“Tín dụng đen” - kiểu nào cũng chết: Xử được nhưng khó chứng minh

Theo Bộ luật Hình sự hiện hành, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt. Vì vậy, muốn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với con nợ theo hai tội này, trước hết cần chứng minh con nợ có hành vi chiếm đoạt tài sản. Thể hiện của hành vi chiếm đoạt là chủ nợ hoàn toàn mất khả năng thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với số tiền đã đưa cho con nợ. Thay vào đó, ba quyền này đã được trao vào tay con nợ thông qua lỗi cố ý trực tiếp của con nợ.

Ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, con nợ đã có hành vi lừa dối nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ nợ. Hành vi lừa dối này xuất hiện ngay từ khi con nợ tiếp cận chủ nợ. Con nợ dùng mọi thủ đoạn như nói dối, cung cấp giấy tờ giả mạo... để đưa ra những thông tin giả. Do bị lừa dối, chủ nợ đã tin tưởng và giao tài sản cho con nợ.

Ở tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, sự lừa dối không tồn tại trong mối quan hệ ban đầu giữa chủ nợ và con nợ. Con nợ và chủ nợ đã thỏa thuận được với nhau về việc xác lập hợp đồng vay tài sản. Sau đó, con nợ mới dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền vay. Cũng được coi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nếu sau khi xác lập hợp đồng vay, con nợ sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Như vậy, truy cứu trách nhiệm hình sự con nợ trong các vụ vỡ nợ “tín dụng đen” không đơn giản. Thông thường, con nợ không cố ý dùng thủ đoạn gian dối từ ban đầu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chủ nợ. Khoe mẽ sự giàu sang là quyền của mỗi người. Không có pháp luật nào buộc công dân nếu nghèo thì phải sống cho ra nghèo. Nhiều người “con nhà lính, tính nhà quan”, nghèo rớt mồng tơi nhưng bề ngoài vẫn cố chứng minh mình vương giả và pháp luật không cấm điều đó. Con nợ không buộc chủ nợ phải tin vào sự giàu có của họ. Chính chủ nợ đã nhận thức nhầm lẫn về con nợ, từ đó gầy dựng niềm tin không đúng chỗ. Do đó, nếu “khéo léo” vận dụng, con nợ có thể tránh dính vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trước hết giữa chủ nợ và con nợ phải tồn tại hợp đồng. Bộ luật Dân sự năm 2005 không quy định hợp đồng vay tài sản phải được lập thành văn bản. Như vậy, ngay cả khi các bên giao dịch với nhau bằng lời nói thì cũng được coi là một hình thức hợp đồng. Việc mất khả năng trả nợ của con nợ sẽ bị truy cứu trách nhiệm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nếu con nợ đã sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp. Ở những vụ vỡ nợ “tín dụng đen”, con nợ thường sử dụng khoản vay sau để trả lãi suất cho các khoản vay trước. Cách sử dụng tiền vay này không thể bị coi là sử dụng vào mục đích bất hợp pháp. Có chăng, con nợ đã sử dụng tiền không đúng mục đích vay do các bên đã thỏa thuận mà thôi.

Những phân tích trên cho thấy khả năng kết tội dễ nhất là chứng minh thủ đoạn gian dối hoặc sự bỏ trốn của con nợ nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ nợ sau khi giao kết hợp đồng vay và nhận tiền từ chủ nợ.

Cần xác định rằng dù con nợ có bị kết án tù chung thân thì đó là cái giá mà con nợ phải trả trước Nhà nước vì đã thực hiện hành vi nguy hại cho xã hội, chứ không phải trước người bị hại. Vì vậy, không cần thiết phải bất bình khi cơ quan chức năng hướng dẫn chủ nợ khởi kiện vụ án dân sự. Bởi lẽ ngay trong Bộ luật Hình sự cũng đã có chế tài nghiêm khắc dành cho người có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội.

Điều quan trọng chủ nợ cần làm là chứng minh cho yêu cầu đòi nợ của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Trong các vụ vỡ nợ “tín dụng đen”, mặc dù cho vay với mức lãi suất cao ngất nhưng các chủ nợ vẫn là những nạn nhân rất đáng thương. Mù quáng trước những con số % ấn tượng, các chủ nợ dâng cả tài sản cho con nợ. Hoạt động cho vay của họ không mang tính chất chuyên bóc lột. Vì vậy, dù cho lãi suất cho vay có cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên, các chủ nợ này cũng không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng theo Điều 163 Bộ luật Hình sự.

HOÀNG LAM

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 173)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm