“Thần đèn” nước Việt - Bài cuối: Không ai quản lý “thần”

Ai cũng nhìn nhận nghề dời nhà thuộc dạng nguy hiểm cao nhưng vì chén cơm manh áo, vì nhu cầu xã hội nên họ phải làm kiếm sống. Đã có nhiều người mất mạng từ cái nghề tự chế này. Tuy nhiên, đa phần nạn nhân có mối quan hệ thân thuộc, họ hàng với người sử dụng lao động nên dàn xếp với nhau.

Kẻ mất mạng, người tàn phế

Chị Nguyễn Kim Lâu (44 tuổi, ở ấp Long Hòa 2, Long Điền A, Chợ Mới, An Giang) nhớ lại cái chết của người chồng Nguyễn Văn Kia: “Trước đây vợ chồng tui chuyên sống bằng nghề làm mướn. Khoảng năm 1993, anh Kia theo nghề dời nhà làm công nhân. Năm 1997, khi học được chút tay nghề thì anh cùng 7-8 anh em trong xóm hùn nhau mua giàn đồ nghề ra làm “thần đèn”. Năm đó, khi cả đội đến dời nhà cho một người tại xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành, An Giang) thì sự cố xảy ra”.

Đội anh Kia lãnh dời và nâng cao căn nhà gỗ. Khi các công đoạn hoàn tất, chỉ còn trồng thêm cây móng phụ thì căn nhà bỗng dịch chuyển lùi ra sau và đổ sập. Anh Kia chết để lại ba đứa con nhỏ. “Các con tui dứt khoát không cho nó nối nghiệp ảnh” - chị Lâu nghẹn lời.

“Thần đèn” nước Việt - Bài cuối: Không ai quản lý “thần” ảnh 1

Nghề “thần đèn” đầy nguy hiểm nhưng chưa được quản lý. Ảnh: VĨNH SƠN

Gần nhà chị Lâu còn có La Văn Duyên, năm 2004, theo cha đi dời nhà ở Đồng Tháp cũng tử nạn khi mới 23 tuổi.

Anh Nguyễn Văn Giỏi ở ấp Long Hòa 1 (Long Điền A) nhớ lại: Năm 2004, con anh là Nguyễn Thanh Phong đi làm công cho con ông Năm Rời thì bị tử nạn. Trong lúc tham gia kéo căn nhà tường ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang) thì căn nhà bị trượt, ép vào vách tường nhà bên cạnh. Trong lúc nhiều công nhân khác kịp chạy ra ngoài thì Phong bị hai vách tường nhà ép sát. “Từ khi con tui chết, tui giải nghệ luôn nghề dời nhà. Thằng con trai còn lại năm nay 20 tuổi, vì thương cha mẹ nên đang theo làm nghề đẩy nhà, tui khuyên hoài nhưng nó chưa chịu nghỉ. Nghèo đôi lúc là cái tội, thấy nghề sống chết kế bên vẫn phải lao vào” - anh Giỏi tâm sự.

Anh Phan Văn Vạn ở ấp Long Hòa 2 thở dài kể: “Năm 1997, lúc tôi làm công cho DNTN Hai Lý, cùng anh em đẩy căn nhà gỗ ở vùng Cái Xoài (Chợ Mới) thì căn nhà bị xề sang một bên và đè trọn lên người tui. Khi tỉnh lại thì đôi chân đã bị liệt, nửa người phần dưới không còn cảm giác. Bác sĩ nói tui bị gãy cột sống”.

Anh Vạn tâm sự: Năm 1984, anh có vợ, lúc ấy anh từng sang Campuchia lãnh cất nhà nên cuộc sống gia đình rất khá. Thời gian sau việc làm ăn bị trục trặc, anh quay về quê Chợ Mới và vào làm công nhân cho DNTN Hai Lý. Anh làm khoảng một năm thì gặp nạn. Anh không muốn nhắc lại cái tai nạn khủng khiếp ngày trước, vì đó là nỗi buồn vô tận của cuộc đời anh. “Giờ tôi là một phế nhân, đàn ông không ra đàn ông, đàn bà thì cũng không phải. Từ khi tui nằm một chỗ tới nay, biết bao người trong nhà phải theo chăm sóc. Gia đình từ chỗ khá giả giờ trở nên nghèo khó. Sau khi tui bị nằm liệt một chỗ, vợ tui cũng bỏ đi tìm cuộc sống mới. Tui chẳng còn gì để mất, tấm thân cũng không toàn vẹn”.

Quản lý và hỗ trợ “thần đèn”

Nghề dời nhà, nâng cao công trình xây dựng giúp nhiều chủ nhà, chủ công trình giảm thiệt hại khoảng 60% giá trị công trình nếu đập bỏ.

“Thần đèn” nước Việt - Bài cuối: Không ai quản lý “thần” ảnh 2

Cũng nhờ nghề “thần đèn” mà anh Sơn và nhiều người thoát nghèo. Ảnh: VĨNH SƠN

“Thần đèn” nước Việt - Bài cuối: Không ai quản lý “thần” ảnh 3

Anh Phan Văn Vạn sống dở, chết dở suốt 14 năm qua. Ảnh: VĨNH SƠN

Huyện Chợ Mới có rất đông thợ dời nhà giỏi nghề. Anh Nguyễn Ngọc Hờn, Trưởng ấp Long Hòa 2 (Long Điền A), cho biết chỉ tính riêng trong ấp đã có khoảng 30 đội hành nghề dời, nâng cao, chống nghiêng, chống lún nhà, công trình xây dựng. Trong đó có khoảng 1/2 đã thành lập doanh nghiệp (DN). Nghề này đã giúp cho ấp giải quyết trên 200 lao động tại chỗ, có việc làm và thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên, trải qua hai thập niên cái nghề này vẫn chưa được Nhà nước hỗ trợ tín dụng, đào tạo nghề, cũng như quản lý chuyên môn, an toàn lao động…

Theo anh Phan Văn Vạn thì hiện nay ở Chợ Mới không có DN nào có bằng cấp được Nhà nước đào tạo. Một chủ DN tệ lắm cũng phải tốt nghiệp cấp 2. Khi đó họ mới đủ trình độ nhận biết chính xác trọng lượng căn nhà, kết cấu nền móng. Đằng này, chủ DN dời nhà đa số chưa học hết cấp 2, thậm chí có người chỉ học tiểu học. Người thiếu trình độ mà lãnh làm công trình sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Một khi họ đánh giá thiếu chính xác khối lượng công việc để lãnh giá tương xứng thì làm kéo dài thời gian. Từ đó dẫn đến lỗ lã. Để tránh thua lỗ, nhiều nhà thầu thúc đẩy nhân công làm ẩu nhằm rút ngắn thời gian. Thế là mất an toàn lao động và tai nạn xảy ra.

Ông Ngô Hoàng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho biết dù là nghề rất nguy hiểm nhưng tự phát mọc lên nên chưa có người hành nghề nào đăng ký với địa phương và vì thế công nhân lao động cũng chưa được chủ sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn, cũng như các chế độ khác. Hiện nay huyện cũng chưa thể biết có bao nhiêu người theo làm nghề.

Cũng theo ông Hiếu, nghề này cần thiết phải có sự quản lý, Nhà nước cần tổ chức các lớp tập huấn, cấp chứng chỉ hành nghề cũng như đào tạo chuyên môn cho người làm. Bên cạnh đó, khi xét thấy cơ sở nào làm ăn hiệu quả thì Nhà nước cần tạo điều kiện cho họ vay vốn để mua sắm dụng cụ. “Từ trước tới nay chính quyền chưa quan tâm nhiều đến nghề dời nhà, do còn xem nó như cái nghề nhỏ lẻ. Thường khi xảy ra tai nạn lao động thì chủ cơ sở và gia đình nạn nhân tự dàn xếp êm xuôi với nhau. Từ đó không phát sinh khiếu nại nên chính quyền cũng chưa nhúng tay. Tuy nhiên, đây là nghề nguy hiểm nên cần phải quản lý chặt, nhất là bảo vệ người lao động. Hơn nữa hiện nay nhiều cơ sở chưa có vốn bảo hiểm công trình, lỡ như có công trình nào đổ sập thì tiền đâu nhà thầu bồi thường. Đó là những vấn đề đặt ra mà chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm thế nào vừa quản lý được nghề, vừa giúp dân làm nghề phát triển” - ông Hiếu chia sẻ.

Ai cũng nhận là “ông tổ”

Đa phần các “ông thần” xuất thân là thợ nề, thợ mộc. Những “thần đèn” ra lò sớm là Nguyễn Cẩm Lũy (Đồng Tháp), Lương Thành Lũy hay như Ba Bé, Tám Được, Năm Rời, Út Thanh… ở xứ cù lao Ông Chưởng ( huyện Chợ Mới, An Giang). Tất cả họ đều xuất phát từ việc học lỏm nghề trong dân gian rồi ứng lên làm. Đến nay thì nghề dời nhà đã trở thành gia truyền ở xứ cù lao này. Tuy nhiên, tiếp xúc với chúng tôi, hầu như ai cũng tự nhận là người đầu tiên phát kiến ra nghề này, ai cũng cho mình là số một.

Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hữu Hiệp nói: “Ai sáng tạo và làm nghề đầu tiên thì tui hổng biết. Chỉ biết về sự công nhận đầu tiên trên báo chí mà người ta đặt cho cái danh “thần đèn” là ông Nguyễn Cẩm Lũy. Tuy nhiên, báo chí cũng từng cho rằng ông Tư Lũy (Lương Thành Lũy) mới là “ông tổ” của nghề dời nhà ở miền Tây”.

“Thần đèn” nước Việt - Bài cuối: Không ai quản lý “thần” ảnh 4

Ông Tư Lũy vừa qua đời thì được báo chí tôn là ông tổ của nghề “thần đèn”. Ảnh: VĨNH SƠN

Còn ông Ba Bé thì cho rằng ở xứ Chợ Mới này, ông là người ra nghề sớm nhất vào năm 1991: “Tui là người đầu tiên ra làm nghề dời nhà, nhờ học nghề của ông già đeo mắt kính ở làng Hòa Hảo (đã chết). Ông Cẩm Lũy hay Tư Lũy đều ra nghề sau tui”.

Không chịu thua, ông Út Thanh (Châu Hồng Thanh, ở gần đó) thì khẳng định mình không học nghề dời nhà từ ai mà tự sáng tạo ra làm. Ông chỉ ra nghề sau ông Nguyễn Cẩm Lũy và ở Chợ Mới này ông là người đầu tiên làm nghề dời nhà.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm