4 lý do Philippines khó xa Mỹ

Hiếm có quốc gia nào định hướng lại chính sách đối ngoại nhanh và kịch tính như Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte. Báo Mỹ Wall Street Journal ngày 27-10 (giờ địa phương) đã đưa ra nhận định như trên.

“Mô hình bãi cạn Scarborough”

Báo ghi nhận quan điểm chia tay với Mỹ của ông Duterte có thể là cáo trạng cho chính sách xoay trục của Mỹ. Báo cho rằng đến giờ, chính sách xoay trục của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc (TQ) chỉ là tăng cường sự hiện diện tại các hội nghị khu vực.

Mỹ đã xúc tiến chính sách cởi mở nhưng vẫn còn hạn chế đối với các đối tác mới như Việt Nam, Ấn Độ. Mỹ chỉ triển khai quân cầm chừng ở Singapore, Úc và Philippines. Mỹ đã cắt giảm ngân sách quốc phòng và vẫn chưa phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đối với đồng minh Philippines, Mỹ không thể ngăn Bắc Kinh chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012. Trong khi tàu hải cảnh TQ và ngư dân TQ đẩy đuổi ngư dân Philippines, các nhà ngoại giao Mỹ đưa ra giải pháp hai bên cùng rút. Manila làm theo thỏa thuận và chịu thiệt thòi, còn Bắc Kinh chiếm luôn bãi cạn.

Năm 2013, nhà phân tích Ely Ratner đã từng nhận xét: “Các quan chức TQ và các chuyên gia bắt đầu nói đến “mô hình bãi cạn Scarborough” để thực hiện ảnh hưởng trong khu vực”.

Kế đến, TQ bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo nhưng Mỹ không có phản ứng hiệu quả. Năm ngoái, ông Duterte đã từng nhận xét: “Mỹ không bao giờ chết vì chúng ta. Nếu Mỹ lo lắng thì đã điều tàu sân bay và tàu khu trục trang bị tên lửa lúc TQ bắt đầu bồi đắp trên vùng biển tranh chấp”.

Báo China Daily của Trung Quốc cho rằng dù Mỹ xúi giục Nhật ve vãn nhưng Philippines vẫn ngoảnh mặt làm ngơ.

Duterte chống Mỹ, tiếp tay Trung Quốc

Nếu Mỹ tiến hành chiến lược xoay trục mạnh mẽ hơn thì sao? Báo Wall Street Journal nhận xét ông Duterte vẫn không thay đổi bởi người đàn ông 71 tuổi này chống Mỹ từ trước khi TQ kiểm soát bãi cạn Scarborough.

Lúc ông làm thị trưởng Davao, ông đã phản đối chính phủ mời quân đội Mỹ đến đánh bọn khủng bố Abu Sayyaf. Năm 2006 ông đã không nhận chức bộ trưởng Quốc phòng để khỏi phải làm việc với Mỹ.

Duterte là người ngưỡng mộ José Maria Sison, người sáng lập đảng Cộng sản Philippines. Ông xem Mỹ như ông chủ có đầu óc thực dân đang cố ràng buộc Philippines làm tôi tớ.

Các tuyên bố chia tay với Mỹ của Tổng thống Duterte chẳng những làm tan băng quan hệ TQ-Philippines sau khi có phán quyết trọng tài mà còn phá thế cô lập về ngoại giao giữa TQ và các nước có cùng tranh chấp. Tình hình này sẽ cải thiện quan hệ giữa TQ với ASEAN.

Bắc Kinh hy vọng năm tới khi giữ chức chủ tịch ASEAN, Philippines sẽ loại bỏ vấn đề tranh chấp ở biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của ASEAN. Tuyên bố chia tay với Mỹ của ông Duterte sẽ làm giảm sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Điều này sẽ giúp TQ ngăn chặn chiến lược xoay trục của Mỹ.

Quan hệ Mỹ-Philippines quá gắn bó

Theo báo South China Morning Post ngày 29-10, các nhà quan sát nhận định chính sách đối ngoại của Philippines ít có khả năng thay đổi vì bốn lý do như sau:

Quan hệ Mỹ-Philippines kéo dài gần 70 năm từ khi hai nước ký hiệp định phòng thủ chung. Với hiệp định này, quân đội Mỹ có thể sử dụng năm căn cứ ở Philippines. Duterte không thể ngang nhiên hủy bỏ quan hệ này.

Thương mại với Mỹ vẫn giữ vai trò quan trọng ở Philippines. Mỹ là đối tác thương mại thứ ba của Philippines sau TQ và Nhật. Bốn triệu dân Mỹ có tổ tiên là người Philippines. Dân Mỹ gốc Philippines gửi về nước 1/3 trong 17,6 tỉ USD kiều hối năm ngoái.

Philippines nổi tiếng thân Mỹ. Gần hết các nhà chính trị Philippines đều ủng hộ Mỹ. Hủy bỏ quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines sẽ làm các công dân Philippines và giới quân sự xa lánh. Theo thăm dò, 76% số người Philippines được hỏi tin tưởng ở Mỹ trong khi chỉ 22% tin vào TQ.

Cuối cùng, người Philippines nổi tiếng có lòng yêu nước. Dù ông Duterte có xích lại gần TQ, người dân Philippines chắc chắn không từ bỏ đòi hỏi chủ quyền trong vấn đề tranh chấp với TQ ở biển Đông.

Ngày 29-10, không quân Philippines bắt đầu bay kiểm tra ở bãi cạn Scarborough trước thông tin tàu hải cảnh TQ đã rút khỏi bãi cạn này (TQ chiếm từ năm 2012). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng đây không phải là giải pháp tạm thời. Chúng tôi mong muốn đây là dấu hiệu TQ và Philippines tiến đến thỏa thuận về đánh bắt cá ở bãi cạn phù hợp với phán quyết trọng tài ngày 12-7”.

Tạp chí The Diplomat (Nhật) dẫn lời chuyên gia Greg Poling (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế) nhận xét: “Đây là tín hiệu tích cực nhưng còn quá sớm để nói đây là thỏa thuận. TQ muốn một thỏa thuận nêu TQ cho phép đến bãi cạn Scarborough nhưng đây lại là từ ngữ Philippines không thể chấp nhận”.

Chuyên gia Bill Hayton ở Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh nhận định: “Điều này dường như là động thái rất khôn của Bắc Kinh. Bề ngoài họ chứng tỏ đã đáp lại đàm phán song phương với Philippines nhưng bên trong thật ra họ đang làm theo phán quyết trọng tài”. Ông dự báo nếu ngoại giao với Philippines trục trặc, không có gì cản trở tàu hải cảnh TQ quay trở lại bãi cạn

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm