BÓNG CÂY KỂ CHUYỆN CUỘC ĐỜI - BÀI 1

Vị anh hùng và hai gốc vải

LTS:Những cây đại thụ hàng trăm năm tuổi được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tôn vinh là “cây di sản”, trở thành biểu tượng cho cả một vùng đất. Cây đã sống với sức mạnh phi thường, chống chọi và chứng nhân cho biết bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử. Hơn tất cả, cây đã được yêu thương và bảo vệ như một phần không thể thiếu của cộng đồng nơi ấy.

“Phải rồi. Cuốn mình vào cuộc chiến, đối mặt với sự sống và cái chết, tôi đã quên mất, cứ ngỡ rằng cây đã không còn từ những năm lửa đạn” - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thành Cư (xã An Tức, huyện Tri Tôn, An Giang) hồi tưởng. Trong tâm trí của vị anh hùng vẫn còn ghi nhớ hai gốc vải thiều ngày nào mình từng lăn lộn chiến đấu.

Vải thiều Lục Ngạn ở miền Nam

Người ta không thể xác định gốc tích của hai cây vải thiều nằm sau ngôi chùa cổ Svay Ta Hong, khuất sâu trong cánh rừng ở chân đồi Phnôm Tốch, vùng An Tức. Nơi đó là ngọn đồi 2 triệu đôla (đồi Tức Dụp), từng bấy mình trong làn mưa bom B52 của địch. Chúng muốn diệt ngọn đồi vì nó che chở bộ đội. Ngay cả anh hùng Hai Cư ở tuổi 80 cũng không biết lai lịch của hai cây vải này. Đây là điều dễ hiểu, bởi tuổi cây đã đến hơn 300, gấp mấy lần một đời người.

Hai cây vải cho trái đậm chất vải thiều nổi tiếng Lục Ngạn này vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cấp bằng cây di sản Việt Nam. Ngồi trên chiếc ghế đá dưới tán xoài rợp bóng, nhìn sang hai gốc vải nay đã được xây vòng thành bảo vệ, gắn bia di sản, bỗng nghe lòng man mác.

Sư trụ trì chùa Svay Ta Hong không rành tiếng Việt, ông nói: “Đã bao đời nay nhà chùa rất yêu quý hai cây vải này. Chùa không cho ai chặt phá, bởi trời ban cho cây lớn là quý lắm. Nhà chùa sẽ giữ gìn, chăm sóc để con cháu sau này có cây mà ngắm, có chỗ nghỉ mát khi đến chùa”.

Vị anh hùng và hai gốc vải ảnh 1

Cây vải gần 300 năm tuổi vẫn sống trước sự bất ngờ của anh hùng Lê Thành Cư, người từng lăn lộn dưới gốc cây này đánh giặc Mỹ.

Ngồi cạnh gốc vải to cỡ cái thùng phuy, dưới tán cây mát rượi, sãi cả chùa Svay Ta Hong - ông Chau Dếth kể rằng ngôi chùa này đến nay đã gần 300 năm tuổi. Nghe nhiều sư cả ngày trước truyền lại, từ lúc các ngài đến đây tu học đã thấy có hai cây vải thiều. Cây sống từ thời chùa còn che chòi lá, đã qua 20 đời sư trụ trì mà vẫn tốt xanh. “Tôi đến chùa tu được 11 năm chỉ thấy vải ra trái một lần. Lần đó, đệ tử chùa hái được 500 kg trái vải, đãi Phật tử đến viếng chùa hết. Trái vải giống hệt vải thiều Lục Ngạn nhưng có vị chua chua, ngọt ngọt, không ngọt như vải nhà vườn trồng. Đã bao phen chiến tranh tàn phá, chánh điện chùa sập mấy lần. Cây cối quanh chùa như sao, sến, giáng hương… bị bom dội gãy nát mà hai cây vải vẫn còn nguyên. Cây được công nhận là cây di sản, chùa có thêm uy tín, tôi thấy vinh dự lắm ” - sãi cả Dếth tâm sự.

Bất khuất trước bom pháo Mỹ

Chúng tôi tìm đến nhà anh hùng Lê Thành Cư ở ấp Ninh Hòa vào một buổi trưa đầy nắng. Khi nghe hỏi về hai cây vải, ông Cư thoáng suy tư. Gợi lại chặng đường kháng chiến tại chùa Svay Ta Hong, ông bỗng giật mình nhớ lại: “Tôi cứ tưởng ở chùa chẳng còn cây cổ thụ nào sống nổi với bom đạn chiến tranh. Vậy mà hai cây vải vẫn còn”.

Ông Cư chậm rãi châm bình trà mời khách. Cầm chiếc khăn quệt vào đôi mắt lem nhem đã mờ đục vì tuổi tác, ông bắt đầu say sưa kể chuyện thời chiến. Ông như không thể tin được dưới làn mưa bom đạn, qua biết bao năm mà cây vải vẫn còn sống. “Kỷ niệm về chùa Svay Ta Hong đối với tôi và đồng đội nhiều lắm. Tôi đã chiến đấu với giặc Pháp, giặc Mỹ rồi Pol Pot, may mắn lắm mới còn sống sót, chuyện thì không thể kể hết được” - ông Cư nói.

Ông Cư nhớ khi Mỹ trở lại vùng Bảy Núi những năm 1955-1956, chúng lập đồn Cây Cầy, cách chùa Svay Ta Hong chưa đầy một cây số. Bộ đội như ông vào sống trà trộn trong các phum, sóc với đồng bào Khmer nhưng bị lộ. Ông cùng lực lượng thanh niên chiến đấu rút ra đồi Tức Dụp, đóng quân trong chùa Svay Ta Hong. Nhờ địa hình xung quanh chùa là rừng núi hiểm trở, ông lúc đó làm huyện đội trưởng Tri Tôn, đã chỉ huy lực lượng lấy đây làm bàn đạp đánh đồn Cây Cầy.

Địch ra sức đánh phá, hai khẩu pháo cối của Mỹ đặt tại thị trấn Tri Tôn bắn liên tiếp vào chùa. Chùa bị sập và phải dựng đi dựng lại nhiều lần. “Tụi tôi đánh đồn Cây Cầy dai dẳng từ đó cho đến ngày giải phóng thì Mỹ bỏ đồn tháo chạy. Lực lượng bộ đội tại chùa đánh đồn Cây Cầy hy sinh hai người, anh Chau Giàu (lúc đó là bí thư chi bộ xã An Tức) và anh Cay Thu (trợ lý du kích chiến tranh của huyện, có biệt tài bắn ná thun bằng lựu đạn). Còn tôi thì đánh đồn bằng giật thuốc nổ. Trái nổ tôi quấn như cái bánh chưng, bên trong chứa 300 kg thuốc nổ và miểng sành, miểng sắt. Khi đến cách đồn địch chừng 100 m, tôi đào hố, đặt trái nổ và truyền dây điện châm kích. Sức công phá loại thuốc gói 320 đánh tống chiều tới khoảng 300 m, sát thương cao. Đánh đồn Cây Cầy vất vả triền miên nhưng diệt có mấy tên” - ông Cư nhớ.

Khi ông Cư chuyển sang chỉ huy trận địa khác, những năm 1966, 1967 đồi Tức Dụp bị B52 dội bom ác liệt, chùa Svay Ta Hong cũng tan hoang. Chỉ tay vào hai gốc vải, ông Cư nhắn nhủ: “Hồi đó tụi tôi vây đánh đồn Cây Cầy mười mấy năm, bị pháo dập cây cối quanh chùa gãy trống hoác. Vậy mà hai cây vải vẫn còn, thiệt hết sức lạ. Dưới gốc cây này, anh em chúng tôi thường ra ngủ trưa, đàn ca lúc đánh Mỹ hoài. Nó rất quý, đời sau phải bảo vệ cho tốt để sau này con cháu mình nhìn cây mà hiểu về lịch sử, cội nguồn”.

Theo nhà báo Phùng Quang Chính, người phát ngôn của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, bảo vệ cây di sản là chương trình do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khởi xướng, nhằm phát huy truyền thống bảo tồn cây cổ thụ, hướng về cội nguồn và biết trân trọng quá khứ của cha ông ta. Chương trình cũng nhắm tới mục tiêu bảo tồn sự đa dạng về sinh học, bảo vệ các nguồn gien quý mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Đây còn là dịp để quảng bá du lịch, là cơ hội để cộng đồng thể hiện tinh thần yêu nước và sức mạnh đoàn kết, giáo dục thế hệ trẻ biết ơn tổ tiên đã để lại những di sản quý báu, giúp họ sống nhân nghĩa, nhân văn hơn.

Vị anh hùng và hai gốc vải ảnh 2

Hai cây vải thiều trong chùa Svay Ta Hong được công nhận cây di sản.

Trang web của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tại địa chỉ www.vacne.org.vn hiện có đầy đủ thông tin, mẫu hồ sơ đăng ký cây di sản Việt Nam, mẫu đơn gia nhập Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tập thể, cá nhân muốn gia nhập hội.

Để có thêm nhiều cây cổ thụ được vinh danh là cây di sản, các cá nhân, tổ chức cần tích cực đề xuất khi phát hiện cây xanh trên 100 năm tuổi. Đồng thời, mỗi địa phương cần thành lập Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường để 63 tỉnh, thành trong cả nước cùng chung tay xây dựng chương trình này.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm