Người miền xuôi gieo chữ cho đồng bào

Gieo chữ cho đồng bào

Sinh năm 1923 tại làng quê nghèo ở xã Quảng Vinh (Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế), thầy Hồ Ngọc Mỹ được dân làng biết đến như một người “nhiều chữ” nhất làng. Hai mươi tuổi, thầy tình nguyện làm công tác “gieo chữ” cho đồng bào thiểu số ở huyện miền núi A Lưới. Đối với một thanh niên trẻ, công việc này quả là gánh nặng nhưng thầy vẫn không ngần ngại xung phong.

Người miền xuôi gieo chữ cho đồng bào ảnh 1

Thầy Hồ Ngọc Mỹ

Năm 1945, thầy trở thành đảng viên đầu tiên ở A Lưới, giữ nhiệm vụ tuyên truyền, vận động bà con hoạt động cách mạng. Khó khăn nhất là đồng bào mình không hiểu tiếng Kinh, còn thầy cũng không hiểu được tiếng của đồng bào. Để bà con dân bản hiểu tiếng Kinh đã khó, chuyện tuyên truyền cho bà con nắm được chính sách cách mạng lại càng khó hơn.

Vậy là thầy quyết giúp bà con học chữ. Hằng ngày, thầy đến tận buôn làng, địu trẻ em trên lưng đến lớp bình dân học vụ của mình để dạy chữ. Nhưng được mấy buổi đầu ê a, i tờ rồi sau đó ai cũng bỏ học vì... con chữ khó nhớ quá.

Thầy dùng ruột pin làm bảng đen, dùng đất trắng, củ sắn phơi khô để làm phấn. Bút tập cho học sinh được thầy sáng chế bằng cách dùng lá chuối làm tập vở, sau đó dùng que nhọn để khắc chữ lại trên “giấy chuối”. Khó khăn chưa dừng lại ở đó vì dân bản còn có quá nhiều hủ tục. Đa số họ đều không muốn đi học chỉ vì sợ bị bắt đi lính.

Đẻ chữ

Sau 12 năm dạy chữ, kết quả vẫn chỉ là con số không. Nhiều dân bản học chữ vẫn chưa viết được tên mình. “Điều này dậy lên trong tôi một suy nghĩ: Răng mình không tạo một bộ chữ để dân bản dễ tiếp thu hơn?” - thầy Ku Nô bồi hồi nhớ lại.

Nói là làm, thầy bắt đầu thu thập từ ngữ người Pa Kô-Tà Ôi vào một cuốn sổ, sau đó nhờ những học trò người Pa Hi khá thạo tiếng Kinh cùng đối chiếu so sánh nghĩa.

Người Pa Kô-Tà Ôi phát âm khá phức tạp. Trong khi nói, họ thường có những âm câm ở phía sau từ đó. Mặt khác, họ thường nói không có dấu (huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng) như tiếng Việt. Do vậy, thầy quy ước cho bộ chữ của mình theo cách nói cách viết của tiếng Việt và thêm vào sau mỗi từ là chữ “h”. Hai cộng sự đắc lực của thầy là Ku Tích và Ku Dốc đã nghiên cứu vần âm và ngữ điệu. Sau đó, ghép lại các phần, thầy Ku Nô đã có một bộ chữ riêng cho đồng bào.

Người miền xuôi gieo chữ cho đồng bào ảnh 2

Trang chữ viết tiếng Pa Kô-Tà Ôi

Thầy dùng khuôn in bằng bột nếp phết mực tím để tạo bản in gửi về xuôi xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Trị Thiên. Viện Ngôn ngữ học giúp thầy chỉnh lý và bổ sung phần ngữ pháp. Cuốn sách được xuất bản năm 1986 rồi nhanh chóng được đem ra dạy và học.

Đông đảo dân bản kéo nhau đi học đều tiếp thu được kiến thức. Họ có thể dùng bộ chữ này để viết thư thăm con, viết đơn lên các cơ quan... Sau vài tháng dạy và học, nhiều bà con đã nói với thầy: “Ku Nô giỏi quá, bộ chữ thiệt là dễ học. Nhờ mày mà tao biết tiếng của Cụ Hồ”. Những chính sách của chính quyền đến với dân bản một cách đầy đủ nhất qua những bài báo, bản tin do thầy soạn. Bộ chữ đã động viên đồng bào đoàn kết đánh giặc.

Mãi là con của người dân tộc

Năm tròn 80 tuổi, thầy mới trở về xuôi để an nghỉ tuổi già. Tính đến thời điểm đó, thầy cũng tròn 60 năm làm người con của đồng bào thiểu số huyện miền núi A Lưới. Bây giờ, ngồi nói chuyện, thầy phải dùng máy trợ thính hoặc nhờ người vợ của mình nói lại.

Dù đã tuổi cao sức yếu, ngày ngày thầy vẫn đem bộ chữ ra đọc lại để khỏi quên, để tìm lại những ký ức của một thời gian khó. Thầy khoe: “Bây giờ, tui vẫn sinh hoạt Đảng tại Đảng bộ huyện A Lưới. Tui muốn mình mãi là người con của người dân tộc”.

Nói về bộ chữ do mình sáng tạo, thầy tâm sự: “Sách học tiếng đã làm cho nhiều người Pa Kô-Tà Ôi rất mừng. Bộ chữ đã thể hiện được tinh thần Kinh Thượng đoàn kết một lòng. Tôi đề nghị nên đưa bộ chữ này vào giảng dạy ngay từ cấp tiểu học để không thất truyền, thuận lợi hơn trong công tác dân vận ở vùng biên giới A Lưới”.

Tâm huyết của thầy giáo luôn được đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới ghi nhận. Đến A Lưới, hỏi thầy Ku Nô Hồ Ngọc Mỹ, có lẽ không ai không biết về công lao “gieo chữ” của thầy.
Trong khí trời se lạnh ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến căn nhà số 22 đường Võ Liêm Sơn (thành phố Huế) thăm thầy. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, câu chuyện về những buổi học đầu của thầy trò bình dân học vụ cứ tràn về tự nhiên như dòng tuôn ký ức.

TRIỆU SƠN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 1-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm