Xuân về nơi làng tha hương

Trên quốc lộ 1A, đoạn ngang qua xã Phổ Cường, những ngày này bắt đầu có những người chờ đón người thân. Họ chờ đợi cho đến khi có chiếc xe khách nào đó dừng lại, người trên xe bước xuống, với nét cười rạng rỡ trên khuôn mặt còn vương vất bụi đường, họ lại nhào đến, ôm chầm lấy người thân. Vài phút sau, tay xách nách mang, họ đi về những đường thôn và khuất dần nơi cuối xóm. Những người còn lại trên đường tiếp tục hướng những đôi mắt mong ngóng, chờ đón những chuyến xe đò…

Rộn ràng đón tết

Những ngôi nhà thường ngày vợ chồng đóng cửa tha hương, con cái gửi bà nội, bà ngoại giờ được quét dọn, bàn thờ gia tiên những ngày này lại bắt đầu sáng đèn. Nhiều người mẹ, người vợ chở con ra chợ Đức Phổ hoặc ghé chợ Mỹ Trang, chợ Đàn, chợ Cung ở thôn Thủy Thạch để mua sắm. Những quán cà phê dọc ven đường thường ngày vắng hoe giờ cũng đã đông hơn. Chiều chiều tầm 17 giờ, quán Cây Xanh, quán Ông Chất lại ồn ào. Bia lon, bia chai cứ gọi hết thùng này đến két nọ. Có người nói: “Việt kiều hủ tiếu mà, phải tiêu xài cho thoải mái chứ!”. Nhưng cũng có người cảm thông: “Quanh năm suốt tháng bươn chải nơi xứ người, tết về cũng phải xả hơi, vui vẻ chút đỉnh gọi là”.

Ông Trần Đàn, Trưởng Công an thôn Nga Mân (xã Phổ Cường), cảm tác: “Mình thấy vui khi bà con đi làm ăn xa khấm khá nhưng cũng thương cho cái làng quê nghèo khó của mình…”.

Xuân về nơi làng tha hương ảnh 1

Chị Lê Thị Lời, một mình bán vé số nuôi sáu người con ăn học thành tài. Ảnh: VÕ QUÝ

Trước năm 1975, Phổ Cường là vùng đất hứng chịu nhiều đạn bom. Người Phổ Cường dốc sức dốc lòng cho kháng chiến và xã Phổ Cường đã vinh dự được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang tháng 12-1972. Nhưng sau chiến tranh ngoảnh lại nhà cửa tan hoang, đồng khô thiếu nước. Cây lúa chỉ cấy sạ được một vụ ăn nước trời nên cũng ốm tong teo. Người quê thở dài nhìn nhau rồi lầm lũi tìm đường mưu sinh.

Ông Trần Đàn và nhiều người trong xã chẳng thể biết được ai là người trong xã “nổ súng”… tha hương đầu tiên, vào tận TP.HCM làm dân “bá nghệ”. Dù rằng theo vệt tha hương đó hiện giờ có hàng ngàn người vô Nam hoặc ra Đà Nẵng bán hủ tiếu, bán bánh tiêu, vé số…

Bà mẹ xứ Quảng

Anh Trần Văn Chương ở thôn Nga Mân, có vợ là chị Lê Thị Lời, bộc bạch: “Tôi với bả như vợ chồng Ngưu Lang - Chức Nữ, không khóc nhiều trong tiết mưa ngâu nhưng một năm duy nhứt gặp nhau dịp tết mà thôi”.

Hơn 20 năm trước, vợ chồng chị Lời làm ăn tần tảo cũng sắm được đàn bò bốn con, chiếc máy cày cầm tay và một quán nhỏ bán hàng tạp hóa. Rồi anh bị gai cột sống không làm nổi cùng lúc chị bị bệnh thận phải vào TP.HCM khám bệnh. Bác sĩ bảo cứ ba tháng phải tái khám một lần. Chạy chữa thuốc men tốn kém nên chị bàn bạc với chồng để mình ở lại TP bán vé số dạo. Rồi con trai đầu đậu vào hệ CĐ của Trường ĐH Công nghiệp, con trai thứ thi đậu ĐH Nông Lâm TP.HCM. Lúc này tiền của chắt bóp từ trước bắt đầu đội nón ra đi. Tất cả gà qué, bò, bê, máy cày, sạp hàng tạp hóa… anh chị đành phải sang lại cho người khác.

Cũng từ đó, nắng mưa dãi dầu, người mẹ này quanh năm ở nhà trọ, sớm sớm lại cầm xấp vé số đi bán dạo từ quận này đến phố nọ. Nhiều hôm giữa phố phường người xe tấp nập, đầu óc chị cứ rối bời. Bao nhiêu là khoản tiền cùng lúc ập đến, từ tiền học của con đến tiền trường, tiền nhà trọ rồi tiền gửi về quê thuốc thang cho chồng. Thôi thì đành liều, chị tạt qua đại lý bán vé số năn nỉ mượn tiền để gỡ từng nút thắt. Chủ đại lý vé số lắc đầu nhưng rồi hiểu được hoàn cảnh của chị nên cũng cảm thông cho ứng trước. Ngày này qua tháng nọ, năm này nối năm kia, cứ thế khó khăn vơi dần. Chị nói: “Trời còn thương nên mình không gục ngã, chứ nếu có bề nào mấy cha con hắn chẳng biết ra sao…”.

Xuân về nơi làng tha hương ảnh 2

Chủ cửa hàng tạp hóa Võ Dương, người từng nhiều năm tham gia “nghiệp đoàn hủ tiếu gõ” tại TP.HCM. Ảnh: VÕ QUÝ

Nhờ những tấm vé số bán dạo mà chị Lời nuôi sáu đứa con ăn học và đảm được cả thuốc men cho chồng. Lớn lên trong cuộc sống nhọc nhằn nên những người con của chị biết thương mẹ thương cha, đứa này học xong ra trường đi làm có tiền lại quay sang phụ mẹ cha nuôi đứa em kế tiếp. Cứ thế lần lượt năm đứa tốt nghiệp ĐH, CĐ và có việc làm ổn định, chỉ còn mỗi đứa út đang học lớp 12.

Một bà mẹ từ quê vào Sài Gòn bán vé số nuôi được chừng ấy đứa con ăn học thành tài! Đó quả là câu chuyện đáng để kể nhau nghe vào dịp xuân này. Mà ở Phổ Cường phải đâu có mỗi chị Lời! Hàng trăm bà mẹ, ông cha ở xứ Quảng này đều có chung một niềm hạnh phúc: Tuy buôn gánh bán bưng ở đất khách quê người nhưng con cái họ đều được ăn học nên người.

“Nghiệp đoàn hủ tiếu gõ”

Đi dọc thôn Nga Mân trong những ngày giáp tết, nhiều người nói vui: Đa phần những ngôi nhà mới xây vài tấm là nhà của bà con tha hương đó. Ông Trần Cẩm, chủ nhân của ngôi nhà mới xây ở thôn Nga Mân, tự hào: “Thằng con trai bán hủ tiếu gõ ở Sài Gòn cùng đứa em nó đi xuất khẩu lao động gửi về xây đó!”.

Anh Võ Dương là một trong những người đầu tiên lập nên “nghiệp đoàn hủ tiếu gõ” tại TP.HCM từ những năm 1980 của thế kỷ trước. Bây giờ, anh có cửa tiệm tạp hóa khá bề thế ở thôn Nga Mân bên hông Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Ba chết khi anh còn nhỏ, đang học lớp 12 anh xin mẹ vô Sài Gòn làm ăn để thoát nghèo. Bị mẹ ngăn cản nhưng anh vẫn trốn đi khi trong tay chỉ có một địa chỉ của người cùng quê tên Lam đang bán hủ tiếu ở phường 14, quận 10. Đến nơi, anh bắt đầu lập nghiệp bằng tiếng gõ lốc cốc leng keng thay cho lời rao mỗi đêm len lỏi trong từng hẻm phố. Ba năm tiện tặn, anh đủ tiền mua lại một xe bán hủ tiếu và ra riêng.

Đời mưu sinh tiếp tục xô về nhiều hướng, anh chẳng nhớ bao nhiêu đôi dép đã mòn khi đẩy xe hủ tiếu lầm lũi sang tận Bình Dương, Bình Phước, có lúc xuống cả miền Tây. Rồi anh kết duyên cùng chị Trần Thị Gái, người đồng hương và cũng là đồng nghiệp. “Hồi đó con còn nhỏ nên dừng xe bán ở đâu là trải tấm nylon để con nằm đó. Có lúc khách đông vội bán quên cả con, chừng ngơi tay mới giật mình, may quá thằng nhỏ vẫn đang say ngủ” - anh Dương kể.

Kiếm được đồng tiền nhọc nhằn nên anh chị chẳng dám tiêu pha. Một ly trà đá giá 200 đồng hồi đó anh Dương cũng không dám uống. Ngày tết, người ta quày quả trở về nhưng anh chị thì cắn răng ở lại vì “tết ít người bán, mình ở lại bán được hơn”.

Anh nhớ, chiều 30 tết, Sài Gòn trở nên thưa thớt. Quanh những dãy phố, nhà nhà lo bày mâm cúng rước ông bà. Nhìn cảnh này, chị Gái - vợ anh nhớ quê đến chảy nước mắt. Đêm giao thừa cũng qua, sáng mùng một anh chị lại bắt đầu một năm mới bằng tiếng gõ lốc cốc theo sau xe hủ tiếu.

Năm 1999, khi ông nội anh mất, là cháu đích tôn nên anh phải trở về. Gói ghém được năm lượng vàng, anh chị về mở quán bán tạp hóa và mua sắm bộ khung giàn, phông màn để đi dựng rạp đám cưới thuê. Bây giờ, anh chị có một cơ ngơi khá bài bản. Đó là ngôi nhà hai tầng, mặt tiền bán hàng tạp hóa và mới đây mua thêm miếng đất làm nhà nghỉ trên khu đất chếch về phía bắc Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. “Không có những năm tha hương thì đâu được như bây giờ. TP.HCM không phải là đất hứa nhưng là vùng đất tạo điều kiện cho những người không nản chí” - anh Dương nói.

Mai này hết cảnh tha hương…

Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường Bùi Văn Chuyên cho biết: Trong tổng số 7.919 người trong độ tuổi lao động có đến 2.819 người xa quê, chủ yếu vào TP.HCM làm nghề bán hủ tiếu, vé số hoặc làm nghề may gia công. Nhiều người trong số họ làm ăn cần kiệm, tích cóp được tiền của về xây nhà, đầu tư vào sản xuất, nhiều người có điều kiện nuôi con ăn học thành tài. Tuy vậy, ông Chuyên hy vọng những năm tới thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, KCN Phổ Phong cùng các KCN trong tỉnh phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động thì Phổ Cường sẽ không còn những cảnh tha hương nữa.

VÕ QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm