Sẽ có “thẩm phán ngoài ngạch”?

Theo dự thảo luật, “thẩm phán ngoài ngạch” (nhiệm kỳ một năm) không phải là công chức của tòa án nhưng được chánh án TAND Tối cao bổ nhiệm để tham gia giải quyết một số loại vụ việc có tính đặc thù (sở hữu trí tuệ, thương mại quốc tế, môi trường, đất đai, tài chính…). Chế định này huy động trí tuệ, kinh nghiệm của các chuyên gia trong một số lĩnh vực đòi hỏi trình độ, hiểu biết cao để cùng với tòa án giải quyết các vụ việc.

Nhiều băn khoăn

Tại hội nghị góp ý dự luật do TAND Tối cao vừa tổ chức, bà Lê Thị Thu Ba (Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương) thắc mắc: “Đã có thẩm phán chính ngạch rồi thì sao còn có “thẩm phán ngoài ngạch” làm gì? Có thể có các chuyên gia chuyên ngành tham mưu cho tòa, đóng vai trò tương tự như giám định viên nhưng nếu bổ nhiệm họ làm “thẩm phán ngoài ngạch” thì tôi cảm thấy có gì đó không bình thường. Đã là thẩm phán thì phải chuyên nghiệp trong ngành tòa án!”.

Thiếu tướng Nguyễn Thành Thuộc (Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương) phản đối quyết liệt: “Luật đã quy định thẩm phán do Chủ tịch nước bổ nhiệm thì không thể có thêm “thẩm phán ngoài ngạch” do chánh án TAND Tối cao bổ nhiệm”.

Thẩm phán Phạm Minh Tuyên (Phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh) cũng băn khoăn: “Chất lượng tham gia giải quyết án của “thẩm phán ngoài ngạch” thế nào? Nếu có sai sót, án bị hủy, sửa thì sao? Họ không thuộc tòa án mà ở cơ quan khác thì kỷ luật thế nào? Ai sẽ quản lý họ? Khó lắm!”.

Theo bà Lê Thị Thu Ba (Phó Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương), đã là thẩm phán thì phải chuyên nghiệp trong ngành tòa án, sao còn có “thẩm phán ngoài ngạch”! Ảnh: HTD

Thẩm phán: Càng lắm bậc càng rối?

Bên cạnh đó, dự thảo luật đưa ra ba phương án quy định về chức danh thẩm phán.

Phương án thứ nhất gồm thẩm phán TAND Tối cao thẩm phán làm công tác xét xử tại các tòa án (hoặc làm công tác nghiên cứu, nghiệp vụ ở TAND Tối cao). Trong phương án này, thẩm phán được xếp theo bậc, nhiệm vụ của thẩm phán các bậc do chánh án TAND Tối cao quy định.

Phương án thứ hai gồm thẩm phán TAND Tối cao, thẩm phán chính ngạch “thẩm phán ngoài ngạch”. Thẩm phán chính ngạch được xếp theo bậc, còn “thẩm phán ngoài ngạch” do chánh án TAND Tối cao quy định.

Phương án thứ ba gồm thẩm phán TAND Tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán sơ cấp thẩm phán tòa quân sự (cũng xếp theo bậc cao cấp - trung cấp - sơ cấp).

Tại hội nghị, nhiều ý kiến tán thành phương án xóa bỏ phân ngạch thẩm phán, tiến đến thống nhất chức danh thẩm phán xét xử ở các cấp tòa với tiêu chuẩn nghiêm ngặt do đích thân Chủ tịch nước bổ nhiệm.

Ông Trần Văn Tú (nguyên phó chánh án TAND Tối cao) phân tích: Quy định hiện hành về chức danh thẩm phán gồm thẩm phán TAND Tối cao, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp đang bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập trong bổ nhiệm, phân công, điều động thẩm phán.

Theo tổng kết thực tiễn của TAND Tối cao, bình thường các thẩm phán sơ cấp xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của tòa cấp quận - huyện thì không có vấn đề gì. Nhưng khi được điều động về công tác tại tòa cấp tỉnh thì lại chưa có quy định nào làm rõ rằng họ có được giải quyết, xét xử án thuộc thẩm quyền của tòa cấp tỉnh hay không? Thậm chí khi cần điều động biệt phái một số thẩm phán giỏi, có kinh nghiệm từ các tòa cấp huyện, cấp tỉnh về bổ sung cho các đơn vị nghiệp vụ của TAND Tối cao thì sẽ phức tạp hơn: Họ phải từ bỏ chức danh thẩm phán, chuyển đổi sang chức danh thẩm tra viên. Rồi khi họ trở về công tác tại các tòa thì phải bổ nhiệm lại thẩm phán.

Cạnh đó, việc phân chia thẩm phán ba cấp hiện nay tạo nên tình trạng bất bình đẳng giữa những người có thâm niên công tác, trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị như nhau. Bởi lẽ nếu được bổ nhiệm làm thẩm phán sơ cấp, trung cấp sẽ có thiệt thòi về chính sách, chế độ đãi ngộ so với thẩm phán TAND Tối cao. Hơn nữa, việc định ra chức danh thẩm phán sơ cấp, trung cấp ít nhiều tạo ra cách hiểu sai về trình độ, năng lực của thẩm phán, làm giảm lòng tin, sự tín nhiệm của người dân đối với thẩm phán sơ cấp, trung cấp.

Thiếu tướng Bạch Thành Định (Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) cũng ủng hộ quan điểm “không nên xếp bậc thẩm phán sơ cấp, trung cấp vì dễ tạo xu hướng tâm lý thẩm phán tòa cấp dưới muốn lên tòa cấp trên để được nâng bậc, đãi ngộ tương xứng. Muốn tránh oan, sai thì rất cần thẩm phán giỏi xét xử ở cấp sơ thẩm. Cần tăng cường thẩm phán giàu kinh nghiệm về cấp cơ sở để tạo ra mặt bằng pháp lý tốt hơn, giảm bớt bất công trong xã hội”.

BÌNH MINH

Cần thảo luận thêm

Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi đưa ra nhiều quan điểm rất mới so với Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp, cần có thảo luận sâu rộng hơn để xem xét, đánh giá toàn diện.

LÊ THỊ THU BA, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

Tạm thời có thẩm phán cao cấp?

Chỉ nên quy định chức danh thẩm phán TAND Tối cao và thẩm phán. Tuy nhiên, hiện số lượng thẩm phán TAND Tối cao khoảng 100 người, dự kiến tinh gọn còn 15 người thì những người còn lại tính sao? Không thể giáng cấp họ về thẩm phán thông thường. Có thể phải đề nghị Thường vụ Quốc hội có nghị quyết xây dựng cơ chế chuyển sang chức danh thẩm phán cao cấp trong giai đoạn quá độ, sau khi số này về hưu thì dừng hẳn chức danh thẩm phán cao cấp.

Ông TRẦN VĂN TÚ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm