DN vẫn phải đăng ký ngành nghề kinh doanh

Thực chất thì doanh nghiệp vẫn phải đăng ký và kinh doanh theo ngành nghề đăng ký.

Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp (DN) được trình Quốc hội sáng 26-5. Trong đó chính thức chọn phương án chỉ ghi ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (giấy phép). Phương án trên nếu không hướng dẫn cụ thể sẽ khiến DN hiểu nhầm.

Phải đăng ký ban đầu

Lâu nay trong hồ sơ đăng ký thành lập DN, DN phải khai báo ngành nghề kinh doanh. Những ngành nghề này được ghi rõ trên giấy phép. Trong quá trình hoạt động, DN muốn bổ sung ngành nghề phải làm thủ tục đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và chờ cơ quan này cấp lại giấy phép mới thì mới chính thức được kinh doanh ngành nghề mới.

Theo khoản 5 Điều 30 dự thảo sửa đổi Luật DN, trên giấy phép sẽ ghi “ngành, nghề kinh doanh, nếu kinh doanh ngành nghề, kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật”, thay vì yêu cầu ghi “ngành nghề kinh doanh” như quy định của Luật DN hiện hành.

Tìm hiểu thông tin đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, dự thảo này vẫn giữ quy định DN phải khai ngành nghề kinh doanh. Khi đăng ký thành lập, DN phải có giấy đề nghị đăng ký DN. Theo Điều 26 dự thảo, giấy này phải khai chín nội dung trong đó có khai “ngành, nghề kinh doanh”. Ngoài ra, trong hồ sơ DN còn phải nộp điều lệ công ty, mà trong điều lệ cũng phải ghi rõ ngành nghề kinh doanh.

Thậm chí để quản lý việc kinh doanh của DN, dự thảo còn yêu cầu DN phải thông báo hằng năm cho Sở Kế hoạch và Đầu tư các thông tin về tình hình hoạt động, trong đó có nội dung ngành nghề đang kinh doanh, số lao động đang sử dụng.

Thông báo khi thay đổi

Một cán bộ quản lý Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết trong quá trình thực hiện Luật DN, nhiều DN than phiền rằng việc mở rộng ngành nghề mà phải qua thủ tục đăng ký sẽ khiến DN mất cơ hội kinh doanh. Tuy quy định thực hiện thủ tục trong vòng năm ngày nhưng thực tế cho thấy có hai nghiệp vụ mất nhiều thời gian nhất. Một là đăng ký thay đổi người đại diện pháp luật của DN, vì thường xảy ra tranh chấp, giả mạo giấy tờ trong DN nên mất thời gian xác minh các thứ giấy tờ. Hai là đăng ký bổ sung ngành nghề, vì danh mục ngành nghề đồ sộ và liên quan đến các điều kiện kinh doanh.

Vị này cho rằng với sửa đổi của dự thảo thì có tác động chính về mặt cải cách thủ tục hành chính. Khi bỏ ghi ngành nghề thì khi DN thay đổi các thông tin này cũng không liên quan gì đến giấy phép nên không cần chờ giấy phép mới để chính thức hoạt động ngành nghề mới. DN muốn thay đổi thông tin chỉ cần gửi thông báo, DN tự khai tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý chỉ xem xét và bổ sung vào hồ sơ của DN. Nếu sau năm ngày thông báo mà DN không bị cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối thì có quyền kinh doanh ngành nghề mới.

Kinh doanh trái ngành nghề thì sao?

Hiện nay trên giấy phép có ghi ngành nghề và các nghị định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thương mại luôn có điều khoản quy định phạt DN kinh doanh không đúng mặt hàng, ngành nghề ghi trên giấy phép. Cụ thể, Nghị định 185/2013 quy định mức phạt 1-5 triệu đồng.

Nếu không ghi ngành nghề trên giấy phép, liệu DN có bị xử phạt? Vị cán bộ quản lý Cục Quản lý đăng ký kinh doanh khẳng định nếu Luật DN sửa đổi được thông qua thì các quy định xử phạt liên quan cũng sẽ được chỉnh sửa, khi đó DN kinh doanh ngành nghề không có trong hồ sơ đăng ký DN sẽ bị xử phạt.

Hiện nay để tìm hiểu thông tin về đối tác, nhất là việc đối tác có được kinh doanh ngành nghề nào đó hay không, DN thường xem giấy chứng nhận đăng ký DN. Hệ thống thông tin về DN trên Cổng thông tin đăng ký DN Quốc gia hiện cung cấp miễn phí các nội dung trên giấy. Các nội dung khác trong hồ sơ đăng ký DN nhưng không có trên giấy thì phải trả phí mới được cung cấp. Nếu bỏ ghi ngành nghề trên giấy, DN có thể phải trả phí để mua thông tin này.

QUỲNH NHƯ

 

Những nội dung thay đổi khác

Trên giấy phép mới DN sẽ chỉ ghi năm nội dung là: Tên DN và mã số, địa chỉ trụ sở chính, thông tin của một số cá nhân, vốn điều lệ, ngành nghề có điều kiện. Bỏ ghi chi nhánh, văn phòng đại diện, địa chỉ chi nhánh, văn phòng đại diện, ngành nghề kinh doanh. Hồ sơ thành lập DN phải khai thêm hai nội dung mới là “nội dung về thuế” và “số lượng lao động dự kiến”.

334 ngành nghề có điều kiện

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã thống kê được 334 ngành nghề có điều kiện, trong đó điều kiện thường gặp nhất là điều kiện đảm bảo PCCC, có đến 40 ngành nghề đòi hỏi điều kiện này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm