DN than phiền thủ tục hải quan tùy tiện

Ngoài việc phải chịu gánh nặng vì thủ tục quá rườm rà, phức tạp với vô vàn yêu cầu kiểm tra từ các cơ quan chuyên ngành, doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu còn chịu sức ép trước kiểu làm việc tùy tiện, mỗi nơi một kiểu của không ít cán bộ, công chức. Nhiều nỗi khổ của DN đã được nêu lên tại hội thảo lấy ý kiến ba thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan, trong đó có thông tư về phân loại hàng hóa. Hội thảo do dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID/GIG) phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 22-10.

Tiền lưu kho nhiều hơn tiền thuế

Góp ý cho Điều 9 của dự thảo Thông tư phân loại hàng hóa có quy định phân loại máy liên hợp hoặc tổ hợp, đại diện Công ty Tiếp vận Thăng Long cho rằng trước đây, do bộ chuyên ngành thực hiện thì không sao nhưng nay giao cho Chi cục Hải quan các tỉnh thực hiện thì DN lại gặp nhiều khó khăn.

“Có rất nhiều chi cục hải quan nhưng mỗi chi cục lại giải quyết khác nhau với những yêu cầu khác nhau. Mỗi lần DN muốn phân loại máy móc phải tốn rất nhiều thời gian khiến hàng hóa lưu kho kéo dài. Nhiều trường hợp tiền nộp thuế còn không bằng tiền lưu kho. Nếu thực hiện như vậy thì thà tập trung vào bộ chuyên ngành, DN chịu khó đi một nơi còn hơn” - đại diện Công ty Tiếp vận Thăng Long nhấn mạnh.

Ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, cho rằng giao việc phân loại máy móc về các chi cục hải quan thực hiện là nhằm giảm bớt gánh nặng cho DN không phải đi xin thủ tục ở bộ chuyên ngành phức tạp. “Tuy nhiên, lâu nay do không quy định thời hạn kiểm tra nên cơ quan hải quan nhiều nơi không trả lời hoặc chậm trả lời làm ảnh hưởng đến DN. Lần này trong thông tư quy định rõ trong vòng năm ngày cơ quan hải quan phải cấp phiếu phân loại máy móc cho DN” - ông Tưởng giải đáp.

Doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại TP.HCM. Ảnh: Hữu Luận

Nên để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm

Đại diện Công ty Tiếp vận Thăng Long cũng cho rằng quy định về phân loại máy móc, thiết bị nguyên chiếc ở dạng tháo rời cũng rất vướng. “Một thiết bị có khi tháo rời đóng nhiều kiện để nhập về nhưng lại phải khai nhiều tờ khai khác nhau và bị thu thuế cho từng linh kiện. Đến cả con bù long cũng tính thuế riêng thì tận thu quá!” - DN này than và đề nghị thông tư lần này nên hướng dẫn rõ ràng, tránh gây khó cho DN.

Theo Công ty Deloitte, Điều 10 quy định về phân loại máy móc, thiết bị nguyên chiếc ở dạng tháo rời yêu cầu DN phải đăng ký với cơ quan hải quan danh mục các chi tiết, linh kiện rời của máy móc kèm theo phiếu theo dõi trừ lùi là thêm thủ tục. “Nếu thêm thủ tục này sẽ kéo dài thời gian thông quan cho DN. Trong khi DN cần nhập máy móc về để sản xuất. Tồn kho một ngày sẽ kéo luôn cả dây chuyền sản xuất của DN phải chờ theo” - đại diện Công ty Deloitte lo ngại.

Ông Tưởng giải thích nếu nhập một máy móc nguyên chiếc nhưng tháo rời nhập thành nhiều chuyến, ở nhiều cửa khẩu khác nhau vẫn chỉ tính thuế theo một thiết bị nhưng DN phải đăng ký danh mục các linh kiện tháo rời để cơ quan hải quan theo dõi. “Việc đăng ký này không phải phát sinh thủ tục mà là đã thực hiện lâu nay. Hơn nữa, nếu DN không đăng ký, cơ quan hải quan sẽ áp thuế theo linh kiện phụ tùng. Như vậy không đúng bản chất nhập hàng hóa nguyên chiếc” - ông Tưởng phân tích.

Nhiều DN đề nghị nếu việc đăng ký chỉ để cho cơ quan hải quan theo dõi để biết các lô hàng nằm trong một máy móc bị tháo rời thì nên để DN tự khai, tự chịu trách nhiệm và dự thảo phải quy định rõ điều này. Theo các DN, hải quan ở nhiều địa phương hiện nay rất sợ trách nhiệm, đẩy hết cái khó cho DN. Tiếp thu ý kiến này, ông Tưởng cho biết sẽ bổ sung vào thông tư việc DN tự khai, tự chịu trách nhiệm.

Tránh giám định nhiều lần

Ông Lê Thanh Tuấn, Công ty Thép Hòa Phát, cũng bày tỏ thắc mắc: “Cùng một mặt hàng thép Bo, công ty chúng tôi nhập về đã được giám định thành phần hóa học rồi nhưng ở mỗi nơi lại có những yêu cầu khác nhau. Hải quan khu vực miền Trung và miền Nam dựa vào kết quả đã giám định rồi để thông quan nhưng hải quan khu vực miền Bắc lại yêu cầu kiểm tra, phân tích thành phần hóa học thêm một lần nữa. Tại sao lại có sự khác biệt này?”.

Trả lời thắc mắc, ông Tưởng cho biết thép Bo là thép có hợp kim, cần phải phân tích thành phần hóa học vì liên quan đến mã số để tính thuế suất. Hiện nay mặt hàng này đều phải qua phân tích tại cơ quan hải quan ở một trong ba nơi: Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM. Tuy nhiên, nếu giám định bên ngoài đã đủ cơ sở rồi thì không yêu cầu giám định nữa, còn ngược lại thì cơ quan hải quan sẽ yêu cầu giám định lại.

Quy định thống nhất để tránh tùy tiện

Những mặt hàng đã được phân tích, giám định, kết luận về mã số thì cơ quan hải quan nên ban hành thành văn bản có giá trị pháp lý để áp dụng cho tất cả lô hàng khác, của tất cả DN khác. Điều này để khắc phục tình trạng một mặt hàng phải phân tích, giám định nhiều lần và một mặt hàng được mỗi đơn vị hải quan xác định một mã số khác nhau. Cần có một quy định yêu cầu các cơ quan hải quan ở các địa phương thực hiện thống nhất các thủ tục để tránh tình trạng mỗi nơi thực hiện một kiểu gây khó cho DN như hiện nay.

Ông PHẠM THANH BÌNH, chuyên gia dự án USAID/GIG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm