Ông già cứu người ở phố núi Pleiku

Ông là Quách Trọng Hoan ở thôn 4, xã Biển Hồ, TP Pleiku (Gia Lai). Năm nay đã ngoài tuổi 70 nhưng ông vẫn ngày ngày âm thầm công việc cứu vớt những phận người không may rơi xuống Biển Hồ.

Cứu người từ thuở chăn trâu

Sinh ra trong một gia đình địa chủ ở đất Mường (nay thuộc huyện Nho Quan, Ninh Bình) nhưng ngay từ lúc đầu còn để chỏm, cậu bé Hoan đã chịu cảnh gia đình ly tán. Khi ấy cậu phải lưu lạc khắp nơi, làm đủ việc thượng vàng hạ cám để kiếm tiền nuôi thân nhưng vẫn không quên học cái chữ. Từ chăn trâu, cắt cỏ, kiếm củi đến mò cua bắt hến, vớt gỗ chìm dưới đáy sông... cậu đều trải qua.

“Hồi đó cứ mỗi cuối tuần, đám bạn cùng lứa lại băng rừng vượt núi cả quãng đường dài 15-20 km về nhà gùi gạo mang đến lớp học chữ. Thấy thương, tôi rủ tụi nó đi vớt củi, vớt gỗ cùng. Chăm chỉ hai ngày thứ Bảy, Chủ nhật cũng kiếm được hơn yến gạo rồi” - ông Hoan kể. Trong đám bạn lóc chóc ấy, Hoan đặc biệt nổi bật bởi tài bơi lặn xuất chúng. Cũng chính thân phận côi cút giữa dòng đời đã thôi thúc cậu học trò Quách Trọng Hoan chăm chỉ học hành để rồi trở thành một trong năm học sinh xuất sắc nhất tỉnh Ninh Bình lúc bấy giờ.

Một buổi chiều tháng 10-1951, Hoan đang chăn trâu trên triền đê bỗng nghe tiếng người kêu cứu thất thanh động cả bến đò. Quay lại thì thấy một con thuyền xập xệ đang từ từ chìm xuống. Không chút đắn đo, cậu thúc con trâu chạy thẳng ra giữa sông, kéo được hai người bị nạn lên lưng trâu đưa vào bờ. Tuy đã đuối sức, cậu bé vẫn cố lao ra ứng cứu những người còn lại. Sau lần ấy, Hoan được tuyên dương như anh hùng nhí của làng. Trước đó, bọn trẻ trong làng thường chê cậu bé Hoan chăn trâu còi cọc là kẻ “ngu, dại, làm nô lệ không công cho thằng què” vì “cái tội” bốn năm liền cõng một người bạn khuyết tật cùng làng đi học. Bây giờ, sau trận cứu người ngoạn mục, “cái tội” cõng bạn đi học ngày nào của cậu lại một lần nữa được người làng ngợi khen như một tấm gương người tốt việc tốt điển hình để bọn trẻ bắt chước noi theo.

Ông già cứu người ở phố núi Pleiku ảnh 1

Già Hoan và con đò cứu người gắn bó suốt 20 năm qua. Ảnh: Y.AN

Duyên nợ với Biển Hồ

Tổ quốc vẫy gọi, Quách Trọng Hoan hăm hở vác ba lô lên đường vào Nam đánh Mỹ. Duyên số dường như đã sắp đặt cho ông ở lại vùng đất đỏ bazan. Thời điểm chiến dịch Mậu Thân 1968, đơn vị của ông được lệnh hành quân ngang qua Pleiku. Trên đường hành quân ấy, ngang qua hồ T’Nưng (Biển Hồ), ông chợt đứng sững lại bởi khung cảnh hiện ra trước mắt. Hồ rộng, sâu, mặt nước xanh ngăn ngắt như một bầu trời thu nhỏ cả cao nguyên Gia Lai thơ mộng, hùng vĩ. Choáng ngợp trước vẻ đẹp thần tiên ấy nên sau giải phóng ông quay lại phố núi, tìm một mảnh đất nhỏ cạnh Biển Hồ sống cuộc đời ẩn dật, yên bình với nghề chài lưới.

Biển Hồ vốn là miệng núi lửa đã tắt ngấm từ ngàn năm nay nhưng lòng hồ vẫn lởm chởm đá, hốc lồi hốc lõm dị thường. Nơi đây không chỉ nổi tiếng là thắng cảnh, là “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy” mà còn là hiểm địa với nhiều vụ đuối nước, tự tử. Nhà cạnh Biển Hồ, lại nằm lòng từng hốc đá ở đây nên ông Hoan càng rõ điều đó hơn ai hết. Nhiều đêm, trong chính căn nhà ấy ông nằm một mình suy nghĩ vẩn vơ mà thương cho những người bất hạnh phải bỏ xác ở lòng hồ... Vì vậy, hễ nghe thấy vụ chết đuối nào ông đều nhanh chóng đến nơi nhảy ùm xuống hồ để cứu hoặc nếu đã quá muộn thì sẽ vớt xác người xấu số.

Lần ấy có người không may chết đuối ở chân một con thác, nơi nước chảy ngàn năm xói mòn tạo thành cái hố rất sâu. Hàng chục thợ lặn có tiếng ở Quy Nhơn được huy động nhưng suốt bốn ngày vẫn không tìm thấy xác. Ngày thứ năm nghe tin, ông vội vàng đến nơi. Dòng nước xiết và hung hãn buộc ông phải tính toán kỹ lưỡng quãng xác trôi, lặn sao để tránh cành cây và đá tảng bám víu dưới mặt nước. Lặn hơi đầu tiên xuống gần tới đáy, nhìn thấy cái xác ông liền ngoi lên thở dốc. Hơi thứ hai chạm đáy, ông dùng hết sức bình sinh kéo xác đẩy nhanh lên mặt nước. Ngạt. Choáng váng. Nước xông tới ộc vào mũi khiến ông sặc sụa, may lúc ấy được đám thợ lặn kéo lên sơ cứu kịp thời, nếu không ông cũng đã bỏ mạng theo người xấu số.

Năm 1989, khi nghe tin có hai xác chết trên dòng Pôkô cách thác Yaly chừng 16 km đường rừng, không ai nhận trách nhiệm, một mình ông đã lặn lội hai ngày đường tìm đến nơi. “Tôi nhớ như in khi tôi đến, hai cái xác tội nghiệp đã bị bọ và kỳ đà ăn nát, chỉ còn có xương, ruồi bu kín mít. Tôi quyết định chôn cất ngay trong đêm dù bản thân đang bị cơn sốt rét rừng hành hạ. Lo liệu xong xuôi cho nạn nhân cũng là lúc tôi kiệt sức, về nhà nằm liệt cả tháng trời mới khỏi”. Ba năm sau, người thân của họ ở Cao Bằng tìm đến nhờ chỉ mộ bốc cốt, ông lại tất tả dẫn đường.

Ông già cứu người ở phố núi Pleiku ảnh 2

Chân dung ông già Biển Hồ Quách Trọng Hoan. Ảnh: V.NGỌC

 Năm 2009, ông bỏ tiền xây một ngôi miếu nhỏ đặt tên là Vạn Linh trong khu vườn nhà mình để nhang khói cho những người chết nước không chốn nương thân. Tháng 10 năm đó, ông lại bỏ tiền ra mua phương tiện, dụng cụ thành lập đội cứu hộ cứu nạn, tự mình đứng ra huấn luyện bà con để cứu người khi có sự biến.

Từ năm 2000 đến nay, riêng ở Biển Hồ ông Hoan đã vớt được 59 nạn nhân, trong đó năm người còn sống.

Luôn sẵn lòng làm việc nghĩa

Với người J’rai, công lao của ông Hoan không chỉ có thế. Đã có 189 người con J’rai nhận ông làm cha nuôi, theo ông học đạo lý và cách làm ăn sinh sống. Dân làng gọi ông rất thân thương là “Già Hoan” và lấy tên ông đặt tên cho ngọn núi ở đây.

Ông Hoan bồi hồi nhớ lại: “Lâu lắm rồi, khi tôi đang chèo thuyền đánh cá bỗng thấy từ xa hai anh em A Nên và A Mền nhảy xuống hồ tự tử. Lao xuống vớt hai cháu lên, tôi vội động viên khích lệ hai cháu sống tiếp cuộc đời. Giờ chúng nó đã lớn và có vợ con cả rồi, ở ngay làng Sơ đây thôi. Chúng gọi tôi bằng bố, thỉnh thoảng vẫn đến ăn cơm với tôi. Còn con bé Siu Víp bị trượt chân ngã xuống hồ được tôi cứu sống thì ngày nào cũng đến thăm, coi tôi như bố đẻ”.

Thời kỳ làm cán bộ định canh định cư tỉnh Gia Lai-Kon Tum cũ (1978-1982), ông Hoan được phân công nằm vùng từ B1-B13 để chống Fulro và vận động người dân các dân tộc anh em đi theo cách mạng. Ngày ấy bọn Fulro hoạt động mạnh, luôn tìm cách phá hoại các cơ sở ta mới xây dựng, bắt cóc cán bộ, bắn cháy xe ô tô của các nông trường. Ông đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào, ngủ trong các gia đình có người theo Fulro để vận động họ từ bỏ con đường lầm lỡ. Kết hợp với du kích, ông đã bắt sống Rơ Châm Loắc, tên trung tá Fulro đầu sỏ từng gây nhiều tội ác, đồng thời thuyết phục tên này cải tà quy chánh về với dân làng chăm lo làm ăn.

Bản thân ông cũng thường xuyên đến các bản xa xôi hẻo lánh để giúp đỡ người nghèo, quyên góp trên dưới 1.000 bộ áo quần giúp đỡ bà con các làng dân tộc. Một mình ông khai hoang mở lối đi, in phát tờ rơi giới thiệu về điểm du lịch miễn phí thác Công Chúa (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pảh, Gia Lai) cho du khách phương xa, tạo công ăn việc làm cho đồng bào.

Nhiều người đến ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng của ông Hoan đều nghĩ ông sống cả đời neo đơn, cô độc. Ít ai biết được ông có bốn người con đều đã trưởng thành, người làm công an, người làm ngân hàng... Họ nhiều lần động viên ông về ngôi nhà khang trang trong TP Pleiku cùng con cháu nhưng ông vẫn một mực ở lại Biển Hồ, sống cuộc đời thanh tịnh và sẵn sàng làm việc nghĩa.

VĂN NGỌC - YÊN AN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm