“Xóm không nhà”

Sự hiếu kỳ đã thôi thúc chúng tôi đến khu ổ chuột ven biển Bạc Liêu, phía bờ đông cửa biển Nhà Mát (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) vào một chiều giữa tháng 4-2011. Trước đó có thông tin nơi đây có những con người sống trong tổ, như chim.

Những người sống không cần… nhà cửa

Với khu ổ chuột ở bờ đông cửa biển Nhà Mát, đã có nghi vấn về một sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nhưng không, đó là một nghi vấn sai lệch.

Thật ra không có một sự phiền muộn nào tại khu ổ chuột này về mặt chính quyền. Ông Ba Giàu, một cư dân nơi đây cười tươi, nói sang sảng: “Nỗi buồn duy nhất của chúng tôi là khi biển động, không được ra khơi. Như hôm nay nè. Chỉ vậy thôi”. Ông là Võ Văn Giàu, người Sóc Trăng. Từ năm 1995 trở về trước, ông là một nông dân khá giả có tiếng ở vùng quê nghèo xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng. Khi đó, ông có cả máy cày đi cày ruộng thuê, có nhà to, ruộng rộng. Trong một lần ngẫu hứng bỏ lúa nuôi tôm, ông đã thua lỗ và mất sạch tất cả, trừ chiếc ghe ngày trước ông dùng để chở gạo lúa.

Ông ra biển với ý nghĩ tìm kế sinh nhai cho gia đình. Ông nhớ lại: “Chúng tôi rời khỏi Vĩnh Lợi mà lòng tan nát. Vợ tôi ngồi mũi ghe khóc ròng, tôi cũng nghe nghẹn ở cổ. Chúng tôi cùng tưởng tượng ra một cuộc sống đầy nhọc nhằn, gian khổ trước mắt”. Nhưng thực tế khác hẳn. Ông triết lý: “Chỉ vài tháng làm ngư dân, tôi nghiệm ra rằng ngư dân có cái sướng của riêng họ. Họ thoải mái với cuộc sống tự do, ít gặp điều phiền muộn”.

“Xóm không nhà” ảnh 1

Nơi trú ngụ của cả gia đình năm người của Ba Nha ba năm qua. Ảnh: TRẦN VŨ

Chị Hai Ảnh ở chòi cạnh bên cũng góp lời vào câu chuyện: “Tui cũng thấy vậy, làm ngư dân sướng hơn nông dân nhiều”. Ông Ba Giàu hào hứng: “Vợ chồng Hai Ảnh này cũng vậy. Trước làm nghề nông, sau khi ra đây thử làm ngư dân vài tháng, mê luôn. Bây giờ kêu trở về làm ruộng dễ gì về”. Chị Hai Ảnh nói tiếp: “Trước tôi cũng có cái nhà đàng hoàng ở trong ruộng. Xuống đây, gắn bó luôn, không về nhà nữa. Cái nhà đã rệu rã từ ba năm trước, bây giờ chỉ có cái chòi này”.

Lần ra trong xóm ổ chuột này, hiện có gần một chục gia đình không còn nhà cửa ở quê. Nơi trú ngụ chỉ là chiếc tàu cá và cái chòi như ổ chuột. Cá biệt, trong số đó có những gia đình mấy mươi năm qua không có nhà, như gia đình của Ba Nha, Tư Phước.

Tư Phước còn có nhà, dù đã từ 15 năm trước, còn Ba Nha thì cả cuộc đời chưa bao giờ có được cái nhà. Họ sống trên ghe biển, lưu lạc khắp nơi, chạy theo luồng cá. Nhưng họ không phải là những người nghèo. Tư Phước có hai ghe đánh cá trị giá gần 200 triệu đồng. Ba Nha cũng vậy, nếu bán ghe thì cũng có bạc trăm triệu trong tay. “Tôi đi nhiều cửa biển, gặp nhiều người gần như không thiết tha với nhà cửa. Hình như họ chọn biển là nhà. Cũng không có gì khó hiểu, cuộc sống vốn muôn màu” - ông Ba Giàu trầm giọng nói.

Gia đình Robinson

Câu chuyện đang xôn xao thì ngoài cửa chòi ông Ba Giàu, một người đàn ông vóc dáng dị hợm xuất hiện. Đó là Ba Nha. Nếu nói về sự dạn dày phiêu bạt trên biển thì không ai qua được Ba Nha. Anh ta có đời sống như Robinson Crusoe - nhân vật chính trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh Daniel Defoe. Diện mạo anh cũng thật giống nhân vật huyền thoại Robinson, bộ râu mọc phủ gần đầy mặt. Đặc biệt là mái tóc, cứ nhìn vào là đoán được nó bị gió biển oanh tạc ít nhất vài chục năm qua.

“Xóm không nhà” ảnh 2

Khu ổ chuột phía bờ đông cửa biển Nhà Mát nhìn từ cầu Nhà Mát. Ảnh: TRẦN VŨ

Ba Nha khom người chui vào chòi, sà vào ngồi uống trà với mọi người, vẻ tự nhiên như ở nhà mình. Anh kể: “Hôm qua thấy biển động quá, nhắm chừng không có cá nhưng bà xã cứ đốc tui đi, làm lỗ 400.000 đồng tiền dầu”. Tiếng chị Hai Ảnh lại vang lên từ sau tấm vách lá: “Anh còn đỡ, ông Ảnh hôm qua lỗ gần 600.000 đồng”.

Cuộc đời của Ba Nha (Nguyễn Văn Nha, 48 tuổi) gắn liền với biển cả. Từ 16 tuổi anh đã lên ghe theo nghề biển. Năm 26 tuổi, gia đình buộc anh phải về cưới vợ. Tại quê nhà (ấp An Thủy, xã An Quy, huyện Thạnh Phú, Bến Tre), anh được gia đình cho 1 ha đất trồng lúa, được ở cùng với cha mẹ. Với cơ ngơi này, cùng sự bảo bọc của cha mẹ, cuộc sống vợ chồng Ba Nha chắc chắn không lo cái ăn, cái mặc, chỉ lo việc làm giàu.

Sau ba năm làm nông dân, anh bàn với vợ bỏ ruộng, sắm tàu cá ra biển sống. “Khi đó, vợ tôi nói ông đâu tui đó. Bả được cái đó, chết sống gì cũng theo chồng” - Ba Nha cười khì khì hãnh diện.

“Xóm không nhà” ảnh 3

Ba Nha kể chuyện phiêu bạt mấy mươi năm trên biển cho các bạn đang tập tành làm Robinson. Ảnh: TRẦN VŨ

Vợ chồng anh đã không do dự, bán hết đất, sắm tàu cá và bắt đầu phiêu bạt. Anh nhớ lại đoạn đường phiêu bạt của mình: “Tôi đã đi qua gần chục cửa biển. Mỗi cửa biển tôi bám trụ vài năm. Chỉ có cửa Nhà Mát này là lâu nhất, 13 năm rồi. Và có thể cửa này là cửa cuối cùng. Tôi thích cửa này lắm, cán bộ hiền, dân cư tốt bụng”.

Anh đã có 21 năm sống không có nhà cửa. Nơi trú ngụ của anh và cả nhà (năm người) ngần ấy năm là chiếc ghe biển tải trọng 8 tấn anh đang sở hữu và vài chục cái chòi như tổ chim ở ven rừng các cửa biển từ Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Mỗi chốn đi qua, anh có những kỷ niệm nhớ đời. Anh tâm sự, vẻ lạc quan: “Lúc ở Đầu Sỏ, cửa Trần Đề, Sóc Trăng, nghèo đến mức đứa con đầu lòng của tôi phải uống nước cơm không đường. Ở cửa Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu), túng đến mức mỗi lần muốn đi tiêu phải giả bộ đi uống cà phê rồi xin chủ nhà vào phòng vệ sinh. Ở cửa Cái Đôi Vàm, Cà Mau thì bị mấy ông bảo vệ nguồn lợi thủy sản rượt muốn chết. Còn ở cửa Hố Gùi (huyện Đầm Dơi, Cà Mau), sáu tháng mới được hớt tóc một lần…”. Nhưng anh chưa bao giờ thấy đó là nỗi khổ, sự bất hạnh. Anh luôn thấy mình sướng hơn nhiều người nông dân quê anh. Anh bảo: “Tết rồi về thăm quê, thấy mấy đứa bạn làm nông dân tội nghiệp quá! Tụi nó kiếm tiền khó khăn lắm nên ăn xài rất hà tiện. Còn tôi, kiếm tiền dễ ợt, có ngày vô mánh trúng năm, bảy triệu”. Rồi Ba Nha điềm đạm nói tiếp: “Có vài lần chính quyền địa phương ở xã tôi kêu tôi làm cái đơn xin nhà đại đoàn kết. Nhưng bận rộn tối ngày, nào là vá lưới, sửa máy, đánh cá… nên tôi chưa làm đơn. Tất nhiên là tôi cũng rất mong có cái nhà cho đàng hoàng”.

Thế nhưng mơ ước lớn nhất của Ba Nha không phải là cái nhà, anh nói: “Mong ước lớn nhất của tôi là có sức khỏe tốt hoài để mỗi ngày được cùng vợ và các con lênh đênh trên biển đánh cá. Gặp đúng luồng cá đánh suốt ngày không biết mệt. Ham lắm!”.

Ba đứa con trai anh đang tập tành công việc của cha mình. Chúng nó có điểm giống anh là không thích trời yên biển lặng. “Phải có tí gió, tí sóng mới dễ chịu!” - Ba Nha sảng khoái nói.

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm