Mạnh dạn đối đầu kiện bán phá giá

“Doanh nghiệp cần bình tĩnh tìm sự tư vấn của các chuyên gia để được hỗ trợ”. Đó là lời khuyến cáo của luật sư William H. Barringer tại buổi tọa đàm “Hoa Kỳ thắt chặt pháp luật về chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với nền kinh tế thị trường - ảnh hưởng tới doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào sáng 29-9.

Mạnh dạn đối đầu kiện bán phá giá ảnh 1

Bị kiện nhiều chứng tỏ Việt Nam có ngành công nghiệp thành công tại Mỹ. Trong ảnh: Sản xuất cá ba sa xuất khẩu. Ảnh: CTV

Sẽ có nhiều vụ kiện chống bán phá giá

Luật sư William cho biết tháng 8 vừa qua, bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đưa ra 14 đề xuất thay đổi luật pháp và thủ tục hành chính nhằm tăng cường việc thi hành pháp luật về chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ.

Điển hình như việc mở rộng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên để lựa chọn các doanh nghiệp bị đơn bắt buộc trong các cuộc điều tra chống bán phá giá cũng như các cuộc rà soát thay vì lựa chọn những nhà xuất khẩu lớn nhất. Hay như xem xét lại việc áp thuế xuất khẩu và thuế giá trị gia tăng trong phương pháp tính thuế chống phá bán phá giá trong các vụ việc liên quan đến nền kinh tế phi thị trường. Thông lệ cho phép các doanh nghiệp bị đơn bắt buộc có thể thoát khỏi việc áp thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp dựa trên khả năng chứng minh biên độ phá giá của doanh nghiệp. Theo đó, trong ba năm liền biên độ phá giá bằng không hoặc tỉ lệ trợ cấp trong năm năm liền bằng không cũng bị bãi bỏ. Thời hạn cho việc đệ trình thông tin thực tế mới liên quan đến vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp cũng bị thắt chặt hơn…

Theo ông William, các chính sách thắt chặt này của Mỹ là nhằm vào Trung Quốc nhưng Việt Nam cũng bị vạ lây. Đến nay, Việt Nam mới bị kiện một số mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu. Túi nhựa cũng là mặt hàng rẻ tiền nhưng với nhà sản xuất Hoa Kỳ thì Việt Nam là mối đe dọa tiềm tàng trong tương lai vì một số nhà đầu tư Trung Quốc đã chuyển hướng đặt nhà máy tại Việt Nam.

“Sau những vụ kiện chống lại Trung Quốc thì hàng Trung Quốc có xu hướng chuyển sang sản xuất ở Việt Nam làm lượng xuất khẩu của Việt Nam đối với những mặt hàng đó tăng vọt lên. Một nguyên đơn có thể kiện cùng lúc nhiều nước để tránh hiện tượng một quốc gia xé lẻ sản xuất ở nhiều nơi khi mặt hàng đó có dấu hiệu giống nhau. Đồng thời, vấn đề về tỉ giá hối đoái đang là việc đáng lo ngại khiến Mỹ đưa ra gói tăng cường phòng vệ thương mại này” - ông William nói.

Không nên bỏ vụ kiện giữa chừng

“Những quy định này sẽ làm cho các vụ kiện hiện nay hoặc các doanh nghiệp đang chịu áp các loại thuế chống bán phá giá gặp khó khăn nhiều hơn, chịu mức thuế suất cao hơn. Đồng thời có khả năng dẫn đến nhiều vụ kiện hơn cho các nước có nền kinh tế phi thị trường” - ông William nhận định. Ông cũng lưu ý rằng các vụ kiện chỉ diễn ra khi các doanh nghiệp thực sự thành công tại thị trường Mỹ nên có nhiều vụ kiện nhưng không hẳn là xấu mà còn chứng tỏ Việt Nam có ngành công nghiệp thành công tại Mỹ.

Ông William cho rằng các doanh nghiệp không nên bỏ các vụ kiện giữa chừng như trường hợp vụ kiện túi nhựa gần đây. Hai bị đơn bắt buộc đều quyết định không tham gia vụ kiện giữa chừng làm cho mức thuế suất dựa trên các dữ kiện bất lợi nên rất cao. Ở Việt Nam hiện có rất nhiều chuyên gia hiểu biết về chuyện này. Điển hình như hội đồng các vụ kiện thương mại quốc tế của VCCI, họ hoàn toàn có thể tư vấn, giải thích cho các doanh nghiệp khi xảy ra các vụ kiện. Vì vậy, các doanh nghiệp đừng hoảng sợ mà hãy bình tĩnh gặp các chuyên gia của Việt Nam để họ tư vấn nên tiến hành như thế nào cho có lợi nhất.

Tiêu điểm

Không thể dùng ngoại giao trong chống bán phá giá

Vấn đề chống bán phá giá và chống trợ cấp nói chung là không thể giải quyết bằng “viên đạn bọc bạc” (con đường chính trị, ngoại giao). Chúng ta có thể tham gia các vụ kiện này thay vì chúng ta nói với Bộ Công thương đề nghị chính phủ của mình đàm phán với chính phủ Mỹ bằng con đường ngoại giao, chính trị để giải quyết các vụ kiện. Bởi vì các vụ kiện này được tiến hành theo một quy định rất rõ ràng của Hoa Kỳ cũng như của WTO. Tất cả các nước cho dù là Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, EU đều phải trải qua một quá trình giống nhau và không có chuyện dùng chính trị hay ngoại giao để giải quyết việc này.

Luật sư William H. Barringer

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm