Thầy thuốc và tướng cướp

Ông đáp tàu thủy sang vương quốc Tunisia tại Bắc Phi. Từ đó, kinh đô Tunis tuềnh toàng, hoang vu trở thành một trung tâm nghiên cứu bệnh lý vi khuẩn gây bệnh nổi tiếng toàn thế giới.

Muốn khỏi bệnh, đừng làm cướp biển

Trình độ y thuật của Nicol thật tuyệt vời, đặc biệt là tài điều trị các căn bệnh truyền nhiễm. Ông đã cứu được nhiều ca bệnh thập tử nhất sinh. Năm 1928, ông được nhận giải Nobel về y học do kết quả rực rỡ của công trình nghiên cứu bệnh sốt phát ban (Typhus Rickettsia-2). Cuộc đời của Nicol đầy ắp màu sắc truyền kỳ, trong đó có chuyện ông từng qua lại với bọn cướp biển.

Thầy thuốc và tướng cướp ảnh 1

Charles Nicol. Ảnh: ST

Một đêm gió xuân hiu hiu, trời se lạnh, Nicol chong đèn ngồi bên cửa sổ chăm chú viết nhật ký khoa học. Bỗng có mấy người đàn ông lạ tới gõ cửa xin gặp. Họ mời ông theo họ tới một nơi gần đấy chẩn bệnh cho một bệnh nhân khá nặng.

Vốn là bác sĩ có đạo đức nghề nghiệp cao, ông sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của họ. Ông vội thu xếp đồ nghề, xách valy thuốc đi cùng họ. Đi mãi, cuối cùng ông tới bờ biển. Nicol được mời xuống một con tàu biển hết sức hoa lệ. Thời đó, Tunisia là vùng đất làm ăn tấp nập của bọn cướp biển giống như vùng sừng châu Phi ngày nay.

Sau khi yên vị trong phòng khách khoang tàu, Nicol mới biết rằng mình được mời tới khám và chữa bệnh cho một tên tướng cướp biển khét tiếng. Hắn bệnh đã lâu, tìm nhiều thầy nhiều thuốc mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm, đành mạo hiểm cho người tới mời ông.

Nicol rất tự nhiên thoải mái, vui vẻ hứa giúp đỡ. Lúc này ông chợt nghĩ: Chữa bệnh cho một tên tướng cướp hung ác cũng thật thú vị. Con tàu nhanh chóng cập cảng một hòn đảo nhỏ ngoài khơi Địa Trung Hải. Nicol chẩn đoán khá kỹ bệnh tình của tên tướng cướp. Ngẫm nghĩ giây lát, ông cất tiếng hỏi hắn:

- Căn bệnh này có cơ hội chữa khỏi. Nhưng trước khi chữa, tôi có một yêu cầu muốn đề bạt với ông.

- Bác sĩ ạ, ngài có yêu cầu gì cứ nói hết ra đi! Vàng bạc châu báu, gái đẹp... Ngài muốn bao nhiêu, tôi đáp ứng bấy nhiêu! - gã tướng cướp hứa.

- Tôi không màng những thứ đó. Tôi chỉ mong ngài sau khi khỏi bệnh sẽ không làm cướp biển nữa! Nicol mỉm cười nói với hắn.

Tên tướng cướp nhíu cặp lông mày ra chiều ngẫm nghĩ rất lâu, sau đó gật đầu... Về sau, bờ biển Tunisia bỗng trời yên biển lặng, không còn lảng vảng bóng dáng bọn cướp biển nữa.

Chiêu dụ của Mã thần y

Đó là chuyện kể bên Tây, sau đây là chuyện kể bên Tàu. Thời Đồng Trị đời nhà Thanh (Mục Tông 1862-1874), tại vùng Vũ Tiến, Thường Châu, tỉnh Giang Tô có một vị danh y tên là Mã Văn Thực, tự là Bồi Chi. Gia tộc đã mấy đời hành nghề y, tiếng thơm lưu truyền khắp Nam Bắc. Mã Văn Thực từng được Từ Hy thái hậu mời vào cung khám chữa bệnh nên được tôn vinh là Mã thần y.

Mã thần y rất giỏi về nội khoa, về ngoại khoa lại càng tinh thông. Ông từng biên soạn một số sách y học nổi tiếng, trong đó có cuốn Y lược cầu chân.

Gần làng thần y Mã Bồi Chi có một gã tướng cướp khét tiếng; lâu la đông tới cả trăm tên, thường xuyên gây nên những vụ cướp bóc, hãm hiếp khiến bọn quan phủ cũng phải sợ hãi. Có một lần, tên tướng cướp này trong khi đánh cướp bị quan binh và dân chúng truy sát. Hắn bị chém gần đứt lìa ngón tay giữa của bàn tay phải.

Sau đó, vết thương bị nhiễm trùng rất nặng, bàn tay sưng vù, người nóng lạnh. Bệnh tình ngày một nguy cấp. Hắn cho mời mấy thầy lang vườn uống thuốc lá sắc đặc, đắp thuốc lá giã nhuyễn cũng chẳng ăn thua. Dân trong vùng nghe tin, thảy đều mừng thầm. Ông trời có mắt, ác giả ác báo mà!

Gã tướng cướp liền sai người tìm tới nhà Mã thần y, lạy lục mời ông vào sơn trại chữa tay cho hắn. Bồi Chi ngẫm nghĩ: Y có y đức, người có đạo làm người, thấy người sắp chết mà không cứu là thất đức, vô nhân. Chữa bệnh cứu người là thiên chức của người thầy thuốc. Ông quyết định theo mấy tên lâu la nhập sơn trại.

Mã Bồi Chi không những khám rất kỹ lưỡng bệnh tình cho gã tướng cướp, mà còn tìm hiểu kỹ các phương thuốc của mấy vị lang trung trước đó để tìm ra phương thuốc đối chứng. Ông cho bệnh nhân uống thuốc nội công, dán cao ngoại kích. Quả nhiên, chỉ chưa đầy một tuần lễ sau, tướng cướp lui sốt, bàn tay sưng trở lên xẹp lép, hết đau nhức, vết loét dần kéo da non. Gã tướng cướp mừng như cha chết sống lại, cầm tay Mã thần y cảm ơn rối rít và cúi đầu thỉnh giáo Bồi Chi.

Ông liền tương kế tựu kế, nói với tên tướng cướp:

- Bệnh của ngài thuộc tạng “Chưởng tâm độc” (Cái độc phát ra từ lòng bàn tay), họa phát ra từ miệng thích ăn cao lương mỹ vị, phóng đãng hoang dâm. Bệnh ủ từ trong, gặp vết thương bên ngoài liền nhiễm tà độc, khiến bệnh tình càng kịch liệt. Vậy nên từ nay ngài nên đề phòng, nếu tái phát, sẽ vô phương cứu chữa. Cách đề phòng tốt nhất là bớt dâm tà, tàn ác, nên tu nhơn tích đức, làm nhiều điều thiện để chuộc lại lỗi lầm cũ. Rất mong ngài lấy đó nằm lòng.

Từ đó, gã tướng cướp coi Mã thần y là ân nhân cứu mạng, rất mực cung kính. Dưới sự dẫn dắt của Mã Bồi Chi, hắn cải tà quy chính, quay đầu lại là thấy bến bờ. Hắn trở nên con người lương thiện, từ bỏ cướp bóc.

BÙI CƯỜNG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 10-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm