Ngân hàng đua nhau giảm lãi suất

Đến nay, BIDV đang tạm dẫn đầu trong cuộc đua hạ lãi suất cho vay khi trong 4 tháng cuối năm, nhà băng này 5 lần giảm lãi suất. Mức thấp nhất tại đây đang là 14,5% một năm, áp dụng cho khắc phục hậu quả bão lũ. Cho vay xuất khẩu là 15%, còn nông nghiệp nông thôn 15,5%.

Sau BIDV, hai ông lớn khác là Vietcombank, Vietinbank cũng dè dặt bước vào cuộc đua giảm lãi suất. Hiện lãi suất cao nhất tại Vietcombank đối với sản xuất kinh doanh là 16 - 17% một năm. Nhà băng này cũng mạnh tay tuyên bố lãi suất cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản khi áp dụng mức 20% một năm đối với các lĩnh vực này. Trước đó, tại các ngân hàng, các khoản tín dụng chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng có lãi suất phổ biến trên 20%.

Ngân hàng đua nhau giảm lãi suất ảnh 1
Lãi suất cho vay niêm yết đang thấp nhất là 14,5% một năm. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Không lâu sau Vietcombank, đến lượt Vietinbank hạ lãi cho vay. Hiện mức thấp nhất tại đây là 15,5% một năm, giảm so với 16 - 17% trước kia. Những con số này, so với mặt bằng lãi suất của tháng 9/2011, khi Ngân hàng Nhà nước họp cùng 12 ngân hàng thương mại lớn, đã giảm khoảng trên dưới 2%. Nhiều nhà băng không nằm trong top “ông lớn” cũng đang niêm yết lãi suất thấp hơn so với thời gian trước. Cán bộ một phòng giao dịch ACB tại Hà Nội cho biết, đơn vị này đang triển khai chương trình cho vay mua nhà, với mức lãi suất thấp hơn thông thường 0,5%. Trước đó, ngân hàng quốc tế (VIB) cũng thông báo hạ lãi suất cho vay 1% đối với các hộ sản xuất, kinh doanh. Không tiết lộ cụ thời gian và mức độ, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB thông tin, lãi suất của nhà băng này sẽ giảm theo thị trường. Hiện nay, chương trình 100 triệu USD cho doanh nghiệp xuất khẩu do ACB áp dụng cũng có lãi suất hợp lý, thấp hơn thông thường 0,5% một năm, ông cho biết. Giảm lãi suất đang được các ngân hàng thận trọng áp dụng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, để vay vốn với mức lãi suất thấp như niêm yết, doanh nghiệp và người đi vay cũng không dễ dàng. Giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, nhiều khi, niêm yết là 16% một năm, nhưng thực tế là cao hơn. Theo ông, mức lãi suất công bố tối đa, tối thiểu của các ngân hàng chỉ là con số tương đối, có tính linh hoạt. Do đó, với mỗi kiểu khách hàng, con số thực tế lại khác nhau. Chuyên gia này nhận định, có một số yếu tố tác động đến lãi suất cho vay gồm đối tượng khách hàng, nguồn vốn, khả năng trả nợ của khách, tài sản đảm bảo... Cùng một khách hàng, hồ sơ, có thể ngân hàng này đồng ý giải ngân, song chỗ khác lại từ chối, ông nói. Mặt khác, đến nay, các ngân hàng chưa được cấp “room” tín dụng mới cho năm 2012, nên ngay cả khi lãi suất giảm, việc đưa lãi thực vay xuống thấp hơn vẫn có thể chỉ trên lý thuyết. Ông cũng đánh giá, để được hưởng lãi suất cho vay chỉ tương đương huy động một số ngân hàng đang áp dụng, chắc chắn người đi vay phải chấp nhận các điều kiện rất ngặt nghèo. Chuyên gia này phân tích, lãi suất và rủi ro có mối quan hệ thuận chiều với nhau: Rủi ro càng nhiều, lãi suất càng cao và ngược lại. Về một số nhận định cho rằng lãi suất đang giảm bởi tác động của lạm phát hạ nhiệt, tốc độc tăng CPI chậm lại, một chuyên gia ngân hàng cho biết, điều này không hoàn toàn đúng. Nguyên nhân là hiện nay, chỉ số CPI tăng chủ yếu là tính toán kỹ thuật. Còn thực tế, người cho vay và người đi vay chỉ chú ý đến số thực. “Quan trọng là các mục tiêu đặt ra của Nghị quyết 11 thực hiện được bao nhiêu, từ việc thắt chặt tiền tệ, tái cấu trúc tập đoàn lẫn chi tiêu công”, chuyên gia bình luận. Về khả năng tiếp cận nguồn vốn, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho biết, trong năm 2012, các đơn vị chưa có chỉ tiêu tăng tín dụng cụ thể nên chưa khẳng định dễ vay được vốn hay không. Khi lãi suất giảm, không có nghĩa tất cả các hồ sơ của doanh nghiệp đều chấp nhận, giải ngân. Ông này cho hay, sẽ ưu tiên những doanh nghiệp hoạt động ổn định, an toàn và đảm bảo có khả năng trả nợ.
Theo Tuệ Minh (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm