Vì sao bảo hiểm tiền gửi chỉ tới 50 triệu đồng?

Ngày 3-11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi. Có ý kiến cho rằng người gửi tiền 1 tỉ hay 100 tỉ đồng khi ngân hàng gặp sự cố cũng chỉ được bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng là vô lý. Thậm chí người gửi tiền hầu như không biết có bảo hiểm tiền gửi mà họ nghĩ đơn giản gửi tiền vào ngân hàng an toàn tuyệt đối, nếu có vấn đề gì thì Nhà nước sẽ lo.

Bảo hiểm theo số đông

Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia, bảo hiểm tiền gửi là bảo hiểm cho số đông, mà số đông gửi tiết kiệm là những người gửi tiết kiệm lương hoặc lương hưu… Họ dành dụm số tiền đó để chi trả khi có việc cần rút ra. Chứ không ai bảo hiểm cho người kinh doanh tiền. Chẳng hạn, một cán bộ có 50 triệu đồng gửi tiết kiệm, nếu ngân hàng gặp sự cố không chi trả được thì Bảo hiểm tiền gửi sẽ trả. Còn những người gửi hàng chục tỉ đồng thì ai bảo hiểm tiền gửi cho nổi. “Ở châu Âu, thu nhập bình quân trên đầu người rất cao nhưng bảo hiểm tiền gửi của họ cũng chỉ 50.000 euro mà thôi” - ông Lịch nói.

TS Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, cho biết nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. “Tuy nhiên, nhiệm vụ đó không chỉ ngồi chờ đến lúc các ngân hàng gặp rủi ro rồi mình đem tiền đến để đền mà phải giám sát theo dõi các hoạt động ngân hàng thương mại rất thường xuyên. Nếu thấy sai phải nhắc nhở để tránh sai tiếp. Đó cũng là cách bảo vệ tiền gửi của dân” - ông Dũng nói.

Vì sao bảo hiểm tiền gửi chỉ tới 50 triệu đồng? ảnh 1

Người gửi tiền tiết kiệm sẽ được bảo vệ quyền lợi khi có bảo hiểm tiền gửi. Ảnh: HTD

Ông Lịch cũng khẳng định Ngân hàng Nhà nước với chức năng là cơ quan mẹ phải giám sát các hoạt động của các ngân hàng thương mại để bảo đảm sự an toàn. Đó mới là điều quan trọng nhất và cũng là bảo đảm tiền gửi cho người dân. “Bởi vậy, chúng ta phải có niềm tin vì Chính phủ sẽ không để ngân hàng nào rơi vào tình trạng phá sản” - ông Lịch nói.

Lý giải vì sao lại bảo hiểm chỉ 50 triệu đồng, ông Dũng cho hay theo nguyên tắc, bảo hiểm tiền gửi là phục vụ số đông. “Từ năm 2002, chúng tôi đã có cuộc điều tra trên toàn hệ thống ngân hàng, có đến 80% số người gửi tiền trong tài khoản là 50 triệu đồng. 20% còn lại ở mức trên 50 triệu đồng. Vậy chúng tôi phục vụ theo số đông” - ông Dũng nói.

Ông Dũng cho hay theo thông lệ quốc tế, bảo hiểm tiền gửi phải gấp ba lần thu nhập bình quân trên đầu người ở nước đó. Như vậy, tại thời điểm năm 2002 thì số tiền bảo hiểm của chúng ta đã cao gấp năm lần thu nhập bình quân trên đầu người.

PGS-TS Trần  Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng mỗi nước có mức bảo hiểm tiền gửi khác nhau. Có nước mức độ bảo hiểm tiền gửi gấp 3, 4 lần mức thu nhập của người dân, thậm chí có nước bảo hiểm toàn bộ. Tuy nhiên, thông thường thì phải bảo vệ theo số đông. Mà số đông là những người gửi tiền nhỏ lẻ, tiền ít.

Nên nâng mức bảo hiểm tiền gửi lên 200 triệu đồng/tổ chức

Với mức bảo hiểm như trên liệu người gửi tiền nhiều sẽ thiệt thòi? Theo ông Ngân, những người có số tiền 100 tỉ, 200 tỉ đồng là không nhiều. Mà với số lượng tiền nhiều như vậy thường họ phân tán gửi qua nhiều ngân hàng chứ không để một nơi. Khi phân tán ra như vậy mức độ rủi ro cũng bớt đi. Ở một khía cạnh khác, những người sở hữu số tiền vài trăm tỉ đồng thường đem đi đầu tư, sản xuất kinh doanh chứ không để tiền tiết kiệm.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và bất ổn kinh tế vĩ mô hiện nay, tôi nghĩ bảo hiểm tiền gửi của chúng ta phải nâng từ 50 triệu lên 150-200 triệu đồng” - ông Ngân nói.

TS Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, cũng khẳng định: Mức bảo hiểm tiền gửi hiện nay đã lạc hậu, chúng tôi cũng đã có đề xuất mức bảo hiểm lên 200 triệu đồng/tổ chức. “Nghĩa là nếu người gửi tiền ở năm ngân hàng khác nhau, khi gặp rủi ro thì bảo hiểm tiền gửi sẽ đền bù cả năm nơi với tổng số tiền đền bù là 1 tỉ đồng. Như vậy, trong trường hợp một khách hàng gửi 10 nơi thì số bảo hiểm sẽ đền bù tối đa là 2 tỉ đồng” - ông Dũng nói.

Vì vậy theo ông Ngân, trong khi chờ hoàn thành Luật Bảo hiểm tiền gửi thì Chính phủ phải có quyết định điều chỉnh bảo hiểm tiền gửi tăng lên gấp năm lần GDP thì mới phù hợp.

“Trong những trường hợp người gửi tiền hàng trăm tỉ đồng sẽ được bảo hiểm tiền gửi tối đa 150-200 triệu đồng/ngân hàng. Tuy nhiên, số tiền còn lại cũng không phải là mất hết. Bởi vẫn còn Luật Phá sản và Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định. Dựa vào hai điều này để giải quyết cho những khách hàng gửi tiền với số lượng lớn” - ông Ngân nói.

Số lượng người gửi tiền 5-7 tỉ đồng thường không nhiều, chính vì vậy bảo hiểm tiền gửi cũng như mục đích của một chính sách bao giờ cũng nhắm tới số đông. Ở Mỹ, trước đây bảo hiểm tiền gửi cũng chỉ 50.000 USD mà thôi. Mới đây họ cũng tăng lên khoảng 70.000-80.000 USD mà thôi.

TS TRƯƠNG VĂN PHƯỚC, Tổng Giám đốc Eximbank

Nhiều người dân khi gửi tiền thậm chí  còn không biết có bảo hiểm tiền gửi. Vì thế các ngân hàng nên treo biển hoặc làm cách nào đó để công khai bảo hiểm tiền gửi tại các điểm giao dịch của mình để người gửi tiền được biết để tránh tình trạng bảo hiểm tiền gửi có từ lâu nhưng lại trở thành khái niệm mơ hồ với đại đa số người dân.

Ông ĐINH VĂN MƯỜI, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vietcombank

YÊN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm