng rưng nước mắt nhưng không nói một lời. Bà đã quá quen tánh nết cộc cằn gia trưởng của chồng từ khi chung sống. Mấy tháng nay bà đã bắt đầu linh cảm chồng bà đã không còn như trước nữa. Nghe đâu ổng cặp bồ cặp bịch với mấy con vũ nữ ở vũ trường nào đó. Khổ nỗi mấy đứa đó chỉ đáng tuổi con Loan mà thôi. Mà nói ổng chối phăng lại còn làm dữ đòi ly dị nên bà đành thôi.

- Ba à. Ba suy nghĩ chín chắn chuyện làm ăn nghe. Mình hổng có kinh nghiệm, hổng khéo bị người ta lừa thì mất hết cơ nghiệp. Ruộng vườn không còn, tiền đó ăn ngồi không thì núi cũng lở, nói chi - con Loan phân trần.

- Im hết đi, tụi bay là lũ “ếch ngồi đáy giếng”, biết gì mà nói - nói xong Hai Thọ đứng lên rút trong túi áo hai xấp tiền dày cộm quăng lên chiếc bàn rồi bỏ đi một nước.

Ra khỏi nhà, Hai Thọ cũng bất chợt giật mình. Nói cứng vậy chớ tương lai cũng không biết ra sao. Thôi mặc kệ. Chẳng lẽ số mình xui xẻo đến như vậy. Những thằng bạn chiến hữu rủ rê làm ăn hổng lẽ nó hại mình. Nếu vậy giang hồ còn coi chúng ra cái thể thống gì nữa. Còn cái con bé Ngà, con nhỏ sinh viên mới ra trường chuẩn bị mở công ty làm ăn coi bộ hiền lành quá. Mà bởi ông thương cái nết hiền lành ngoan ngoãn ấy nên mới chịu bỏ ra cả tỉ đồng thành lập công ty cho nó đứng tên. Số ông quả thật đào hoa, già cỡ nầy mà lọt vào mắt xanh của con nhỏ sinh viên đó. Hai Thọ mỉm cười đắc ý.

Số tiền lớn cứ hụt dần theo lời đề nghị ngọt ngào của nữ giám đốc trẻ. Đổi xe du lịch, mua thêm thiết bị, quan hệ đối tác, bôi trơn các phi vụ làm ăn... Mấy cái chuyện ấy cứ diễn ra đến chóng mặt. Hai Thọ nhiều lần muốn gặng hỏi nhưng mỗi lần nhìn thấy nét mặt giận dỗi của Ngà, ông lại lặng im và lại đến ngân hàng rút tiền cho người đẹp. Mà hỏi cho vui vậy thôi chớ ông cũng không tài nào biết hết số tiền ấy dùng để làm gì.

Cái ngày công an đến niêm phong văn phòng công ty để điều tra các phi vụ lừa đảo của giám đốc Ngà. Hai Thọ đứng như trời trồng. Đến lúc nầy ông mới biết chúng nó lừa ông bằng sự ngọt ngào mê muội bóng sắc đàn bà. Cái thằng tài xế công ty chính là chồng hờ của Ngà, người ông đã quá tin và quá mê đắm nên giao hết toàn bộ tài sản, tiền bạc đến giờ tiền mất, hận mang. Ông đau đớn ê chề xách chiếc va li sang trọng rời văn phòng trong tâm trạng chán chường, đau đớn. Về đâu, làm gì khi số tiền khổng lồ chỉ còn nuôi sống ông nhiều lắm là vài tháng nữa thôi? Cái cảm giác nhức nhối khi bị phản bội, bị từ chối sự giúp đỡ của mấy thằng bạn chiến hữu từng ăn nhậu mỗi ngày như những mũi dao nhọn khứa vào trái tim ông đến xé lòng. Hai Thọ chợt nhớ đến vợ ông, người đàn bà chơn chất quanh năm chỉ biết nghe lời chồng và đảm đang nuôi con ăn học. Cả năm rồi từ khi cất ngôi nhà cấp bốn dưới quê, ông có về thăm lần nào đâu. Còn thằng Dũng, con Loan không biết học hành ra sao nữa? Ông hối hận vô ngần rồi bật khóc cho sự vô tâm của mình để rồi được trả giá bằng sự trống vắng, phũ phàng cay độc như hôm nay.

Hai Thọ ngồi lặng im trên chiếc xuồng cao tốc Cà Mau - Năm Căn. Ông cố kéo cao chiếc áo khoác lên tận cổ, chiếc nón nỉ sùm sụp che kín khuôn mặt để không ai nhận ra mình. Thời gian đối với ông sao dài vô tận. Ông đang hình dung ra nét mặt vui mừng của vợ và con khi ông đã thực sự hối lỗi quay về.

Bước lên bờ sông, Hai Thọ như quỵ đi khi thấy mấy vòng hoa và mấy tấm vãng thành kính phân ưu dựng đầy trước sân nhà. Vợ ông đã mất cách đây một tuần. Bà khăng khăng không cho con báo tin cho ông, một người chồng bội bạc, nhẫn tâm. Nước mắt ông nhạt nhòe khi run run đốt mấy nén nhang trên phần mộ vợ mình. Thằng Dũng, con Loan đứng cạnh bên không nói một lời, mà biết nói gì với ông trong hoàn cảnh chua xót này.

Hai Thọ rời quê và lang thang lên thành phố cho đến bây giờ. Ông làm đủ nghề từ chạy xe ôm, vá xe đạp. Ế ẩm quá, vả lại sức khỏe không còn, ông chuyển sang nghề lượm rác ở các con hẻm.

- Hiện giờ bác ở đâu? - Tôi sốt ruột hỏi.

- Ban ngày tôi lượm rác rồi cân cho mấy đại lý ve chai, ban đêm tôi về ngủ ở sân chùa. Ở chùa để nghe tụng kinh, nghe tiếng chuông để sám hối tội lỗi của mình. Ông thở dài rồi bất giác nhìn ra ngoài trời như đang tìm kiếm một cái gì mờ ảo trong làn mưa trắng xóa.

- Giờ bác tính sao? Hay về quê với hai đứa con, chẳng lẽ chúng nó bỏ bác?

- Bỏ thì tụi nó không bỏ đâu. Nhưng tui còn mặt mũi nào mà nhìn chúng nó nữa chớ. Tui thà chết chớ không về quê nữa. Thôi tui đi nghe.

Cái bóng gầy liêu xiêu nhòe dần trong mưa kèm theo những tiếng gầm thét, những tia sấm chớp bỗng chốc lóe lên sáng rực góc trời.

Truyện ngắn của PHƯƠNG ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm