Nếu chúng ta biết sợ

Có thể khẳng định rằng từ những năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển khá ấn tượng. Tuy vậy, nếu so với những nước xung quanh, rõ ràng là nền kinh tế nước ta còn quá nhỏ bé, thể hiện ở tổng sản phẩm trong nước GDP bình quân đầu người còn quá thấp.

Từ thực tiễn hiện nay, có thể thấy ít ra là 8 nhân tố đang gây ra tình trạng không bền vững, đang hạ thấp, thậm chí phá hoại chất lượng và sự bền vững của phát triển:

1. Thiếu quan tâm xã hội

Đó là trách nhiệm xã hội của người dân, của doanh nghiệp, cũng như của các cơ quan Nhà nước chưa được thể hiện đầy đủ trong việc thực hiện các biện pháp tăng trưởng kinh tế, như: sự thiếu thân thiện với môi trường, ô nhiễm môi trường; thiếu quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động v.v...

Một vấn đề nổi cộm đáng quan tâm nhất hiện nay là những vấn đề xã hội liên quan đến nông thôn và nông dân - nơi đang sinh sống 60 triệu dân trong tổng số 86 triệu dân cả nước và chiếm 75% tổng số lao động cả nước. Đó là tình trạng phát triển chậm của nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa; là tình trạng thiếu việc làm của nông dân, là tình trạng văn hóa- giáo dục thấp kém...

2. Xem nhẹ con người

Chúng ta đã có nhiều văn bản nói về chiến lược con người, nhưng thực tế có nhiều yếu tố để phát triển con người chưa được thật sự chú trọng. Giáo dục-đào tạo lạc hậu cả về nội dung chương trình và phương pháp đào tạo. Trình độ khoa học-công nghệ thấp kém... đã không đủ bảo đảm những kiến thức cần thiết cho con người Việt Nam bước vào thế kỷ 21. Việc bảo vệ và nâng cao thể chất con người, từ việc rèn luyện thân thể đến việc nâng cao chất lượng bữa ăn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... cũng có nhiều bất cập.

3. Lão hóa dân số

Dân số nước ta đang được coi là một dân số trẻ, có đến 71% số người dưới 40 tuổi, số dưới 30 tuổi chiếm 60%. Thế nhưng, cũng cần quan tâm đến tình hình lão hóa dân số, một hiện tượng toàn cầu bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 20 và sẽ tiếp tục trong thế kỷ 21 với mức độ ngày càng gia tăng.

Tình trạng lão hóa dân số đã làm đảo lộn cấu trúc xã hội, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi phương diện của cuộc sống con người, từ tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm, đầu tư tiêu dùng, lao động... Chính vì vậy, cần có giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi, và kịp thời chuyển giao thế hệ.

4. Lãng phí tài nguyên

Sử dụng tài nguyên thiên nhiên không hợp lý và có hiệu quả, thậm chí bị hủy hoại đang là một vấn nạn cho những nước đang phát triển, nước ta cũng đang ở tình trạng sử dụng lãng phí tài nguyên nhất là đất, nước, khoáng sản và rừng.

5. Biến chuyển khí hậu

Khí hậu biến chuyển có phần do nguyên nhân khách quan, nhưng chủ yếu là do con người. Ở nước ta, thiên tai, lũ lụt, đất sụt lở... cũng có nguyên nhân do nạn chặt phá rừng...

Chính phủ đã có chương trình Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc nghiên cứu cụ thể thêm để dự báo đầy đủ hơn về biến đổi khí hậu và nhất là thực hiện những biện pháp có hiệu lực để thích nghi và thích ứng của cây trồng và vật nuôi, kết hợp với phòng chống và cải tạo tự nhiên cần được coi trọng.

6.Kết cấu hạ tầng yếu kém

Tình trạng kết cấu hạ tầng lạc hậu đang kìm hãm sự phát triển đã thể hiện rõ. Giao thông đường bộ quá ít, chất lượng kém; giao thông đường sắt cũ kỹ; vận tải hàng không và vận tải biển còn non yếu; mạng thông tin yếu kém... Đáng quan tâm nhất là điện và giao thông vận tải không đi trước kinh tế đã gây ra tình trạng “đô thị ách tắc, nông thôn cô lập”.

7. Bất cập trí tuệ

Công cuộc phát triển đất nước không những đòi hỏi ý chí và quyết tâm, mà quan trọng hơn nữa là trí tuệ, kiến thức cần thiết.

Công cuộc phát triển đất nước không những đòi hỏi ý chí và quyết tâm, mà quan trọng hơn nữa là trí tuệ, kiến thức cần thiết. phát triển rất mạnh mẽ của thực tiễn đất nước đang chuyển biến nhanh chóng. Nhiều vấn đề quan trọng về quan điểm phát triển của đất nước chưa sáng tỏ, song không được tổ chức nghiên cứu, đối thoại nghiêm túc, cởi mở để bảo đảm sự đồng thuận trong nhận thức và hành động.

8. Sa đọa phẩm chất

Sự sa đọa về phẩm chất đạo đức, tệ quan liêu, tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, công chức đang là nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng phát triển của đất nước.

Theo VŨ QUỐC TUẤN  ( Người Đô Thị)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm