Tội phạm khoác áo cảnh sát - Bài 2: Tất cả chỉ vì tiền

Như đã nói ở bài trước, các báo cáo của chính quyền cho biết các lực lượng dân quân chủ yếu tập trung ở phía tây và bắc của bang Rio. Tinh thần thấp và đồng lương thấp được coi là nguyên nhân khiến một số sĩ quan cảnh sát, cảnh sát cứu hỏa và cảnh sát trại giam quay sang tìm một khoản thu nhập thêm với tính cách làm thành viên của lực lượng dân quân.

Con đường tha hóa

Ban đầu, mục tiêu của lực lượng dân quân là xin đứng vào những vị trí trống mà viên chức nhà nước - được tuyển dụng - rời bỏ, để bảo vệ các DN nhỏ khỏi sự đe dọa từ bọn buôn lậu ma túy. Tuy nhiên, theo thời gian họ bắt đầu yêu cầu các khoản tiền “trao đổi”. Chẳng bao lâu sau, các lực lượng dân quân cũng bắt đầu kiểm soát việc cung cấp nước và gas, truyền hình cáp tư nhân, cờ bạc, xe khách lậu và thậm chí cả giao dịch bất động sản.

Nhiều nguồn tin cho biết các lực lượng dân quân cũng chuyển qua buôn bán ma túy và vũ khí như một nguồn thu nhập bổ sung. Họ kiểm soát dân số về mặt xã hội và sử dụng các phương pháp tàn bạo như tra tấn và giết chóc để duy trì trật tự trong khu vực mà họ thiết lập “nền thống trị”.

Ở các khu phía tây, hầu hết các vụ giết người là hậu quả của sự tranh chấp nội bộ và các vụ ám sát những người dân và chủ cửa hàng không muốn hoặc không thể trả các khoản lệ phí mà thực chất là tống tiền. Ở các khu phía bắc, các cái chết là nguyên nhân của các cuộc đụng độ giữa bọn buôn ma túy và thành viên lực lượng dân quân nhằm giành quyền kiểm soát lãnh địa.

“Lực lượng dân quân kín đáo hơn. Không giống như các băng nhóm ma túy, họ không xuất hiện trên đường phố với tiểu liên M-16, họ thuê những tên chỉ điểm và bọn cảnh giới, bọn này làm việc thông qua các ban điều hành khu dân cư. Họ là một thực thể ít được biết đến và nổi tiếng là xử kẻ thù một cách tàn bạo” - nhà nghiên cứu người Mỹ Andrew Fishman nói.

Tội phạm khoác áo cảnh sát - Bài 2: Tất cả chỉ vì tiền ảnh 1

Nhân viên nhà xác đi nhặt xác người chết oan vì bạo lực. Ảnh: AP

Mối họa thường trực

Các lực lượng dân quân bán quân sự luôn là mối đe dọa thực sự đối với an ninh Brazil. Các hồ sơ mới có được từ cuộc điều tra của cố Thẩm phán Patricia Acioli cho thấy một số cảnh sát đang chống lại - một cách có hệ thống và quyết liệt - những nỗ lực hợp pháp nhằm kiềm chế tình trạng bạo lực do cảnh sát gây ra ở Brazil, đặc biệt là đối với những người nghèo khổ và trong các TP. Acioli là một thẩm phán chống lại nạn bạo lực của lực lượng cảnh sát và với những nỗ lực đó, bà đã bị giết thảm.

Cảnh sát đã giết Thẩm phán Acioli một phần vì bà là một người trong làn sóng thẩm phán và luật sư cố gắng trừng trị những cảnh sát giết người bừa bãi. Nhiều người trong lực lượng quân cảnh đã quen với việc tác oai tác quái mà chưa nếm mùi bị trừng phạt mấy thập niên qua. 

Vụ sát hại Thẩm phán Acioli không chỉ bịt miệng một trong những người chỉ trích mạnh mẽ tình trạng bạo lực của cảnh sát mà còn làm nản lòng những nỗ lực thực sự trong việc cải cách quân cảnh, thậm chí nó gửi một thông điệp rõ ràng có tính khủng bố dọa các nhà điều tra và các thẩm phán nên im lặng là hơn. Không như các nước khác, quân cảnh Brazil là một lực lượng cảnh sát được quân sự hóa nhằm đáp ứng trực tiếp cho các lực lượng vũ trang chứ không phải là một đơn vị giữ trật tự nội bộ của quân đội. Và thực tế quân cảnh cũng đã giết bừa bãi dân thường và bổ sung vào “lực lượng” mua bán ma túy của các băng đảng trong các khu ổ chuột từ bao năm qua mà không nhận được một sự đe dọa trừng phạt thực sự nào cho đến nay.

Thật vậy, Brazil đã không tiến hành các cuộc điều tra một cách đầy đủ và trừng phạt cái hệ thống vũ trang giết hại hàng trăm người và tra tấn hàng ngàn người. Đó là một trong những di sản của sự thất bại khó nhìn thấy bởi Brazil đã không xây dựng được một tiền lệ rằng các lực lượng vũ trang cũng phải chịu sự trừng phạt của pháp luật như mọi người. 

Bộ phim bom tấn Tropa de Elite 2: O Inimigo Agora é Outro của đạo diễn José Padilha nói về mối đe dọa khủng khiếp mà các lực lượng dân quân gây ra ở bang Rio nói chung và TP Rio de Janeiro nói riêng. Một trong những tác giả của cuốn sách được chuyển thể thành phim, nhà chính trị học Luiz Eduardo Soares, xem các lực lượng dân quân là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh và dân chủ của Brazil. Ông Soares giải thích: “Cái kiểu mafia này ngăn cản sự phát triển chính đáng của nhà nước và tạo ra một cuộc khủng hoảng dân chủ do vượt quá phạm vi hoạt động của cảnh sát. Đó là sự đe dọa lớn nhất và nguy hiểm nhất đối với bối cảnh pháp luật có dân chủ”.

Tội phạm khoác áo cảnh sát - Bài 2: Tất cả chỉ vì tiền ảnh 2

Tỉ lệ vụ giết người tăng lên 129% ở TP Salvado, thủ phủ bang Bahia. Ảnh: REUTERS

Thay đổi chiến thuật

Vì sự an toàn của cộng đồng, ngoài những kẻ buôn bán ma túy, chính quyền bang Rio đang trừng trị các lực lượng dân quân. Nhưng mối quan hệ gần gũi giữa các lực lượng dân quân với cơ quan thực thi pháp luật lại là một chướng ngại đối với các điều tra viên của nhà chức trách.

Tháng 4-2011, tờ O Globo đăng bài phản ánh một trong những nhà lãnh đạo dân quân lớn nhất của Rio vẫn chỉ huy đám tay chân từ nhà tù. Ricardo Teixeira da Cruz - được biết đến với biệt danh “Người Dơi” dường như vẫn tiếp tục điều hành tổ chức Liga da Justiça từ xà lim nhà tù ở Campo Grande (Minas Gerais). Cũng như nhiều nhà lãnh đạo dân quân khác, “Người Dơi” là một cựu thành viên cảnh sát vũ trang ở bang Rio.

Thời gian qua, số lượng sĩ quan cảnh sát bị bắt vì các tội ác tăng lên, ngay cả khi vụ sát hại Thẩm phán Acioli đe dọa quá trình đó. Ngoài ra, chính quyền TP, bang và liên bang đã sử dụng những chiến thuật mới tập trung vào phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng thực tế trong các khu ổ chuột chứ không phải là cuộc tấn công chớp nhoáng đến và đi, để lại chục xác chết mà không mang đến một sự thay đổi thực sự nào trong cuộc sống hoặc cấu trúc xã hội của các khu vực nghèo khổ này. 

Những thay đổi về mặt chiến thuật nói trên là một sự khởi đầu tốt trong cuộc chiến chống bạo lực có liên quan đến vấn nạn ma túy và giải quyết một số vấn đề mà người dân trong các khu ổ chuột ở các bang Rio de Janeiro và São Paulo đối mặt mỗi ngày. Tuy nhiên, cho đến khi Brazil trấn áp, uốn nắn và trả lương cho cảnh sát đúng với yêu cầu của họ, họ là một chướng ngại đáng kể để lập lại an ninh đô thị.

Nhân viên cảnh sát ở bang Bahia nhận mức lương tháng khoảng 1.250 USD. Trong khi đó lương của các đồng nghiệp ở TP Rio de Janeiro còn thấp hơn, khoảng 1.170 USD/tháng. Khoảng 1/3 trong số 31.000 quân cảnh bang Bahia tham gia đình công trong khi Thống đốc bang Jaques Wagner đang ở Cuba. “Cuộc đình công này là một hồi chuông thức tỉnh toàn bộ đất nước. Brazil hiện là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới nhưng mô hình chính sách của chúng ta là một thất bại đáng xấu hổ” - ông Romeu Karnikowski, một nhà xã hội học chuyên về các chính sách an ninh công cộng của Brazil, nói.

Cảnh sát các bang Ceará và Pará cũng hưởng ứng. Sự phản kháng của cảnh sát TP Rio de Janeiro cũng bộc lộ những dấu hiệu của một cuộc đình công trong tương lai. Người ta đặt ra vấn đề: “Việc cảnh sát đình công có thể chấp nhận được vì theo tờ Estado de São Paulo, lương thẩm phán ở Brazil cao ngất ngưởng so với cảnh sát: Từ 23.000 đến 87.000 USD/tháng. Tuy nhiên, gây tội ác thì không thể biện minh bằng bất cứ lý lẽ nào”.

KHIẾT ĐAM (Theo NYT, Riotimesonline, AP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm