Nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của UNESCO

Bà vốn là đương kim đại sứ của Bulgaria tại Pháp và đại diện thường trực của Bulgaria tại UNESCO. Bà Bokova sẽ là người phụ nữ đầu tiên và cũng là người Đông Âu đầu tiên trở thành Tổng giám đốc UNESCO, sau khi được Đại hội đồng LHQ thông qua vào ngày 15-10.

Nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của UNESCO ảnh 1

Bà Irina Bokova, tân Tổng Giám đốc UNESCO

Thắng lợi vào phút cuối

Lịch sử hơn 60 năm của UNESCO chưa từng có cuộc bầu cử chọn tổng giám đốc nào gay go như lần này. Ban chấp hành UNESCO gồm 58 thành viên mất năm ngày với năm vòng bỏ phiếu tại trụ sở ở Paris (Pháp) để chọn người thay tổng thư ký sắp hết nhiệm kỳ Koichiro Matsuura.

Bà Bokova là một trong số chín ứng viên.Vòng cuối cùng, bà vượt lên ứng viên Farouk Hosni, Bộ trưởng Bộ Văn hóa của nước Ai Cập, bốn phiếu (31/27). Chiến thắng của bà gây bất ngờ cho nhiều người. Nhà báo Assen Indjiev của Bulgaria cho biết không một ai ở Bulgaria tin rằng bà Bokova sẽ được chọn “vì Bulgaria là một nước nhỏ và nghèo”.

Ứng cử viên Hosni được nhận xét là nhiều khả năng trúng cử. Ai Cập và cả khối A Rập đã vận động cho ông rất công phu với hy vọng lần đầu tiên có một tổng giám đốc UNESCO là người A Rập. Phân tích sự thất bại của ông Hosni, báo chí phương Tây cho rằng ông đã có một hành động gây “sốc” khó thông cảm được. Vào năm rồi, ông phát biểu trước Quốc hội Ai Cập rằng ông sẽ đốt tất cả sách của Israel tìm thấy trong các thư viện của Ai Cập. Tuy ông đã lên tiếng xin lỗi nhưng một số nhà trí thức hoạt động văn hóa nổi tiếng trong và ngoài nước lại chống đối việc chọn một người đòi đốt sách làm tổng giám đốc UNESCO.

Báo chí Ai Cập phản ứng mạnh, cho rằng sự thất bại của ông Hosni trong cuộc chạy đua tranh chiếc ghế tổng giám đốc UNESCO là “bằng chứng của sự xung đột giữa các nền văn hóa”. Nhật báo A Rập Rose al-Youssef viết rằng cuộc bầu cử cho thấy “phương Tây chống lại các nước khác trên cơ sở tôn giáo trong những thời khắc quan trọng”.

Nhà ngoại giao giỏi

Bà Bokova sinh ngày 12-7-1952 tại Sofia, Bulgaria. Cha của bà, ông Georgi Bokov, là đảng viên Đảng Cộng sản và là tổng biên tập Báo Rabotnichesko Delo. Đây là tờ báo hàng đầu của Đảng Cộng sản Bulgaria. Bà Bolkova trước đây cũng là một đảng viên Đảng Cộng sản Bulgaria. Khi khối Đông Âu tan rã, bà tham gia đảng Xã hội. Bà được đào tạo tại Liên Xô cũ, tốt nghiệp thạc sĩ tại Viện Quan hệ quốc tế ở Moscow, Nga. Sau đó, bà sang Mỹ học Đại học Maryland và Đại học Harvard. Bà thông thạo nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha. Bà có chồng và hai con.

Nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của UNESCO ảnh 2

Phát biểu sau khi được bầu làm tổng giám đốc UNESCO

Tốt nghiệp năm 1976, bà làm việc cho Bộ Ngoại giao Bulgaria. Năm 1994, bà là thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Bulgaria phụ trách LHQ, EU, OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu). Bà từng đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao Bulgaria năm 1996-1997. Năm 1996, bà tranh cử chức Phó Tổng thống Bulgaria nhưng không thành công.

Bà Bokova cũng từng làm đại biểu Quốc hội Bulgaria. Trong Quốc hội, bà là Phó Chủ tịch Ủy ban Chính sách ngoại giao, Quốc phòng và An ninh.

Báo chí Bulgaria nói rằng bà Bokova là một nhà ngoại giao xuất sắc, có lập trường ôn hòa. Bà không thích các cuộc đấu tranh liên quan tới ý thức hệ. Bà đặc biệt quan tâm tới việc thống nhất châu Âu, có vai trò trong các cuộc thương lượng về việc Bulgaria gia nhập NATO và EU. Là phụ nữ, bà chú trọng tới quyền bình đẳng nam nữ.

Đem vinh quang về cho đất nước

Việc bà Bokova trở thành Tổng thư ký UNESCO là tin vui lớn đối với Bulgaria, giúp cải thiện hình ảnh Bulgaria trên trường quốc tế. Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov nhận định: “Đây là một sự công nhận to lớn đối với Bulgaria”, “một loại thành công quốc tế mà có thể Bulgaria không có lần nữa trong 20 năm tới”.

Cho đến nay, người Bulgaria đạt chức vụ cao nhất trong các tổ chức quốc tế chỉ mới có bà Meglena Kuneva, Cao ủy Liên minh châu Âu về bảo vệ người tiêu dùng và bà Kristalina Georgieva, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Vào nửa đầu năm 2009, Bulgaria nuôi hy vọng cựu Bộ trưởng Ngoại giao Solomon Passy trở thành tổng thư ký NATO nhưng hy vọng không thành.

Nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của UNESCO ảnh 3

Bà Bokova bên cạnh ông Joseph Yai người Benin

Giờ đây, Bulgaria có bà Bokova làm Tổng giám đốc UNESCO. Tổ chức này có quy mô toàn thế giới, được thành lập với mục đích “thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để đảm bảo sự tôn trọng công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo” (trích Công ước thành lập UNESCO). Thắng lợi của Bulgaria cũng là của các nước Đông Âu.

Trải qua một kỳ bầu cử đầy kịch tính, tân Tổng giám đốc UNESCO phải chuẩn bị đương đầu với một số vấn đề phức tạp. Trước nhất, bà cần xoa dịu và tranh thủ sự ủng hộ của khối A Rập đang tức giận với sự thất bại của ông Hosni. Bà bày tỏ sự thân thiện với ông Hosni và người A Rập.

Bà kể bà đã sinh ra tại một thị trấn nhỏ có nhiều người A Rập, mọi người sống thân thiện. Bà Bokova không tin có sự đụng độ văn hóa trong việc bầu chọn chức vụ Tổng thư ký UNESCO và kêu gọi cổ vũ cho sự đa dạng văn hóa. Bà nói: “Tôi sẽ hành động để thuyết phục mọi người rằng tôi ưu tiên lớn cho sự khoan dung, sự đa dạng văn hóa. Đây là căn bản của những giá trị UNESCO”.

Về trách nhiệm lãnh đạo UNESCO, bà Bokova cho biết sẽ theo đuổi việc cải cách tổ chức này để tăng hiệu quả của các hoạt động và giảm bớt tình trạng quan liêu.

(Theo New York Times, Thông tấn xã Sofia, Wikipedia, Standard)

TÚY HOA

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 10-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm