Soi ếch mùa nước nổi miền Tây

Bến sông náo nhiệt

Sương khuya lạnh buốt. Mặc sương rơi trắng đêm dài, những tay thợ săn ếch vẫn lầm lũi trên những chiếc xuồng ba lá, nhè nhẹ bơi tìm bắt ếch. Hầu như ai theo nghề này cũng thuộc hàng học vấn thấp, con nhà nghèo.

Chiều thường là lúc chuẩn bị cho việc soi ếch. Khoảng 3-4 giờ, dân soi ếch khệ nệ mang vác các thứ xuồng, bình, chĩa, cơm đùm cơm nắm lên đường. Ở cái xóm nghèo Kinh Quýt (An Hòa, Châu Thành, An Giang), cả làng cùng đi soi ếch. Mùa nước nổi, ếch đồng xuất hiện nhiều nên là mùa làm ăn chính của dân soi.

Soi ếch mùa nước nổi miền Tây ảnh 1

Tranh thủ cơm chiều trên xuồng soi

Soi hết đồng nhà, họ sang tận những cánh đồng xa vùng Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất (Kiên Giang) hoặc biên giới Tây Nam giáp nước bạn Campuchia soi tiếp. Đi suốt và thức thâu đêm, họ cũng chỉ kiếm được vài ba chục ngàn đồng, đủ đong gạo chợ cho bữa cơm nghèo. 

Không chỉ ở Kinh Quýt, khu vực rừng tràm Huệ Đức (Vọng Thê, Thoại Sơn, An Giang) cũng có nhiều người theo nghề săn ếch đồng mùa nước nổi. Hoàng hôn buông  trên mặt kênh Huệ Đức là lúc bến sông trở nên náo nhiệt. Hàng chục chiếc xuồng soi đậu nối đuôi nhau dưới bến, chuẩn bị cho một chuyến đi soi ếch thâu đêm.

Đêm mưu sinh

Vào cuộc mưu sinh, ai cũng tranh thủ thời giờ. Họ ăn vội bữa cơm chiều chỉ có cơm trắng và thịt ếch để còn thời giờ vào những cánh rừng bạt ngàn vùng Tân Tuyến, Cô Tô (Tri Tôn) săn tìm ếch. Anh em trong hội nghề soi ngồi bạ trên mấy tấm vạt tre đậy xuồng.

“Tranh thủ ăn cơm sớm để vào rừng cho kịp chuyến săn. Đây vào đó cũng mất hơn 40 cây số. Đến sớm thì săn không được vì ếch thấy dáng người, nhảy xuống nước trốn mất. Còn vào trễ thì bắt chẳng được bao nhiêu, lơ mơ là lỗ sở hụi” - anh Nguyễn Thanh Hải, quê ở cầu Kinh Quýt, tâm sự.

Soi ếch mùa nước nổi miền Tây ảnh 2

Bữa cơm chỉ vỏn vẹn cơm trắng và thịt ếch

“Cái nghề này tổn sức lắm. Nghề gì mà thức thâu đêm, về ngủ chẳng được bao nhiêu thì lại đến giờ đi soi tiếp. Cực vậy chứ soi bữa có, bữa không. Lang bạt kỳ hồ, tha phương khắp xứ nên chẳng ở nhà được mấy hôm” - một người săn ếch tiếp lời anh Hải.

Anh Nguyễn Thanh Hà, người có thâm niên 17 năm soi ếch ở làng Vọng Thê, cho biết lát nữa đây hai cha con anh phải xuống xuồng chạy hàng chục cây số tìm ếch để soi. Tùy đồng gần hay xa mà giờ xuất bến sớm hoặc muộn. Thông thường, độ 4 giờ chiều là phải khởi hành, chạng vạng chừng 7 giờ tối phải đến nơi.

Anh Hà kể: “Khi đi thì anh em cùng đi. Cả đoàn gần chục chiếc xuồng máy nhỏ. Đến địa điểm soi cũng là lúc ếch không còn nhận ra bóng người. Đến đây, mỗi chiếc xuồng một thợ soi chia nhau đi săn bắt. Đồ nghề mang theo chỉ là cây chĩa bắn (để bắn chuột), cây chĩa soi (để đâm ếch) và bộ đèn bình. Cứ thế, chúng tôi lọ mọ suốt đêm, rảo qua mấy bờ kênh xâm xấp nước, gặp ếch thì bắt”.

Soi ếch mùa nước nổi miền Tây ảnh 3

Vợ anh Nguyễn Thanh Hà chuyền cho anh thùng cà phê pha sẵn

Trên những cánh đồng bờ ruộng bị ngập, bọn chuột đồng và rắn nước, rắn hổ hành không thể trú ngụ trong hang, đành trèo lên cây sinh sống. Đêm xuống, bọn chúng rời nơi trú ẩn ra ngoài kiếm ăn. Đấy là lúc dân soi ra tay truy tìm để thu thêm những chiến lợi phẩm khác. “Ngoài bộ đồ nghề soi ếch, chúng tôi còn mang theo thùng ướp nước đá để khi có ếch bị đâm chết thì làm thịt bỏ vào ướp lạnh luôn. Mỗi đêm làm thịt ếch độ ba lần” - anh Hà cho biết thêm.

Đến khoảng 4 giờ sáng ngày hôm sau, cả hội soi ếch mới quay về. Họ tấp luôn vào chợ bán hết số ếch, chuột, rắn vừa thu được đêm qua. Bán xong họ về nhà, đến nơi thì bình minh đã rõ mặt người. Chưa kịp xả hơi, dân soi ếch lại quay sang ăn bữa cơm sáng. Xong xuôi, họ mới ngả lưng ngủ vùi một giấc. Tích tắc, kim đồng hồ lại quay về con số 4 giờ chiều. Họ lại tiếp tục một chuyến đi săn mới.

“Có khi nhà bận công chuyện thì ngủ được chỉ ba, bốn tiếng đồng hồ là phải thức. Cứ thế, sức khỏe ngày càng suy kiệt vì thức trắng với nghề” - anh Trương Thanh Vũ với 15 năm trong nghề soi ếch ở huyện Châu Thành (An Giang) nói.

Nối nghiệp soi ếch

Đời sống vất vả nên con cái của những thợ săn ếch đồng vì thế cũng không khá hơn đời cha mẹ. Họa hoằn lắm, các em học được đến lớp bảy, lớp tám. Số còn lại chỉ nhấp nhem vài ba chữ trường làng, rồi cũng phải lao vào cuộc mưu sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hà có bốn đứa con thì ba đứa chỉ học lớp 4 rồi đều phải nghỉ. “Nhà nghèo, không có nghề căn bản nên không đủ tiền cho con ăn học. Trong nhà chỉ còn lại một đứa năm nay đang học lớp bốn. Chắc chờ khi nào biết đọc, biết viết chút đỉnh, tôi cũng phải kéo nó về làm thuê, soi ếch kiếm sống. Tiền đâu học tiếp bây giờ?” - anh Hà than.

Soi ếch mùa nước nổi miền Tây ảnh 4

Bây giờ ếch lớn thế này chỉ nuôi mới có

Cái nghiệp đời cha bắt ếch, đời con soi ếch cứ đeo đẳng gia đình anh Hà qua nhiều thế hệ. Anh cho biết vì cha mẹ nghèo nên khi lập gia đình, anh chẳng có thứ gì làm của hồi môn. Lấy vợ xong, vợ chồng kéo nhau ra đồng làm thuê, cắt lúa mướn. Mùa lũ đến thì tranh thủ mua câu lưới giăng bắt cá kiếm tiền.

Gần 20 năm trước, anh thấy nghề soi thu nhập khá hơn thì bỏ lưới sang soi. Trước đây, mỗi đêm soi anh kiếm được năm ba ký ếch, bán cả trăm ngàn đồng. Giờ con cái ngày một lớn, vật giá leo thang mà ếch đồng thì lại cạn kiệt. “Giờ hai cha con soi suốt đêm cũng chỉ bắt được vài ký ếch nhỏ. Mỗi chuyến săn, trừ chi phí thì không đủ tiền đong gạo cho sáu miệng ăn. Đêm nào mưa to gió lớn phải nằm nhà thì bắt đầu rầu vì cái đói chực chờ” - anh Hà nói trong lo lắng.

Cảnh sống của gia đình anh Hà cũng là hoàn cảnh chung của những người hành nghề săn soi ếch ở miền Tây. Vợ chồng anh Trương Minh Vũ và Nguyễn Thị Hường cũng đã lăn lộn với nghề trên 15 năm, nhưng đến nay vẫn túng thiếu. Họ không mua nổi cái nền nhà nên còn ở đậu mãi đến giờ. Hai đứa con nhà anh thì đứa học đứa nghỉ, vì anh chị cứ luôn ở tận những cánh đồng xa mưu sinh theo nước lũ.

Nghề soi ếch như những cánh vạc ăn đêm. Lâu nay, họ ít được quan tâm, vì thế đa phần con em của họ phải nghỉ học sớm. Thân phận của những đứa trẻ kia không lâu sau lại nối nghiệp đời, nghiệp khổ theo những dấu chân lầm lũi trong đêm của cha mẹ mình.

VĨNH SƠN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 9-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm