SEA Games hay câu chuyện riêng trong cái "ao làng"

Nhưng tại một khu vực có quá nhiều biến động lẫn sự khác biệt trên nhiều lĩnh vực, SEA Games qua hơn nửa thế kỷ tổ chức vẫn chưa tròn cái mục tiêu đặt ra từ thủa "hồng hoang".

1. Năm 1958, bên lề của Đại hội thể thao châu Á lần thứ III tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản), theo đề xuất của Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan, Luang Sukhumnaipradit, các đại biểu thuộc khu vực bán đảo Đông Nam Á đã nhóm họp và đồng ý thành lập nên Liên đoàn thể thao bán đảo Đông Nam Á. Một năm sau tổ chức này ra đời với 6 sáng lập viên gồm: Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào, Malaysia và miền Nam Việt Nam. Cũng năm đó, Thái Lan trở thành quốc gia đăng cai kỳ SEAP Games đầu tiên và lá cờ của Liên đoàn với 6 vòng tròn đại diện cho 6 thành viên sáng lập được chọn là biểu trưng mà phải tới sau này, mới chuyển thành 11 vòng tròn (đủ 11 quốc gia trong khu vực).

Có những nguyên tắc cơ bản được đặt ra từ khi tổ chức thể thao lớn nhất khu vực ra đời như: Đại hội được tổ chức 2 năm/1 lần (giữa chu kỳ của Olympíc và Asiad); các quốc gia đăng cai lần lượt theo thứ tự vần chữ cái; Toàn bộ lợi nhuận và tài chính thu được từ việc đăng cai tổ chức thuộc về nước chủ nhà....

SEA Games hay câu chuyện riêng trong cái "ao làng" ảnh 1

SEA Games chưa cho thấy sự phát triển của thể thao khu vực Đông Nam Á

Tuy nhiên, cũng ngay từ đầu, nhiều trong số những nguyên tắc này đã không thể thành hiện thực. Thái Lan với tư cách sáng lập tổ chức kỳ Đại hội thứ nhất, Burma (tên gọi cũ của Myanmar) theo thứ tự chữ cái là chủ nhà SEAP Games thứ 2. Nhưng đến kỳ thứ ba, Campuchia không đủ điều kiện tổ chức và nước kế tiếp là Lào cũng từ chối vì lý do tài chính, khiến Đại hội phải sang đến năm 1965 mới diễn ra ở Malaysia. Miền Nam Việt Nam trước đây cũng đã đến lượt (SEAP Games thứ 5 năm 1961), nhưng đã thoái thác vì lý do nội bộ.

Kể từ đó chu kỳ 2 năm/1 lần được duy trì, nhưng hầu hết đều ở các quốc gia có tiềm lực kinh tế như: Thái Lan, Singapore, Malaysia... nhưng quy mô tổ chức bị thu hẹp đáng kể. Đặc biệt là vào năm 1975 với những biến động lớn về chính trị, SEAP Games 8 tại Thái Lan chỉ còn 4 nước tham gia, khiến giới bình luận khi ấy nhận định "Đại hội đang sống trong cái bóng lụi tàn". Trước tình hình này, Liên đoàn thể thao Bán đảo Đông Nam Á đã kết nạp thêm các thành viên như: Indonesia, Philippines, Brunei và đổi tên thành Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, Đại hội cũng chính thức trở thành SEA Games năm 1977.

Đến SEA Games 15 năm 1989, TTVN vào thể thao Lào trở lại. Năm 1995, lần đầu 1 SEA Games có đủ 10 quốc gia Đông Nam Á với sự trở lại của Campuchia và đến năm 2003 khi Đại hội lần đầu tổ chức tại Việt Nam có thêm Timor Leste. Đã có thêm nhiều nước chủ nhà nữa khi bên cạnh Việt Nam là Brunei, Lào. Nhưng việc thực hiện vòng quay gần như là không thể bởi nguyên nhân đơn giản, mục tiêu của mỗi quốc gia đã trở nên khác nhau. Thái Lan,  Malaysia thậm chí "mơ" đến Olympic, Việt Nam đã giành quyền đăng cai Asiad... đó là chưa kể đến gánh nặng quá lớn về kinh phí, thì nguồn thu từ sân chơi này là không đáng kể.

2. Diễn ra trong chu kỳ quá ngắn, việc quy mô tổ chức ngày càng phình to mang hơi hướng festival hơn là một đại hội thể thực sự và những khó khăn tài chính đã khiến SEA Games mất đi sự hấp dẫn của mình dù nó là ngày hội lớn nhất của thể thao khu vực. Nhưng vấn đề thực sự của SEA Games lại là bức tranh chuyên môn vốn đã không khởi sắc mà còn là nguyên nhân khiến sân chơi này bị ví với cái "ao làng".

Khi ra đời, SEA Games được kỳ vọng sẽ trở thành nơi cọ xát, thi đấu cho các VĐV trong khu vực nhằm chuẩn bị tốt hơn cho Asiad và Olypimpic. Tuy nhiên, chu kỳ 2 năm/1 lần không chỉ tỏ ra quá ngắn để có thể tạo nên bước chuyển trong thể thao đỉnh cao. Đáng quan ngại hơn là tiêu chí để chọn các môn thi trong mỗi kỳ Đại hội không hề nhắm đến sự phát triển chung của khu vực mà đều hầu hết xuất phát từ những toan tính huy chương.

Cụ thể, ngoại trừ điền kinh và bơi lội (nhóm I) bắt buộc phải có trong chương trình thi đấu mỗi khi Đại hội, thì nước chủ nhà có quyền chọn tối thiểu số môn trong chương trình Olympic và Asiad (nhóm II), nhưng gây tranh cãi hơn cả vẫn là nhóm III với những môn đặc tính của khu vực khi chủ nhà có quyền đưa vào với nguyên tắc kỳ lạ - Chi cần 3 VĐV thuộc 3 quốc gia tham dự là tổ chức thi đấu và trao huy chương . Cái quyền quá lớn của quốc gia đăng cai là nguyên nhân chính, mỗi kỳ SEA Games người ta lại thấy xuất hiện những môn cực kỳ "lạ tai, lạ mắt" như: Arnis (võ gậy), Lawn bowls, Waterski, Kempo... thậm chí cả đánh bài ở SEA Games 2011, hay như môn Chilone tại SEA Games 27 tới. Những môn thể thao này thường "chết yểu" ngay ở các kỳ Đại hội sau, mà ai cũng biết nước chủ nhà đưa vào chỉ để tăng cơ hội giành thêm HCV. Đó là chưa kể đến việc, ở ngay các môn thuộc nhóm II, số nội dung cũng bị cắt vô tội vạ trên cơ sở... thế mạnh quốc gia đăng cai.

Và hệ quả của cách làm kiểu "vùng trũng" này đã "đẻ" ra thứ tiền lệ xấu. Cứ quốc gia nào (chỉ cần có thực lực trong khoảng tốp 4 tại khu vực) khi đăng cai cũng đều giành ngôi đầu trên bảng xếp hạng huy chương chung cuộc. Với các đoàn thể thao còn lại, đương nhiên khi không thể tranh chấp được những ngôi đầu, thì càng giảm đi số lượng VĐV, số môn, số nội dung tham dự để... đỡ tốn kinh phí! SEA Games 27 cũng không phải là ngoại lệ, với chỉ chỉ có hơn 30% số môn thi đấu có trong chương trình thi đấu của Olympic, nhiều đoàn đã cắt giảm tối đa quy mô tham dự mà điển hình như Philipines rút lui khỏi môn bóng đá nam ngay trước giờ khai cuộc.

Thay cho lời kết: Sự lãng phí trong việc đầu tư lệch hướng của SEA Games không chỉ khiến trình độ thể thao các nước Đông Nam Á phân hóa mà còn kéo cả nền thể thao khu vực ngày càng tụt lùi hơn với mặt bằng châu lục, thế giới. Đó là điều mà chẳng cần phải có quá nhiều kiến thức, lẫn trình độ chuyên môn để có thể nhận ra. Vấn đề là trong cuộc chơi chung mang tính hội làng này, thì mỗi nền thể thao cần phải tìm cho mình 1 hướng đi, thay vì chăm chăm chuyện "đếm vàng". 70 HCV cùng tốp 3 với TTVN cũng vậy, sẽ là lãng phí và  vô nghĩa nếu nó không thúc đẩy sự phát triển về trình độ hướng tới những cái đích cao hơn.

Thành tích của TTVN qua các kỳ SEA Games (tính từ năm1989)

Đại hội

Xếp hạng

HCV

HCB

HCĐ

Tổng số

SEA Games 15 - Malaysia 1989

7/9

3

11

5

19

SEA Games 16 - Philipppines 1991

7/9

7

12

10

29

SEA Games 17 - Singapore 1993

6/9

9

6

19

34

SEA Games 18 - Thái Lan1995

6/10

10

18

24

52

SEA Games 19 - Indonesia 1997

5/10

35

48

50

133

SEA Games 20 - Brunei 1999

6/10

17

20

27

64

SEA Games 21 - Malaysia 2001

4/11

33

35

64

132

SEA Games 22 - Việt Nam 2003

1/11

158

97

91

346

SEA Games 23 - Philipppines 2005

3/11

71

68

89

228

SEA Games 24 - Thái Lan 2007

3/11

64

58

82

204

SEA Games 25 - Lào 2009

2/11

83

75

57

215

SEA Games 26 - Indonesia 2011

3/11

96

92

100

288

Theo Vũ Minh (TT&VH Online)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm