Xét xử TNGT ở Mỹ - Bài 2: Án phạt tài xế say rượu

Mức tiền phạt cũng được nâng lên, thời gian đình chỉ giấy phép lái xe kéo dài hơn và việc nhận lại giấy phép và làm việc trở lại khó khăn hơn.

Tất cả các bang ở Mỹ đều quy định người dưới 21 tuổi lái xe trong tình trạng có độ cồn trong máu là phi pháp. Hai phần ba số bang thông qua quy định thu hồi giấy phép lái xe của người điều khiển uống rượu có độ cồn quá quy định hoặc không tuân thủ việc kiểm tra hơi thở.

Say rượu lái xe: Tù giam

Tháng 7-2011, một phụ nữ 28 tuổi ở Weymouth, bang Massachusetts phải ra tòa vì lái xe ẩu khi say rượu và đâm vào xe của cảnh sát gây thương tích cho nhân viên tuần tra. Chị được tại ngoại sau khi nộp 5.000 USD tiền bảo chứng và phải đi điều trị ít nhất ba lần một tuần tại trung tâm cai rượu. 

Một đêm tháng 8-2011, một cảnh sát ở bang Massachusetts bị bắt sau khi cảnh sát địa phương nhận được tin báo có một người đàn ông lái xe bất thường gây tai nạn, đây là lần thứ 10 sau chín lần bị tuyên phạt tội lái xe trong tình trạng say khướt. Anh ta bị tòa tuyên cấm lái xe vĩnh viễn.

Pháp luật của bang Massachusetts quy định người vi phạm tội lái xe say rượu lần thứ năm phải chấp hành án tù giam lâu ngày. Hiện người đàn ông kia bị giam giữ tại nhà tù Middleton và không được quyền hưởng chế độ bảo lãnh.

Nhiều bang cho phép giam giữ bắt buộc có thời gian đối với người lặp lại việc lái xe trong tình trạng có độ cồn quá mức và gây ảnh hưởng đến người khác. Mức tiền phạt cũng được nâng lên, thời gian đình chỉ giấy phép lái xe kéo dài hơn và việc nhận lại giấy phép và làm việc trở lại khó khăn hơn.

Xét xử TNGT ở Mỹ - Bài 2: Án phạt tài xế say rượu ảnh 1

Cảnh sát Mỹ đến hiện trường vụ say rượu đâm xe đến bẹp rúm. Ảnh: car-accidents.com

Ở một số bang, ngay cả người phạm tội lần đầu cũng có thể phải đối mặt với việc bị thu giữ giấy phép lái xe lâu ngày và bị giam vào ngày cuối tuần. Nhiều bang ban hành đạo luật xử phạt người vi phạm nhiều lần. Những người này bị mất nhiều quyền công dân như bầu cử hoặc sở hữu một vũ khí, mất quyền được lái xe. Để được nhận lại giấy phép lái xe, người vi phạm phải hoàn thành một số lớp nhận thức về luật. Tất cả chi phí đều do người vi phạm chi trả với thời gian học có thể từ 12 giờ đến 30 tháng.

Ở một số địa phương, người ta đưa vào chương trình học dành cho người vi phạm một “học phần” bố trí người phạm tội đối thoại với các nạn nhân. Các nạn nhân sẽ kể lại những trải nghiệm đau đớn mà họ đã phải trải qua hoặc tai nạn đã làm thay đổi cuộc sống của họ vĩnh viễn như thế nào. Qua “học phần” này, những người vi phạm sẽ ý thức sâu sắc hơn những đau đớn mà họ gây ra cho cộng đồng. Họ sẽ thay đổi nhận thức để không bao giờ vi phạm hoặc phải suy nghĩ trước khi ngồi sau tay lái.

Trách nhiệm pháp lý của tiệm rượu

Rạng sáng một ngày tháng 9-2008, Borselio - nhân viên của siêu thị ở TP Stamford bị ô tô của Douglas Moore đâm chết. Theo luật, cơ sở thương mại có thể chịu trách nhiệm về việc khách hàng của mình say rượu làm cho người khác bị chấn thương hoặc tử vong. Cảnh sát cho rằng Moore đang chịu án tù giam bốn năm vì có lượng cồn trong máu là 0,21 vào thời điểm gây tai nạn. Dave & Buster’s hoặc người bảo hiểm của họ sẵn sàng đưa ra đề nghị mức 1,5 triệu USD đối với các khiếu kiện của phía nguyên đơn. Sau khi trừ phí luật sư và các chi phí liên quan, luật sư ước tính rằng gia đình Borselio sẽ nhận được gần 1 triệu USD. Cạnh đó, gia đình cũng nhận được 300.000 USD từ công ty bảo hiểm của Moore như là một phần của cùng vụ kiện vào năm 2010. 

Tuy đồng ý trả tiền cho gia đình nạn nhân nhưng phía nhà hàng có kế hoạch kêu gọi Moore và những người quản lý của Dave & Buster’s kháng cáo, cụ thể là chứng minh họ không làm cho Moore say rượu.

Nhưng một trường hợp khác, tiệm rượu lại thắng án. Đó là tiệm Thirsty Turtle, năm 2005 bị tòa sơ thẩm phán quyết tội bán rượu để khách say và gây tai nạn giao thông. Caceras ở tiệm này từ 7 giờ 30 sáng đến nửa đêm. Khi lái xe về nhà, cô này đã gây ra một vụ tai nạn trên đường cao tốc. Xe cô đã húc vào xe của ông Michael Zanesky. Cả hai đều lái xe vào vệ đường và nói chuyện với nhau. Khi hai người quay trở lại xe của mình, một chiếc xe thứ ba đã đâm vào xe của Caceras rồi va tiếp vào xe của Zanesky khiến ông này văng vào hàng rào an toàn và chết tại chỗ.

Xét xử TNGT ở Mỹ - Bài 2: Án phạt tài xế say rượu ảnh 2

Cảnh sát Anh kiểm tra độ cồn một người lái xe có dấu hiệu say rượu. Ảnh: telegraph.co.uk

Tại phiên tòa sơ thẩm, một viên cảnh sát báo cáo rằng ông nghe thấy mùi cồn qua hơi thở của cô ta nhưng không nhận thấy hành vi khác thường nào của đương sự tại hiện trường. Caceras khai rằng đêm đó cô uống ba hoặc bốn ngụm và không hề cảm thấy say hoặc một dấu hiệu nào của trạng thái say. Thẩm phán Gaudreau cho rằng việc điều khiển xe không vững của cô Caceras chính là bằng chứng. Số tiền 1 triệu USD mà bồi thẩm đoàn tòa sơ thẩm đã thống nhất tuyên phạt sẽ được giảm xuống mức trần về bồi thường thiệt hại là 250.000 USD. Tuy nhiên, thẩm phán tòa thượng thẩm đã quyết định ngược với bồi thẩm đoàn và tòa cấp dưới với lập luận: Thiếu bằng chứng có thể xác định được tiệm rượu bán rượu làm khách say.

Luật sư bên nguyên đơn lý giải rằng theo luật bang Connecticut thì nếu một tiệm rượu phục vụ cho một khách hàng mà sau đó người này được chứng minh là say rượu thông qua lượng cồn trong máu, tiệm rượu đó mới phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, luật sư Solimene của bên bị đơn không đồng ý. “Quý vị không thể quy định nhân viên tiệm rượu đi lòng vòng và giúi vào tay mọi người dụng cụ cầm tay đo lượng cồn qua hơi thở. Qua đây, có thấy rằng không thể trút gánh nặng pháp lý lên các tiệm rượu. Những gì khách hàng làm sau khi đã uống quá nhiều tùy thuộc vào chính anh ta”. Thẩm phán không hoàn toàn đứng về phía lập luận của luật sư bị đơn nhưng trước sau khẳng định quan điểm: Phải chứng minh được khách bị say thật sự tại tiệm mới chế tài được tiệm rượu.

Với sự thay đổi trong luật của bang Connecticut vào năm 2003 về việc nâng mức trần tiền bồi thường thiệt hại 20.000-50.000 USD lên 250.000 USD, ngày càng có nhiều luật sư đảm nhận các vụ kiện tiệm rượu. Nhưng với hai phán quyết nói trên của Tòa Thượng thẩm TP Hartford, giờ đây các luật sư đang nhìn thấy mọi chuyện trở nên không có gì chắc chắn nếu không có dấu hiệu có thể xác định được khách hàng bị say rượu đến mức không biết gì ngay tại tiệm.

10 khoản phí mà người lái xe say rượu phải nộp

- Tiền hồ sơ pháp lý: 300-15.000 USD tùy số lần và tính chất vi phạm.

- Tiền kiểm tra độ cồn: 500-1.000 USD.

- Tiền trông giữ xe: 300-500 USD.

- Phí luật sư và pháp lý: 5.000-25.000 USD.

- Nếu người vi phạm đòi hoãn thực hiện lệnh giữ xe và giấy phép lái xe thì phải ra điều trần tại sở giao thông. Phí cho cuộc đối thoại làm việc này là: 150 USD.

Xét xử TNGT ở Mỹ - Bài 2: Án phạt tài xế say rượu ảnh 3

Một áp phích truyền thông về lái xe an toàn ở Mỹ thập niên 40 thế kỷ trước. Nguồn: Wiki

- Phí nhận lại giấy phép lái xe: 120 USD.

- Tiền hợp đồng bảo hiểm mới (hợp đồng bảo hiểm xe trước đó bị hủy do chủ sở hữu xe vi phạm luật): tăng gấp đôi hoặc nhiều hơn.

- Học phí lớp nhận thức luật: 300-500 USD.

- Tiền lắp thiết bị kiểm tra độ cồn khi khởi động xe (bắt buộc sau khi vi phạm, nếu người điều khiển có cồn quá quy định thì xe không nổ máy): 730-2.800 USD.

- Tiền phạt do gây tai nạn: Ngoài đền bù cho người bị hại theo kết quả giám định, người vi phạm phải nộp phạt 10.000 USD. Nếu gây tử vong thì người vi phạm đối mặt với cáo buộc hình sự, bị giam và phải trả một loạt các loại phí khác.

ĐẶNG NGỌC HÙNG dịch (Theo bostondrunkdrivingaccidentlawyer.com, about.com)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm