Những chuyện bi hài trước thềm SEA Games 27

Khó khăn đầu tiên với các phóng viên Việt Nam đến ngay trong khâu cấp thẻ. Do không có điều kiện về kỹ thuật, chủ nhà Myanmar giao toàn bộ khâu làm thẻ cho đối tác Trung Quốc trong khuôn khổ dự án mang tên Hỗ trợ Kỹ thuật cho SEA Games 27. Sau khi nhận đơn đăng ký làm thẻ của phóng viên báo đài từ các Ủy ban Olympic Quốc gia, Ban tổ chức sẽ chuyển toàn bộ sang Trung Quốc để đối tác làm hộ. Và do sự vòng vo này, trục trặc đã nảy sinh.

Một phóng viên của Thông Tấn Xã Việt Nam được cấp thẻ với nội dung gần đúng bản khai đăng ký, trừ tấm ảnh. Ảnh của anh bị nhầm lẫn với một đồng nghiệp đang công tác ở báo khác trong TP HCM. Thẻ của Nguyễn Tùng, phóng viên của VnExpress, thì bị lỗi ở phần tên. Chữ "g" cuối cùng trong tên anh được đánh máy lại thành 'h'.

Những chuyện bi hài trước thềm SEA Games 27 ảnh 1

Thẻ tác nghiệp SEA Games bị dán nhầm ảnh. Ảnh: Linh Hoàng.

Đây đều là những sự cố mà cánh phóng viên Việt Nam chưa từng gặp phải ở các kỳ đại hội gần đây ở Philippines, Thái Lan, Lào hay Indonesia. Sau khi trực tiếp liên hệ với Ủy ban Olympic Việt Nam và gửi email trình bày với ban tổ chức SEA Games, các anh được hướng dẫn mang thẻ bị lỗi cùng ảnh và một bản khai hồ sơ khác sang... Myanmar để làm lại.

Cho đến trước khi nhóm phóng viên Việt Nam đầu tiên đặt chân đến thủ ô Nay Pyi Taw - nơi diễn ra phần lớn nội dung thi đấu của đại hội, đặt phòng khách sạn cũng là một thử thách cam go. Kết quả tìm kiếm trên các trang đặt phòng qua internet cho thấy những phòng giá bình dân đều đã hết, chỉ còn chỗ ở có giá cao ngất ngưởng.

Rất nhiều kênh đã được truyền thông Việt Nam tận dụng để tìm kiếm phòng khách sạn, vì cảnh báo "không đặt phòng sớm, có khi phải mang theo túi ngủ mà ở ké trung tâm báo chí". Theo tìm hiểu của VnExpress, đã có ít nhất bốn cơ quan báo chí trong nước nhờ được một kênh trung gian ở Nay Pyi Taw đặt hộ theo phương châm chấp nhận phòng đắt và ở chung để chia sẻ kinh phí. Nhưng dù đã thương lượng xong về giá cả và thời gian thuê, hai tuần trước ngày lên đường, phóng viên các báo này chưng hửng nhận email báo khách sạn mà họ đặt ở Zone 1 của thủ đô Nay Pyi Taw - khu trung tâm và tiện đi lại tác nghiệp nhất - đã không còn phòng.

Phương án "chữa cháy" được phía Myanmar đưa ra là họ sẽ bố trí cho số phóng viên này sang một khách sạn khác ở Zone 2 kèm theo quảng cáo về tiện nghi không kém khách sạn ở Zone 1 và khoảng cách giữa hai khách sạn chỉ được tính bằng vài phút taxi. Nhưng sau khi kiểm tra lại qua Google Maps, quãng đường trên thực tế lên tới hơn 10 km, các phóng viên đành phải hủy đặt phòng và thấp thỏm chờ các đồng nghiệp sang Nay Pyi Taw trước tìm hiểu và đặt hộ.

Những chuyện bi hài trước thềm SEA Games 27 ảnh 2

Tìm được một chỗ ở tốt với giá cả phải chăng trong thời gian tác nghiệp là thách thức không nhỏ cho các phóng viên sang Myanmar đưa tin về SEA Games 27. Ảnh: Đông Huyền.

Êkíp của VTV cũng vướng rắc rối ngay khi hạ cánh xuống Yangon và làm thủ tục nhập cảnh. Trong hơn một tấn hành lý đoàn đem theo, có rất nhiều linh kiện, thiết bị hiện đại mà hải quan Myanmar chưa được cập nhật. Vì thế, dù đã xem tận mắt, sờ tận tay và kêu gọi cả sự hỗ trợ từ an ninh và một số nhân viên của Truyền hình Quốc gia Myanmar, phía bạn vẫn không biết đó là những thứ gì.

Bàn lui tính tới mãi, hải quan Myanmar đành bắt đoàn VTV phải ký cam kết đây là chỉ những thiết bị truyền hình, phục vụ mục đích đưa tin về SEA Games rồi mới tiến hành làm thủ thục nhập cảnh. Vì sự cố này, đoàn của VTV phải nán lại sân bay Yangon trong bốn tiếng đồng hồ, kèm theo bao mệt mỏi, ức chế.

Không gặp phải chuyện cười ra nước mắt khi nhập cảnh như của VTV, các đoàn khác cũng kêu trời không thấu vì những khó khăn chưa từng thấy khi đến Myanmar tác nghiệp lần này. Ở các kỳ đại hội trước, chỉ cần có thẻ phóng viên, giới truyền thông sẽ được ra vào Trung tâm Báo chí Chính (MPC). Nhưng tại SEA Games 27, Ban tổ chức phát thành thêm thẻ phụ, là loại thẻ nhựa cứng khổ nhỏ tương tự kiểu thẻ ATM. Để được cấp thẻ này, các phóng viên lại phải điền một loạt thông tin, lấy vân tay và mất thêm một tiếng đồng hồ chờ đợi.

Thông tin liên lạc là một nỗi khổ khác. Anh Đỗ Tuấn, phóng viên báo Bóng Đá, chia sẻ qua Facebook: "Đang quen với internet tốc độ xe F1 ở Việt Nam, giờ trở về với internet với tốc độ ốc sên ở thủ đô mới mẻ và xanh sạch của Myanmar. Cảm giác thiệt là chới với. Chưa hết, điện thoại mua sim rất mắc, nhưng có thể mất sóng bất cứ lúc nào nó thích. Mình ở cùng hành lang với các phóng viên Thái Lan, Indonesia, Malaysia, thỉnh thoảng lại thấy vài bạn chạy ra ngoài a lố, a lô, á lồ liên tục, và sau đó là... một loạt câu cảm thán".

Những chuyện bi hài trước thềm SEA Games 27 ảnh 3

Các thiết bị di động đời mới vẫn chưa phổ biến ở Myanmar. Ảnh: AFP.

Điện cũng là một vấn đề mà ngay cả những phóng viên dày dạn kinh nghiệm chinh chiến tại SEA Games nhất cũng đánh giá là chưa từng gặp kể từ thời ở Jarkarta năm 1997. Phóng viên Việt Khải, báo Bóng đá, chia sẻ tối 3/12, cả thủ đô Nay Pyi Taw như chìm vào bóng đen vì sự cố mất điện trên diện rộng. Mọi đường internet từ trung tâm báo chí, khách sạn, các điểm truy cập đều tịt ngóm. Dịch vụ 3G cũng đứng im theo.

SEA Games 27 chỉ còn sáu ngày trước thời điểm khai mạc (11/12) nhưng Myanmar dường như vẫn chưa thật sự sẵn sàng cho sự kiện thể thao lớn nhất khu vực.

Theo Lam Mi (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm