Thẻ căn cước đe dọa bí mật đời tư

LTS: Quy định về việc điền tên cha, mẹ trên CMND đã gây nên những cuộc tranh cãi ở Việt Nam trong nhiều ngày qua. Trên thực tế, tranh cãi về CMND hay thẻ căn cước là hiện tượng có nhiều tiền lệ trên thế giới và chưa khi nào đi đến hồi kết. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu các luồng quan điểm đến bạn đọc.

Các nhà nghiên cứu lịch sử sẽ cần thêm thời gian để xác định được tấm thẻ căn cước đầu tiên trên thế giới, tuy nhiên sử liệu hiện nay cho thấy chúng đã được áp dụng từ thế kỷ 18 trong quân đội Pháp. Năm 1716, do nhu cầu xác minh quân đào ngũ, nhiếp chính vương Philippe D’Orléans (Pháp) ra lệnh cấp cho mỗi binh sĩ được tuyển mộ một giấy ghi tên, tuổi và đặc điểm nhận dạng. Hình thức này được vua Louis XVI áp dụng tương tự cho người lao động kể từ năm 1778 với tên gọi là “sổ lao động”.

Rất ít nước điền tên cha mẹ

Sự thành công của cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1792 đã trao cho cảnh sát nhiều quyền hạn nhằm truy nã những người được coi là bất đồng chính kiến, trong đó có quyền cấp cho mỗi người lớn một tấm thẻ an ninh. Cho đến thời kỳ bị quân đội phát xít Đức chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai, lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả người Pháp trên 16 tuổi đều phải có một tấm thẻ căn cước, thể hiện rõ ảnh, đặc điểm khuôn mặt, mũi, màu da, mắt, tóc, dấu vân tay...

Thẻ căn cước đe dọa bí mật đời tư ảnh 1

 Bà Yingluck cầm thẻ căn cước của mình trong cuộc bầu cử ở Thái Lan tháng 7-2011. Ảnh: Internet

Các nỗ lực tương tự cũng được thực hiện ở nhiều quốc gia khác trong lịch sử, do nhu cầu kiểm soát an ninh và quản lý dân cư, đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh. Hiện nay, theo tổ chức Privacy International (Anh) thì thẻ căn cước được áp dụng ở khoảng 100 quốc gia như Pháp, Đức, Phần Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hong Kong, Malaysia, Estonia, Ma-rốc,... Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng bắt buộc công dân phải có thẻ căn cước mà có thể áp dụng chế độ tự nguyện hoặc khuyến khích công dân đăng ký thẻ.

Tại một số quốc gia khác như Mỹ, Anh, Úc, Canada, Đan Mạch, Ireland, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Na Uy, chính phủ không ban hành thẻ căn cước quốc gia hoặc không bắt buộc công dân phải có thẻ căn cước.

Tại các quốc gia áp dụng thẻ căn cước, các thông tin phổ biến trên thẻ căn cước bao gồm: số thẻ, họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, địa chỉ và ảnh.

Tùy thuộc từng quốc gia, một số thông tin khác có thể được hiển thị ngay trên thẻ, bao gồm: dân tộc, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp, họ tên cha mẹ, màu mắt, màu tóc, dấu vân tay, chữ ký,... Ngày nay, các thông tin này có thể được lưu trữ trong thẻ dưới dạng điện tử mà không hiển thị ở bề mặt thẻ. Rất ít các quốc gia lấy dấu vân tay và họ tên cha mẹ trên thẻ căn cước, ngoại trừ Đài Loan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Croatia,...

Ở nhiều nước, đặc biệt là các nước không áp dụng chế độ thẻ căn cước, người ta có thể dùng bằng lái xe, hộ chiếu, thẻ an sinh xã hội thay cho thẻ căn cước để làm bằng chứng chứng thực thông tin cá nhân của công dân.

Thẻ căn cước đe dọa bí mật đời tư ảnh 2

Thẻ căn cước mới có gắn chip điện tử được áp dụng tại Đức từ năm 2011. Ảnh: INTERNET

Lo ngại về an toàn bí mật đời tư

Thẻ căn cước hay chứng minh thư nhân dân, với tính chất là công cụ quản lý dân cư của chính phủ và có ý nghĩa đặc biệt trong thời chiến, vẫn đang là đề tài tranh cãi sôi nổi trên thế giới trong hàng thập kỷ qua.

Vị thủ tướng có thời gian tại nhiệm dài thứ hai trong lịch sử Úc - John Howard - là người có nhiều duyên nợ với vấn đề thẻ căn cước. Năm 1987, đứng trước đề xuất áp dụng chế độ “thẻ căn cước Australia” (Australia Card), ông - khi đó là thủ lĩnh đảng đối lập - là một trong những người phản đối mạnh mẽ nhất. Trong những phát biểu chỉ trích đề xuất này của chính phủ đương nhiệm, ông cho rằng sự ra đời của Australia Card với đầy đủ các chi tiết cá nhân trong hệ thống dữ liệu điện toán sẽ đe dọa đến quyền bí mật đời tư của công dân. Đề xuất này sau đó đã bị Thượng viện Úc hai lần bác bỏ với lý do vi hiến. Bất đồng giữa các đảng phái liên quan đến Australia Card là nguyên nhân chính dẫn đến việc giải tán Quốc hội Úc vào năm 1987.

Tuy nhiên, đến đầu những năm 2000, cũng chính John Howard lại buộc phải xem xét lại các lập luận trước đây của mình, khi đứng trước các nguy cơ gia tăng đột biến của chủ nghĩa khủng bố và làn sóng di cư bất hợp pháp đến Úc. Ông thất bại trong cuộc bầu cử năm 2007 khi chưa kịp hiện thực hóa ý tưởng của mình và đến nay, Australia Card vẫn chỉ là một viễn cảnh nằm trên giấy.

Tại Anh, chế độ thẻ căn cước đã bị bãi bỏ vào năm 1952, sau khi các lo ngại từ Thế chiến thứ hai qua đi và chỉ trở lại vào năm 2006, khi Hạ viện nước này thông qua đạo luật bắt buộc các công dân phải có thẻ căn cước. Tuy nhiên, do áp lực từ các cuộc biểu tình phản đối, Anh đã phải dừng kế hoạch này và phá hủy toàn bộ cơ sở dữ liệu có liên quan vào năm 2011.

Thẻ căn cước đe dọa bí mật đời tư ảnh 3

Làm thẻ căn cước ở Ấn Độ năm 2010. Ảnh: INTERNET

Nỗi lo trước vấn nạn tin tặc

Rõ ràng chế độ thẻ căn cước thường trở nên nóng bỏng khi các nguy cơ tội phạm gia tăng. Các cơ quan an ninh viện dẫn lý do này để vận động các cơ quan dân cử trao cho mình quyền kiểm soát dân cư và phân loại tội phạm thông qua loại giấy tờ đặc biệt này. Sự tiện lợi không thể phủ nhận đối với chính quyền thường cũng đi kèm với nguy cơ lạm quyền và phân biệt đối xử.

Các quan điểm phản đối cho rằng thông tin có được từ thẻ căn cước có thể được sử dụng để truy sát hoạt động và can thiệp vào đời sống riêng tư của các cá nhân. Không nhiều người trong số họ tin tưởng rằng thông tin cá nhân của họ không bị một số người trong chính quyền lạm dụng vào những mục đích xấu, hoặc có thể bị rò rỉ, bị xâm nhập bởi một bên thứ ba. Sự quan ngại này ngày càng gia tăng với những hoạt động ngày càng nghiêm trọng hơn của các tin tặc trên thế giới. Khi ngay cả dữ liệu của Cục Tình báo Mỹ (CIA) và một số ngân hàng Thụy Sĩ cũng bị tin tặc đánh cắp, cử tri ở các nước khó lòng tin rằng điều đó không thể xảy ra với thông tin cá nhân của mình. Luồng quan điểm này cho rằng thông tin cá nhân thuộc về quyền quyết định của họ và họ phải kiểm soát được các thông tin này.

Bên cạnh đó, vấn đề phân biệt đối xử cũng tạo ra những nguy cơ xung đột trong xã hội, ở các mức độ khác nhau. Các thông tin về tôn giáo, sắc tộc có thể khiến cho những người mang thẻ căn cước lâm vào trạng thái thiếu an toàn do áp lực từ các cộng đồng kỳ thị. Mặt khác, một số người thực sự mặc cảm với các thông tin giới tính, quê quán, cha mẹ của họ được ghi trên thẻ căn cước.

Chi phí khổng lồ cho việc cấp thẻ căn cước cũng được những người phản đối viện dẫn như một trong những lý lẽ của mình. Nước Anh từng dự chi khoản tiền 5,1 tỉ bảng (tương đương 7,8 tỉ USD) cho chương trình cấp thẻ căn cước và tại Ấn Độ, con số này có thể lên tới 5 tỉ USD. Dự đoán, nếu xếp chồng số thẻ căn cước của 1,2 tỉ người Ấn Độ, chiều cao của nó có thể gấp 150 lần đỉnh Everest.

HỮU LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm