Những vụ án oan - Bài 2: Từ tử hình còn sáu tháng tù

Năm 1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, để phục vụ chiến đấu, mạng lưới dây điện thoại trải rộng khắp nơi trong vùng. Việc cắt trộm dây điện thoại xảy ra ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến hoạt động quân sự. Đã có nhiều biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền giáo dục vẫn không hiệu quả.

Một mình cắt trộm… hàng tấn dây điện thoại

Trung ương đã chỉ đạo cho các ngành chức năng công an, kiểm sát, tòa án... phải truy bắt cho được một số tội phạm loại này, đưa ra xét xử thật nghiêm với mức án cao nhất để giáo dục răn đe, kịp thời ngăn chặn loại tội phạm nguy hiểm này.

Trong khi đang ráo riết truy tìm thủ phạm thì vào một buổi sáng, người gác cầu Lai Vu (gần thị xã Hải Dương) đã bắt quả tang Bùi Duy Phóng đang mang khoảng 10 kg dây điện thoại lên chợ Hải Dương để bán. Qua xét hỏi, Phóng đã thú nhận: Vì gia đình quá khó khăn, vợ con luôn ốm đau, bản thân làm thuê, thu nhập ngày có ngày không... hôm nào không có ăn thì y đi cắt trộm ít dây điện thoại đi chợ bán.

Theo báo cáo của quân đội thì số dây điện thoại bị cắt trộm lên đến hàng tấn. Với sự khuyên bảo của cán bộ điều tra “thành khẩn nhận tội thì mới được khoan hồng...”, Phóng đã tự nhận là đã cắt hầu hết hàng tấn dây điện thoại đã mất. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng tỉnh báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy, đề nghị xử điển hình Phóng với mức án “tử hình”. Đề nghị này đã được Tỉnh ủy đồng ý và các ngành chức năng trung ương là công an và TAND Tối cao cũng nhất trí.

Những vụ án oan - Bài 2: Từ tử hình còn sáu tháng tù ảnh 1

Ông Trần Tề, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, kể: Sau khi nghe viện trưởng VKS tỉnh báo cáo cụ thể sự việc, tôi hỏi lại: “Anh có thật tin rằng Bùi Duy Phóng đã tự cắt hết hàng tấn dây điện thoại đã mất không?”. Anh viện trưởng trả lời rất phân vân về mặt chứng cứ nhưng vì yêu cầu bức thiết phục vụ việc khẩn cấp cho mặt trận và lãnh đạo địa phương, các ban ngành chức năng ở trung ương cũng đã nhất trí nên cũng phải chấp nhận. Chứ thật ra việc cắt dây điện thoại ở vùng này thì hầu hết mọi người dân khi cần dùng dây để phơi quần áo, làm nhà, sửa nhà... đều cắt để dùng.

Ông Trần Tề trăn trở: “Tôi bảo anh viện trưởng chưa được ký lệnh truy tố tên Phóng, một mặt tôi khẩn cấp có công văn đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương và các ngành chức năng trung ương để VKSND Tối cao cho thẩm tra kỹ lại chứng cứ, xác định đúng tính chất, mức độ phạm tội để lượng hình công minh chứ không vì yêu cầu phục vụ chính trị khẩn cấp mà xét xử oan sai quá xa mức cho phép. Đồng thời yêu cầu phái đoàn đi kiểm tra chứng cứ sâu sát tìm hiểu thông qua quần chúng nhân dân chứ không được chỉ nghe báo cáo của các cấp huyện, tỉnh...

Tiền án: Một thời ấu trĩ

Vài ngày sau, báo cáo thẩm tra cho biết: Dân làng nơi ở của Phóng đều thương yêu Phóng, vì con người Phóng còn nhỏ mà biết ăn ở, gặp vận rủi, cha mất lúc Phóng chín tuổi, mẹ ốm yếu, có hai em trai ba và năm tuổi, Phóng phải cần cù làm thuê, ở mướn giúp mẹ, nuôi em, mùa đông tháng rét thường bị thiếu đói...

Về việc Phóng phạm tội trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa không giáo dục được phải đưa đi tập trung cải tạo, bà con cho biết: Đúng là có ba lần (chứ không phải hàng chục lần). Năm 10 tuổi, HTX cho Phóng giúp việc nuôi heo. Một hôm trời rét, người gác cổng thấy Phóng có cái áo rách vá mà không mặc, lại ôm áo trước ngực nên sinh nghi, bảo Phóng bỏ áo ra xem thì trong áo gói khoảng một ký cám heo. Phóng khai vì mẹ và em mấy ngày rồi đói quá nên lén lấy ít cám về rang lên cho mẹ và em ăn! Phóng thú nhận đã ăn cắp cám mấy lần, gộp lại gần chục cân cám heo...

Lần thứ hai, sau cơn mưa gió lớn, nhiều cây phi lao bị gãy. Gặp lúc nhà trống lạnh không có cái đun, Phóng lén lấy một ít cành cây về đun thì bị bắt... Lần thứ ba: Ở các lỗ bom do máy bay B52 thả, nước mưa đọng lại thành ao, HTX dùng làm ao nuôi cá... Hôm ấy nước lũ tràn bờ, một số cá nhỏ trôi đi và mắc lại trên bờ cỏ, Phóng thấy vậy nhặt về. Khi đang kho nấu cho gia đình ăn thì bị phát hiện, coi là bắt trộm cá của HTX... Còn những vụ việc khác thì bà con không biết rõ.

Từ những việc đó, công an xã cho rằng Phóng thường trộm cắp nên đề nghị cho đi tập trung cải tạo ba năm. Còn tại sao đến tám năm Phóng mới được tha về thì bà con không hiểu.

Trại cải tạo cho biết: Thời gian ở trại Phóng cải tạo rất tốt, ngoài thực hành nhiệm vụ của người trại viên đầy đủ, Phóng còn được sử dụng phục vụ việc nhà ngoài giờ cho các cán bộ quản giáo. Bất cứ việc gì Phóng đều cần cù, tận tụy làm, chài lưới, gánh nước, bửa củi... Bản thân chất phác, thật thà và có lẽ cũng không nhớ được thời hạn cải tạo theo quy định nên cũng không xin xem xét tha về. Còn cán bộ quản lý trại thấy Phóng an tâm, làm được nhiều việc nên cũng cứ để Phóng ở trại, không xét cho Phóng về. Thấm thoát thời gian Phóng ở trại đã tám năm, hai em trai Phóng đã đến tuổi nhập ngũ, một đứa ở biên giới phía Bắc, một đứa chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Mẹ già cô đơn nên địa phương mới yêu cầu lãnh đạo trại cải tạo cho Phóng về sống với mẹ già... Sự thật là như vậy, chứ không phải như nhận định trước đó, là do Phóng cải tạo xấu nên phải gia hạn kéo dài đến tám năm mới được tha về.

Tha tại phiên tòa

Sau khi về nhà, Phóng phải đi làm thuê, làm mướn nuôi mẹ. Khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, Phóng được gia nhập đoàn dân công phục vụ tiền tuyến. Sau đó Phóng trở về nhà, lấy vợ là một cô gái nghèo, mồ côi cha mẹ, cùng là dân công hỏa tuyến. Gia đình đã khó khăn càng khó khăn hơn, vợ chồng vẫn làm thuê, ở mướn, mò cua bắt ốc để nuôi mẹ, nuôi con sống qua ngày. Trong những ngày mưa gió, lũ lụt thì không có ai thuê làm nên thiếu đói. Vì thế Phóng đã cắt trộm dây điện thoại để bán và bị bắt. Thời gian Phóng bị giam giữ, gia đình Phóng sống đói khát, chủ yếu nhờ bà con xóm làng thương tình giúp đỡ.

Khi gặp trực tiếp gia đình Phóng, trước cảnh sống nheo nhóc của mẹ, vợ, con Phóng, nhiều cán bộ trong đoàn không cầm được nước mắt. Bà con trong HTX và xóm làng ở đây đều tha thiết đoàn báo cáo với cấp trên, xét tha cho Phóng về sớm để nuôi mẹ và vợ con. Vì Phóng là người tốt, chỉ vì bần cùng sinh đạo tặc mà thôi. Bà con xóm làng sẽ giúp Phóng thành người công dân tốt. Nếu xử tội Phóng thì phần lớn dân ở đây ít nhiều đều có phạm tội này...

Nhiều ông cụ, bà cụ đã khóc nức nở khi nói lên điều này. Trong cuộc họp các ngành hữu quan với VKSND Tối cao do Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Tề chủ trì và đề xuất ý kiến, mọi người đều xúc động và thông cảm hoàn cảnh phạm tội của Phóng và nhất trí báo cáo đề nghị trên cho xử Phóng với mức án thỏa đáng đủ tác dụng giáo dục Phóng và ngăn ngừa chung.

Cuối cùng Phóng đã được hưởng mức án sáu tháng tù giam (tương đương thời gian đã bị giam giữ) và được tha ngay tại phiên tòa.

Những vụ án oan - Bài 2: Từ tử hình còn sáu tháng tù ảnh 2

NGUYỄN TÝ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm