Nhà thơ Trần Hòa Bình: "Có một người theo trăng gió đi xa"

Thương người làm thơ trọn kiếp mệt nhoài

Đó là câu thơ của Bình trong bài “Mây trắng bay”, hình như Bình có một tiên lượng về thân phận thi nhân, "Dẫu những câu thơ như phận lá về nguồn".       

Hai năm Bình theo trăng gió đi xa. Bao nhiêu hò hẹn về những chuyến đi lên rừng xuống bể, bao nhiêu lần hẹn ngồi "uống" cùng nhau đã lỡ hết rồi. Cái máy điện thoại cũ lưu tin nhắn và những hẹn hò cùng nhau tôi đành cất đấy, sợ dùng sẽ "trôi" mất những cái tin nhắn, những câu chuyện ngày cũ.

Một đêm nhậu trên thuyền thả trôi sông Thái Bình từ Hải Dương về An Lão, chuyên đề uống rượu với thịt trâu nướng cùng Trần Ninh Hồ, Trần Anh Thái và Xuân Ba nghe thầy Văn Tạo hát văn cùng mấy thôn nữ người tỉnh Đông, tôi nhớ Bình, nửa đêm mở máy gọi về Hà Nội cho Bình nghe hát. Bình rất thích những chuyến đi có nội dung tương tự, kiểu như đi hội Gầu Tào, đi nghe Quan họ lẻ... Một chuyến đi Quảng Trị, Bình nhắn về cho tôi: "Đang ở Đông Hà, nhớ ông quá. Thương mảnh đất này quá ông ạ!... Trái tim ấy đập những nhịp yêu thương không có tuổi”.

Tôi đau đớn đọc lại bài thơ Vũ Khánh gửi Bình, Khánh nhớ bạn mà thổn thức: "Có một người theo trăng gió đi xa". Gió trăng muôn đời vẫn là bạn bầu cùng thi sĩ. Bình sống vốn thế, giờ trăng gió đón Bình. Lúc còn sống, bạn bè khuyên Bình ra sách, khuyên vào Hội Nhà văn, Bình im lặng. Khuyên Bình lấy vợ, anh ậm ừ như để yên lòng bè bạn.

Năm mươi ba tuổi Bình bỏ lại hết để ra đi không nhắn gửi lại gì, nhưng trong lòng người đang sống, trong lòng bạn trẻ Bình vẫn vậy: Trẻ trung, tài hoa, hào hoa và đào hoa... Có một chàng trai xứ Đoài hồn hậu tươi trẻ thời sinh viên với những bài thơ tràn trề đầy sức sống và lòng yêu đời. Tiếc là thơ Bình ít phổ biến. Có một thế hệ làm thơ tài hoa những năm 80; 90 thế kỷ trước. Tôi thích Hồng Thanh Quang say đắm, nồng nàn, quý phái; tôi mê Trần Hòa Bình dịu dàng nhưng thâm trầm lãng mạn dân gian... 

Nhà thơ Trần Hòa Bình: "Có một người theo trăng gió đi xa" ảnh 1

Nhà thơ Trần Hòa Bình

Thế rồi hình như số phận xô đẩy, anh đã có nửa đời buồn. Không phải thất tình. Không phải thất vọng. Anh mang vẻ mặt của một gã đàn ông chứa chất một nỗi buồn khác, thăm thẳm hơn và sâu kín vô cùng. Hai mươi năm bè bạn với Bình, tôi không thể nào cắt nghĩa nỗi buồn trong mắt bạn. Cái lắng đọng chất tươi trẻ phù sa đã làm rêu phong hồn thi sĩ qua mưa nắng cuộc đời chăng? Chỉ thấy trong thơ anh phảng phất những nét buồn. Có thể là nỗi ưu tư về đời, về nghiệp...

Bình hình như đã trốn chạy cuộc đời vào những chuyến lãng du dù anh rất bận. Mấy cái chức phận nghề nghiệp bám lấy thi nhân: Một thầy giáo dạy lịch sử báo chí với kiến thức uyên thâm và một nhà quản lý báo chí, phụ trách phần hồn vía cho mấy tờ báo thị trường. Rồi thì làm mục Tầm Thư gỡ rối tơ lòng trên Tiền phong Chủ nhật...

Tuy thế, Bình vẫn dứt ra khỏi núi công việc để rong ruổi đó đây. Bình rong chơi nhưng đấy là cuộc rong chơi bận rộn, những chuyến đi đầy ắp cảm xúc cho thơ, đầy ắp tình bè bạn cho đời. Đi và đi như một cái bệnh. Cái máu giang hồ vặt ấy cũng làm khuây khỏa, hay ít nhất làm rê ra những tháng ngày buồn tẻ hay tạo cảm hứng cho những bài thơ tình mang đậm dấu ấn Trần Hòa Bình.

Nhớ cái chiều đi Bắc Ninh về uống rượu bên bờ một đầm sen phía Từ Sơn. Tôi biết cuộc nhậu chỉ là cái cớ để Bình lấy cảm hứng viết “Lời hát ru hoa sen”. Sen Từ Sơn vẫn nở, cô bé Từ Sơn con một chủ tiệm vàng dạo nào hút hồn thi sĩ thì trước sau chỉ "thưa thầy" để từ đó Sen ngủ trong bình em thức trong ta. Bình là Người đàn ông mộng mị/ Băng qua miền cỏ phơi… (Miền cỏ phơi).

Có ai biết rằng ngoài cái phong thái bụi bặm, quần bò áo phông ba lô, giày ghệt ấy, có một Trần Hòa Bình mô phạm, chỉn chu, nồng ấm nhân hậu. Sau cái vẻ ngoài ấy là một trái tim yêu thương, một con người mẫn tiệp và hào phóng giữa cuộc đời... Bình dâng hiến hết mình. Căn nhà cũ xưa mái ngói xô lệch chưa kịp sửa nằm giữa bốn bề nhà cao tầng như một quên lãng, nhưng hễ có bạn đến là vui như… Tết.

Bạn văn, đồng nghiệp, hay đơn giản mấy sinh viên báo chí, tất thảy đều được "thầy" hỏi một câu: "Óong" (tiếng Mường là uống) chứ? Và thế là móc túi còn đồng nào bảo trò đi mua đồ nhậu và rượu. Nhiều chuyện tôi là người chứng kiến cảnh hàn sĩ mua chịu rượu và bánh đa, đậu phụ đãi trò. Bây giờ kể lại bỗng thấy hồn mình tràn nước mắt thương bạn thương mình một thuở.

Ngôi sao lạc cuối trời như giọt nước mắt gieo

Ai cũng bảo anh đào hoa. Vâng thì có đào hoa, nhưng có bóng hồng nào ở lại với anh đâu! Anh thất tình bởi anh thất vọng. Anh thất tình trong sự sang trọng. Giời bắt anh khổ vì thất vọng, nên suốt đời đơn lẻ. Một buổi sáng không có ai trò chuyện/ Một buổi sáng vô duyên/ Điếu thuốc thứ 10 đã tắt/ Những tàn tro thi nhau về trời (Một buổi sáng). Thì ra cái anh chàng có tiếng đào hoa ấy vẫn mang một khuôn mặt buồn. Mặc những bóng hồng đến rồi đi: "Anh ở lại cùng mùa đông lỡ nhịp".

Những bài thơ viết sau năm 1986 nghĩa là sau “Thêm một” đã ngầm chỉ cho ta thấy nỗi niềm chàng thi sĩ đa đoan ấy: Ta không nhớ tuổi nhưng ta nhớ em/ Chính vì nhớ em mà ta không nhớ tuổi/ Em đâu rồi/ Ôi sương khói mùa đông! Con người dáng kiêu bạc thế mà trái tim đôi lúc yếu mềm quá thể. Từng là kẻ thất tình nữa chứ: Ta thương em mà không sao thưa được/ Ta yêu em mà không sao nói được/ Sen ngủ trong bình em thức trong ta (Bài hát ru hoa sen).

Qua nhiều hệ lụy ái tình, sau bao nhiêu cay đắng, anh ngộ ra những điều đơn giản mà triết lý thâm hậu: Thêm một đêm trăng tròn/ Lại thấy mình đang khuyết (Thêm một). Hoặc trong bài thơ cuối cùng “Khau Vai”, Bình chiêm nghiệm về muôn kiếp duyên phận éo le: Em hai mươi sắp thành ngàn tuổi/ Em có anh xa xót thế này sao?/ Quỳ trước núi mà tin thôi em ạ/ Ai trong đời chẳng có một Khau Vai!

Chiều nay nghe họa sĩ Vi Quốc Hiệp từ Đà Lạt ôm đàn hát “Khau Vai”, bài hát do anh viết nhạc, xúc động quá lời thơ hòa điệu thức dân ca Mông gợi một chút buồn sang trọng. Tôi chợt thương Bình, thương những cố nhân "Hãy nhìn nhau nhìn nhau trước gió/ Em sẽ thấy một Khau Vai trong số phận chúng mình”...

Gã là đế vương trong tình ái. Nhiều người nghĩ thế, nhưng tôi tin gã đôi khi còn là kẻ ăn mày. Đời người là vậy. Gái đổ xô ái mộ thầy Bình nhưng thầy thì đi tìm miền khát giữa mông lung. Nhưng dù "đế vương" hay "ăn mày" thì Bình đã viết nên những câu thơ tình tài hoa và tha thiết. Anh đã viết trong thất tình không bằng lòng căm hận mà bằng sự vị tha thấu tận lẽ đời... Anh sớm mang nỗi cô đơn của một hoàng đế ái tình. Nhưng hoàng đế ấy còn thả mộng về đâu mà đêm đêm lẻ bóng.

Những đêm mưa Cầu Giấy của những năm 90 thế kỷ XX buồn hoang vắng. Học viện Báo chí và Tuyên truyền bấy giờ toàn nhà cấp bốn, giảng đường là những dãy nhà ngói một tầng chia các phòng học. Đêm đêm Bình ít ngủ. Mấy thằng bạn lại lọ mọ thuê xích lô ra tận Bờ Hồ uống rượu.

Mỗi lần Trương Thiếu Huyền từ Hạ Long lên hay Tuấn Phú Thọ về là căn nhà lại chật như nêm. Cả đêm ấy rượu tràn cung mây. Đồ mồi là mấy miếng đậu phụ mua đầu ngõ hồi chiều hoặc bí quá thì bảo mấy chàng sinh viên ra quán phở đêm ngã ba kiếm mấy bát xương "bốc mả" về làm mồi nhậu. Cứ thế hết đêm này qua đêm khác…

Lạ cái say xỉn hết chỉ còn Bình mở  đĩa Quan họ năm canh. Những "Thân lươn bao quản lấm đầu", "Ngồi tựa mạn thuyền"… liu riu khi Bình ngồi vào bàn viết. Nhiều đêm tỉnh dậy đã gần sáng vẫn cái lưng trần ngồi kia dáng nghiêng nghiêng nhẫn nại. Bình là anh viên chức mẫn cán một cách lạ lùng. Ai bảo anh ham chơi!

Ngày chớm Thu năm 2008, Bình hẹn tôi mấy hôm nữa ra tòa soạn chơi rồi gặp nhau ở quán Dung "đen" phố Vũ Lợi. Cái gốc bàng nơi chúng tôi ngồi mấy năm nay vẫn là chỗ mỗi lần Bình đến là cả bọn kéo ra ngồi. Mồi dân dã và bia rượu tùy hứng. Một chai rượu gạo lôi từ túi dết ra.

Mượn mấy cái ly nhỏ kêu đĩa mồi là thành bữa tiệc nhỏ. Tào lao dăm ba chuyện chữ nghĩa bạn bè, mắng nhau mấy câu vui vui mà nhắc khéo nhau chuyện đời… Bình lém mà khôn đáo để. Người tình nào cũng đẹp và thông minh. Nhưng Bình sợ cái thông minh của họ. Nói rồi bỏ đó. Chả thấy đi đến đâu. "Bạn bè không thiếu, nhưng ai tri âm tri kỷ?". Bình nhắn cho tôi chiều ba mươi Tết năm 2006 như vậy.

Rồi những ngày nghỉ khi mọi người về bên gia đình thì Bình lại vẫn một mình lang thang trên phố. Quán rượu cỏ Phùng Hưng là đích đến của một sáng Chủ nhật. Tiễn Bình rồi tôi với Thế Khoa ngập ngừng trên phố. Không biết bạn có về nhà không khi phía ấy không vòng  tay nào đón đợi. Ai biết được trái tim đa cảm của người thi sĩ đau đớn thế nào. Và rồi chuyến lãng du định mệnh ấy sao Bình tìm về quê Trần để rồi mãi mãi đi?

Buổi tiễn Bình trên phố Phủ Doãn mây hình như thấp trên đầu. Những người tình của Bình về tiễn anh lần cuối nức nở ngoài kia khi xe đưa bạn rời nhà thương. Bao nhiêu tiếng gọi "Bình ơi" của bạn bè, học trò và những người tình trẻ của anh ở Đài hóa thân nghe như tan nát cả cõi lòng. Những chén rượu đổ xuống nơi Bình nằm, những bông hoa trắng đặt lên muộn mằn và tiếc nuối.

Một nhà báo đi xe khách từ Huế ra đến Phủ Lý thì xe hỏng, anh nhảy xe ôm lên đến nơi thì chỉ kịp cúi đầu nhìn theo cỗ xe tự động ba chục thước trượt lần cuối. Một mâm cơm dưa cà thanh đạm của người tình cũ xin đến thắp hương cho anh bỗng làm ta nức nở thương Bình. Bạn bè còn đây, người tình còn đây, đừng quên cát bụi phận này. 

Hai năm không có Bình, lũ chúng tôi bơ vơ không có người kết nối. Sợi dây bè bạn đã đứt rồi, mỗi người trôi theo dòng đời bỗng chiều nay nhớ ngày Giỗ bạn kéo nhau về thắp nhang cúi đầu trước một tài hoa, trước một người bạn tốt. Căn nhà xưa anh em tôi gọi vui là "Trụ sở Liên hợp quốc" giờ vắng lạnh quá chừng. Bạn giờ về non Tản theo thầy mẹ. Làng Cổ Đô phía Ba Vì - ngôi làng của tài hoa đất Bắc, xin ghi tên Bình vào sổ danh nhân làng. Chiều nao trên phố Vũ Lợi cạnh gốc bàng cũ, chúng tôi không ai bảo ai bỗng dựng đứng dậy cúi đầu, đổ một chén rượu xuống đất hay uống thay Bình…

 Bình ơi bây giờ về cõi viễn du xa xăm ấy, anh có biết tình và thơ anh vẫn còn đây. Thơ Bình vẫn đang được đọc, được chép trong sổ tay những người yêu thơ. Tình cảm và khoảng sống, cả khoảng trống Bình để lại vẫn còn đó. Cho tôi nhắc lại một câu đã viết đâu đó, rằng, Nếu có một giải nhất thơ tình xin hãy truy tặng cho anh...

Theo Tân Linh (ANTG cuối tháng)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm