Trên chiến hạm Hải quân Hoa Kỳ

Trưa 25-4, chúng tôi bước chân xuống tàu USNS Safeguard (T-ARS-50) thuộc Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ (ghé thăm Đà Nẵng từ ngày 23 đến 27-4). Đoàn cán bộ Bộ Tư lệnh Hải quân, Hải quân Vùng III cùng có mặt. Đón chúng tôi là Chuẩn đô đốc Thomas F. Carney, Chỉ huy lực lượng hậu cần Tây Thái Bình Dương và Đô đốc Scott H. Swift, Tư lệnh Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ.

Vũ khí tối tân, hạng nặng

Một sĩ quan bắt tay và giới thiệu: “Chúng ta đang có mặt trên tàu USNS Safeguard. Chúng tôi rất vinh dự được chào đón các bạn đặt chân lên Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ”.

Viên sĩ quan giới thiệu sơ lược các thông số của tàu, từ trọng lượng (3.335 tấn), chiều dài (78 m) đến các vũ khí, thiết bị cơ bản (súng máy Mk 38.25 mm, súng máy 50 cal...). Đập vào mắt chúng tôi là mọi phương tiện trên tàu đều mới cứng, sáng bóng dù nó suốt ngày lênh đênh trên biển. Trên tàu, ai nấy đều đang làm nhiệm vụ của mình, người lau sàn, người làm vệ sinh hành lang, người sơn lại những vết trầy xước, rỉ sét...

1 giờ sau, chúng tôi lại được tiếp đón trên tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Chafee có lượng dãn nước 9.200 tấn, mang theo thủy thủ đoàn 380 người. Tàu này được hạ thủy vào tháng 11-2002, chính thức hoạt động vào tháng 10-2003 do Công ty Bath Iron Works đóng, lấy tên của Thượng nghị sĩ John Lester Hubbard Chafee ghép vào.

Khu trục USS Chafee được trang bị động cơ bốn tuốc bin gas LM-2500-30 công suất 75 MW, giúp nó đạt tốc độ hơn 30 hải lý/giờ. USS Chafee là nỗi ám ảnh của tất cả mục tiêu trên biển, không, đất liền, tàu ngầm… do khu trục này được trang bị vũ khí hiện đại vào bậc nhất của Hải quân Hoa Kỳ.

USS Chafee mang theo 56 quả tên lửa Tomahawk và hệ thống phóng tên lửa chống hạm Harpoon Anti-Ship Cruise Missiles. Tàu còn được trang bị hệ thống pháo hạm 127 mm tự động, Mark 34 Gun Weapon System và 5”/54 Caliber Gun có chức năng chống hạm và chống máy bay tiêm kích. Hệ thống súng phòng không của tàu còn có thể bắn mục tiêu cách xa khoảng 30 km. USS Chafee còn có hai trực thăng Sea Hawk SH-60 luôn sẵn sàng chiến đấu; súng máy loại Mk 45; hai khẩu Mk 41, Mk 38 và hệ thống radar, tác chiến điện tử hiện đại nhất. USS Chafee có thể tác chiến độc lập, hợp đồng tác chiến chống tàu ngầm, tấn công tầm xa, tiêu diệt mục tiêu trên biển, trên đất liền...

Trên chiến hạm Hải quân Hoa Kỳ ảnh 1

Toàn cảnh khu trục hạm USS Chafee, Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ. Ảnh: LÊ PHI

Trên chiến hạm Hải quân Hoa Kỳ ảnh 2

Mỗi tàu có hai máy bay chiến đấu và săn tàu ngầm. Trong ảnh: PV báo Pháp Luật TP.HCM chụp ảnh cùng nữ sĩ quan không quân Hoa Kỳ trên tàu chỉ huy USS Blue Ridge. Ảnh: TẤN TÀI

Trên chiến hạm Hải quân Hoa Kỳ ảnh 3

Khoang điều khiển tàu cứu hộ USNS Safeguard.
Ảnh: LÊ PHI

Không có bác sĩ nhưng có… trực thăng

Điểm đặc biệt trên tàu Hải quân Mỹ là tính kỷ luật của sĩ quan, binh lính và nhân viên cùng sự sạch sẽ đến từng milimet của tàu. “Tàu chiến nhưng nhìn như khách sạn 5 sao” - nhiều người đã phải thốt lên vì sự sạch sẽ và tơm tất trên khu trục hạm USS Chafee. Mùi nước thơm dễ chịu, những đường ống dẫn, đường điện trơn tru bóng lộn. Khoang chiến đấu, chỉ huy, khoang cấp cứu, nơi để dụng cụ, nhà vệ sinh đến các hành lang đều mát lạnh.

Thượng tá Trần Văn Hà, BS-Chủ nhiệm khoa Tàu ngầm-thợ lặn, BV Hải quân, tấm tắc: “Các tàu chiến của mình cũng được trang bị để cấp cứu các loại bệnh thông thường và còn thô sơ. USS Chafee thật quá hiện đại!”.

Joey, một sĩ quan kiêm y sĩ phụ trách chữa trị trên tàu USS Chafee, nói: “Trên tàu USS Chafee chẳng có ai là bác sĩ. Tôi là y sĩ cao nhất ở đây và một số y sĩ khác phải phục vụ cho gần 400 sĩ quan trên tàu”. “Không có bác sĩ?” - chúng tôi thắc mắc. Joey nhún vai, cười: “Vâng. Sĩ quan chúng tôi không sợ cảm cúm, ốm đau vì họ sẽ được chữa trị nhanh chóng bởi các loại thuốc tốt nhất. Những trường hợp bệnh nặng sẽ chuyển sang tàu cứu chữa đặc biệt của hạm đội hoặc đưa vào bờ bằng trực thăng. Nhưng chúng tôi sợ nhất là… côn trùng, chuột và lũ gián. Vì thế trên tàu luôn có một lượng lớn thuốc diệt côn trùng, gián”.

Trên chiến hạm Hải quân Hoa Kỳ ảnh 4

Vũ khí trên chiến hạm USS Chafee được bảo quản cẩn thận và sẵn sàng tiêu diệt các mục tiêu. Ảnh: TẤN TÀI

Trên chiến hạm Hải quân Hoa Kỳ ảnh 5

Hệ thống ống phóng dọc bên hông chiến hạm mang tên lửa Tomahawk. Ảnh: TẤN TÀI

Khu trục hạm USS Chafee có ba phòng cấp cứu được phân bổ tại đầu tàu, thân tàu và đuôi tàu. Mỗi phòng có hai giường bệnh để sĩ quan nghỉ dưỡng. Giường dưỡng bệnh của sĩ quan khá giống giường ký túc xá sinh viên nhưng rất tiện nghi.

Rất nhiều nữ sĩ quan trẻ phục vụ trên USS Chafee, chúng tôi hỏi đùa: “Có trường hợp nào nữ sĩ quan trên tàu có... bầu không?”. Joey cười: “No, no. Phụ nữ trên tàu không thể có thai. Nếu có thai sẽ bị kỷ luật và cho lên bờ ngay. Phụ nữ trên tàu làm việc rất tốt, có tính kỷ luật rất cao và chẳng thua kém đàn ông”.

Thượng tá Nguyễn Hoàng Luyến, BV Hải quân Việt Nam, bị thu hút bởi dụng cụ băng caro đặc biệt trên tàu. “Chỉ cần xoay thế này là các sĩ quan sẽ tự băng bó được vết thương cho mình?” - Thượng tá Luyến hỏi. Joey cười và gật đầu cái rụp.

Joey bật mí tàu chỉ huy cấp Blue Ridge của Hạm đội 7 (đang neo đậu tại cảng Tiên Sa) là một ngân hàng máu sống. Mỗi sĩ quan trên tàu là một ngân hàng nhỏ được phân loại nhóm máu rất rõ ràng. Khi cần, họ sẽ là người cung ứng máu cho đồng đội bị thương trong chiến đấu.

Joey và một sĩ quan đi cùng tiết lộ: Thuốc chữa bệnh trên tàu được thay hai tháng một lần vì sợ hết hạn sử dụng! Ngoài các loại thuốc thông thường, trên tàu còn có một cơ số thuốc chiến đấu rất lớn. Thuốc chiến đấu phục vụ đủ cho mọi sĩ quan trên tàu dùng trong ba lần. “Khi giao tranh, số thuốc này vô cùng hữu ích vì nó có thể kích thích sĩ quan chiến đấu cao độ, chiến đấu hết bản năng và cải thiện sức chiến đấu về mọi mặt” - Joey nói.

LÊ PHI - TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm