10 giải pháp thoát ‘mồ chôn’ Địa Trung Hải

Ngày 20-4 (giờ địa phương), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thông báo theo đề nghị của Thủ tướng Ý Matteo Renzi, hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) bàn về vấn đề nhập cư trái phép sẽ được tổ chức vào ngày 23-4 ở Brussels (Bỉ).

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu đã đưa ra 10 đề nghị hành động nhằm đấu tranh chống nạn buôn người nhập cư và ngăn chặn tình trạng người di dân liều chết vượt Địa Trung Hải.

10 đề nghị như sau:

1. Củng cố cơ quan Frontex: Cơ quan châu Âu phụ trách an ninh và biên giới ngoài EU (Frontex) bắt đầu hoạt động từ tháng 10-2005. Sắp tới EU sẽ tăng cường các phương tiện tài chính và vật chất, đồng thời mở rộng địa bàn hoạt động cho cơ quan này. Hiện phạm vi hoạt động của Frontex khu trú trong EU.

2. Tịch thu và tiêu hủy tàu của bọn đưa người di dân: Biện pháp này sẽ được thực hiện tương tự chiến dịch Atalante chống bọn hải tặc Somalia.

3. Giải mã phương thức hoạt động của bọn đưa người: EU sẽ tăng cường hợp tác với Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol), Frontex, Văn phòng Hỗ trợ di dân châu Âu (EASO) và Đơn vị Hợp tác tư pháp EU (EUROJUST) để tập hợp thông tin về phương thức hoạt động của bọn đưa người di dân.

Ngày 20-4, cảnh sát biển Hy Lạp cứu người di dân châu Phi bị đắm tàu trôi dạt vào đảo Rhodes. Ảnh: REUTERS

4. Quản lý đơn xin tị nạn tốt hơn: Triển khai các tổ của Văn phòng Hỗ trợ di dân châu Âu đến Ý và Hy Lạp để giúp đỡ vấn đề quản lý đơn xin tị nạn.

5. Lập hồ sơ người nhập cư: Lấy dấu vân tay có hệ thống đối với tất cả người di dân khi họ đến các nước EU.

6. Phân bố người tị nạn tốt hơn: Xem xét các giải pháp để phân bố người tị nạn công bằng hơn đến các nước thành viên EU.

7. Hỗ trợ người tị nạn tái hòa nhập: Thiết lập các chương trình tái hòa nhập trong các nước EU đối với các đối tượng hội đủ tiêu chuẩn người tị nạn của Cao ủy LHQ về người tị nạn. Các nước EU tham gia chương trình trên cơ sở tự nguyện.

8. Hồi hương nhanh hơn đối với đối tượng không đủ tiêu chuẩn: Chương trình này sẽ được điều phối với cơ quan Frontex và các nước EU là nơi đến đầu tiên của người di dân bên bờ Địa Trung Hải.

9. Phong tỏa các tuyến đường đưa người di dân: EU sẽ cùng các nước láng giềng của Libya phong tỏa các tuyến đường đưa người di dân thường hay sử dụng, trong đó có Niger. Đây là tuyến đường quá cảnh của người di dân Mali và Nigeria.

10. Hiểu rõ hơn nữa làn sóng người di dân: EU sẽ cử người liên lạc phụ trách nhập cư đến một số nước thứ ba nhằm thu thập thông tin đầy đủ hơn về làn sóng người di dân.

10 đề nghị nêu trên đã được hội nghị các bộ trưởng Ngoại giao và Nội vụ EU ở Luxembourg xem xét hôm 20-4 và sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới của EU.

Trong thời gian qua, thực ra EU đã đưa ra nhiều giải pháp đối với làn sóng người nhập cư nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn.

Ngày 3-10-2013, một con tàu cũ kỹ xuất phát từ Libya đã chìm gần đảo Lampedusa (Ý). Gần 360 người thiệt mạng, trong đó đa số là người Somalia và Eritrea. Đây là thảm họa hàng hải lớn thứ hai ở EU tính từ đầu thế kỷ.

Ý liền đưa ra sáng kiến mở chiến dịch Mare Nostrum nhằm giám sát đường biển 24/24 giờ. 900 binh sĩ và 32 tàu được điều động cùng các phương tiện không quân và máy bay không người lái.

Trong một năm chiến dịch này đã thực hiện 588 vụ và giải cứu được hơn 120.000 người di dân. 350 tên chuyên đưa người nhập cư trái phép bị bắt.

Đến tháng 11-2014, chiến dịch Triton ra đời do cơ quan Frontex của EU quản lý thay thế chiến dịch Mare Nostrum. Tuy nhiên, chỉ có 21 tàu tham gia với phạm vi tìm cứu hẹp hơn và ngân sách ít hơn ba lần (3 triệu euro/tháng). Mục tiêu chủ yếu nhằm kiểm soát biên giới EU hơn là cứu nạn người di dân.

Và rồi thảm kịch đã xảy ra. Đêm 12-4, một tàu chở 400 người di dân bị đắm. Bốn ngày sau có 40 người di dân chết chìm. Đêm 18-4 lại thêm một tàu chở 700-900 người chìm ngoài Địa Trung Hải.

- Ngày 21-4, đại diện Cao ủy LHQ về người tị nạn và đại diện Tổ chức Di dân quốc tế ở Ý thông báo đã có 800 người chết trong vụ tàu đánh cá chìm ở vùng biển Libya trên đường sang Ý đêm 18-4. Trong số này có người Syria, người Somalia, người Eritrea và nhiều trẻ em. Tàu xuất bến lúc 8 giờ ngày 18-4 tại Tripoli (Libya). Thông báo trên được đưa ra sau khi các cơ quan nêu trên hỏi han 28 người sống sót. Cảnh sát Ý cho biết một người Tunisia và một người Syria tình nghi là chủ tàu và người của chủ tàu đã bị bắt giam.

- Ngoại trưởng Libya Mohamed Dayri tuyên bố: “Chúng tôi lên án hành động của bọn đưa người buôn thần chết”. Ông giải thích ở miền Tây Libya ngoài Nhà nước Hồi giáo còn có mạng lưới bọn buôn thần chết nhồi nhét xuống tàu chở quá tải đưa sang châu Âu hàng ngàn người nhập cư trái phép.

- Để ngăn chặn thảm kịch đắm tàu, cùng ngày 21-4, Thủ tướng Úc Tony Abbott đã đề nghị EU nên noi gương Úc là trục xuất hết người di dân bằng đường biển. Sau khi cầm quyền vào tháng 9-2013, chính phủ bảo thủ do Thủ tướng Tony Abbott đứng đầu cùng với quân đội đã phát động chiến dịch ngăn chặn nạn di dân qua đường biển. Chiến dịch gồm hai giải pháp là dùng tàu hải quân chặn tàu chở người di dân và đưa trở lại điểm xuất phát, thường là Indonesia. Nếu dưới trào chính phủ cũ đã có 1.200 người di dân thiệt mạng thì 18 tháng qua chưa có người di dân nào tử vong.

1.600 người mất tích trong 35.000 người di dân đi theo tàu đến các nước Nam Âu tính từ đầu năm đến nay theo số liệu của Cao ủy LHQ về người tị nạn.

_______________________________________

Chúng ta không còn đứng ngoài nữa… Thảm kịch trong những ngày qua, những tháng qua, những năm qua là quá đủ rồi.

Cao ủy đối ngoại EU
FEDERICA MOGHERINI

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm