5.000 tay súng IS chạy từ Iraq về Syria

Tổng cộng có 36 vị trí IS ở thị trấn Al-Bab (vùng Aleppo) bị tấn công. Tham gia không kích có chín máy bay Nga cùng tám máy bay Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, ngày 12-1, hai bên thông báo đã ký thỏa thuận về cơ chế phối hợp không kích chống khủng bố ở Syria.

Cùng ngày, đài truyền hình RT (Nga) đưa tin quân IS đã cô lập căn cứ không quân và chia đôi TP Deir ez-Zor ở gần biên giới Iraq. Căn cứ này được sử dụng để tiếp tế cho 120.000 người bị bao vây trong Deir ez-Zor. Hiện máy bay trực thăng không thể đáp xuống căn cứ. Trong những ngày qua, chiến sự ngày càng trở nên khốc liệt tại Deir ez-Zor.

IS đã kiểm soát khu vực phía đông Deir ez-Zor từ hai năm nay và bắt đầu mở chiến dịch phản công từ ngày 14-1. Quân đội Syria đã điều quân tăng viện cùng các tay súng Hezbollah. Cuối năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga ước tính có hơn 5.000 tay súng IS từ Mosul (Iraq) chạy về Deir ez-Zor và Raqqa ở Syria.

Liên quan đến cuộc đàm phán trực tiếp giữa chính phủ Syria và quân nổi dậy tại Astana (Kazakhstan) dự kiến tổ chức ngày 23-1, trong ngày 18-1 nhóm nổi dậy lớn nhất Ahrar al-Sham đã tuyên bố không tham gia. Đàm phán do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đứng ra bảo trợ. Ahrar al-Sham gồm cả ngàn tay súng đã cùng sáu nhóm nhỏ hơn ký thỏa thuận ngừng bắn (do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ) có hiệu lực ngày 30-12-2016.

Ahrar al-Sham cho biết lý do chính không tham gia đàm phán bởi vì quân chính phủ Syria vẫn tấn công ở Wadi Barada (gần Damascus) và Nga tiếp tục không kích giúp quân đội Syria. Tuy nhiên, nhóm này tuyên bố sẽ ủng hộ quyết định của các nhóm tham gia đàm phán “nếu quyết định phục vụ lợi ích dân tộc”.

Phái đoàn phe nổi dậy đến Kazakhstan sẽ do Mohammed Allouche dẫn đầu. Chính phủ Syria và phe nổi dậy đến dự hòa đàm với mục tiêu khác nhau. Chính phủ Syria mong muốn đạt giải pháp chính trị toàn diện trong khi phe nổi dậy chỉ muốn duy trì ngừng bắn.

Trong ba nước bảo trợ đàm phán cũng có quan điểm mâu thuẫn nhau. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố không mời Mỹ đến Kazakhstan. Nga cho rằng mời chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump dự đàm phán là đúng đắn, còn Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định chắc chắn Mỹ phải được mời.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm