Triều Nguyễn chống thuốc phiện

Hút là phạt

Những năm đầu thời Minh Mạng, nạn hút thuốc phiện trở nên phổ biến. Nhà vua cho bổ sung vào hệ thống luật pháp những điều lệ để ngăn cấm. Từ đó về sau, các vua tiếp tục có những chỉ dụ rất cụ thể nhằm trừng trị những ai tổ chức hút, buôn bán, tàng trữ thuốc phiện. Bên cạnh đó, chỉ dụ cũng quy định những hình thức thưởng cho người có công chống thuốc phiện.

Năm 1820, vua Minh Mạng xuống chỉ dụ: “Thuốc phiện là thứ thuốc độc từ nước ngoài đem lại, những phường du côn lêu lổng lúc mới cho là phong lưu, rồi chuyển thành thói quen, thường thường nghiện mà không thể bỏ được. Vì nó, quan bỏ cả chức vụ, dân thì phá hết sản nghiệp, thậm chí gây mòn thành tật… Nay nên bài để nghiêm cấm đi” (Đại Nam thực lục, Viện Sử học, tập 5).

Triều Nguyễn chống thuốc phiện ảnh 1

Hút thuốc phiện thời xưa. Ảnh: ST

Từ nhận thức về tác hại của thuốc phiện, triều Nguyễn đề ra nhiều biện pháp phòng chống tệ nạn nghiện hút.
Đối với người buôn bán, tàng trữ và nghiện hút thuốc phiện, buổi đầu có quy định chung: “Không kể quan hay dân, ai dám hút thuốc phiện và cất giấu mà nấu nướng, không răn cấm con em, hàng xóm biết mà không tố giác đều bị xử đánh trượng” (Đại Nam thực lục, tập 5).

Sau đó, lệnh cấm ban hành năm 1824 quy định cụ thể hơn. Đối với người hút, biện pháp đầu tiên được vua Minh Mạng thi hành là: “Ai cố ý hút trộm thì đều phải tội lưu mãn 3.000 dặm… Người hàng xóm biết mà không cáo giác, cha anh không cấm được em con thì đều phải tội mãn trượng” (Đại Nam thực lục, tập 7).

Năm 1832, hai quan chức là Hoàng Công Tài và Lê Văn Huyên hút vụng thuốc phiện. Vua Minh Mạng xử tội trảm giam hậu (xử chém nhưng còn chờ xét lại) và ban lệnh nghiêm cấm: “Từ hoàng thân quốc thích cho đến các quan lớn nhỏ trong kinh và ngoài tỉnh đều nên khéo giữ gìn, răn kỹ lánh xa để giữ cho thân danh được toàn vẹn. Nếu kẻ nào còn vi phạm sẽ bị bắt tội, không tha” (Đại Nam thực lục, tập 11).

Đến thời Tự Đức, biện pháp xử phạt người nghiện hút càng nặng thêm. Năm 1856, vua Tự Đức xuống chỉ dụ: “Gần đây án xử có phần sân si không đều, nên chuẩn định: Người nào hút vụng bị người bắt được không kể là có đổi bỏ được hay không, đều bị tịch thu gia sản, không trả lại nữa; nếu tự thú ra đã qua xét nghiệm là đã bỏ được rồi thì gia sản được trả lại, quân dân cũng thế” (Đại Nam thực lục, tập28).

Tuy nhiên, Tự Đức là một ông vua có lòng nhân từ. Nhà vua cũng tạo điều kiện cho những người nghiện hút từ bỏ dần bằng cách hạn định thời gian cai nghiện rồi tiến hành xử phạt. Năm 1858, nhà vua ban hành chỉ dụ: “Định rõ lại điều cấm hút thuốc phiện, quân dân, ai phạm cấm ấy, hạn cho sáu tháng phải chữa cho khỏi, ngoài hạn ấy mà không chữa, bị người ta tố giác ra thì chiếu lệ bắt tội” (Đại Nam thực lục, tập 29).

Việc xử phạt và thăng thưởng cho những quan lại và chức dịch liên quan đến các vụ án thuốc phiện cũng được quy định rất rõ. Năm 1831, vua Minh Mạng quy định như sau: “Bắt đầu từ năm nay, phàm những quan thuyền từ ngoại quốc về, tạm đỗ ở hạt nào thì quan địa phương phái quân lính phải để ý đề phòng. Nếu có kẻ đem thuốc phiện lên bờ, lập tức bắt cả người và tang vật tâu lên. Thuyền nào đỗ hẳn ở cửa biển Đà Nẵng thì do quan trấn; đỗ ở kinh kỳ thì do phái viên hai bộ Binh, Hình hội đồng thị vệ, đến lấy cung chắc chắn, cẩn thận, nếu vì tình riêng mà bao che cho nhau, khi bị phát giác thì người phạm tội sẽ phải trị tội nặng, mà viên kiểm sát cũng bị nghiêm xử hoặc ăn tiền mà cố ý tha thì tính theo tang vật mà kết án” (Đại Nam thực lục, tập 10).

Triều Nguyễn chống thuốc phiện ảnh 2

Dùng bàn đèn hút thuốc phiện thời xưa. Ảnh: ST

Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà vua lại định lệ một cách cụ thể hơn: “Phàm những người biết ai giấu thuốc phiện, nấu thuốc phiện, bán mua hoặc hút thuốc thì phải báo quan. Bắt được quả tang, từ không đầy một cân trở xuống vẫn theo lệ trước, thưởng cho người báo quan 20 lạng bạc, còn từ một cân trở lên thưởng thêm cho 30 quan tiền; năm cân trở lên: 50 quan tiền; 10 cân trở lên: 100 quan tiền; 20 cân trở lên: 150 quan tiền; 30 cân trở lên: 400 quan tiền”( Đại Nam thực lục, tập 17).

Chống thuốc phiện là sự nghiệp chung

Năm 1839, cuộc chiến tranh nha phiến bùng nổ ở Trung Quốc. Năm 1847, tàu chiến Tây dương ngang nhiên gây sự ở cửa biển Đà Nẵng nước ta, đòi mở cửa thông thương. Trước sức ép đó, vua Thiệu Trị vẫn kiên quyết duy trì lệnh cấm thuốc phiện. Vua Thiệu Trị cho rằng: “Thuốc phiện là thứ thuốc mê, cái hại rồi khuynh gia bại sản, hại tính mệnh người. Hai việc ấy đều đã nghiêm cấm ở trong nước. Ta sẽ giáng dụ để ghi vào quốc sử truyền lại cho đời sau để nghiêm tuyệt xa đi mà ngăn chặn mối lo ở ngoài” (Đại Nam thực lục, tập 26).

Những sử liệu trên cho thấy tệ nạn thuốc phiện trở thành quốc nạn. Triều Nguyễn đã ý thức được điều đó nên thực hiện một cách nghiêm ngặt lệnh cấm hút thuốc phiện.  Triều Nguyễn đã lôi cuốn toàn xã hội vào cuộc phòng chống nạn nghiện hút bằng nhiều phương pháp vừa giáo dục, vừa trừng phạt kinh tế, vừa thưởng. Tất cả đều dựa vào hệ thống pháp luật để xử lý. Điều này là một gợi ý hay cho chúng ta trong đối sách với nạn nghiện ngập ma túy đang hoành hành trong xã hội hiện nay.

NGUYỄN VĂN TƯỞNG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 10-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm