6 điểm làm nên tính lịch sử cho bầu cử tổng thống Mỹ 2016

Donald Trump và Hillary Clinton là hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống Mỹ năm nay. Và tính đến thời điểm hiện tại, tỉ phú Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gần như chắc chắn sẽ trở thành hai ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Theo đài BBC, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 có sáu điểm đặc biệt so với những cuộc bầu cử trước đó, yếu tố làm nên tính lịch sử của cuộc bầu cử.

Những năm tháng của tuổi xế chiều

Khi ông Barack Obama lần đầu tiên đặt chân tới Nhà Trắng hồi tháng 1-2009, ông 47 tuổi và là tổng thống trẻ thứ năm trong lịch sử nước Mỹ nếu so về độ tuổi. Tổng thống trẻ nhất là Theodore Roosevelt, nhận nhiệm sở khi mới 42 tuổi 322 ngày.

Dù ai là người thắng cuộc, chắc chắn tổng thống Mỹ kế tiếp sẽ là một người khá đứng tuổi. Ảnh: BBC

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, dù ai là người giành chiến thắng đi chăng nữa thì người kế nhiệm tiếp theo của nước Mỹ chắc chắn sẽ là một người khá đứng tuổi.

Tỉ phú Donald Trump sinh ngày 14-6-1946. Nếu đắc cử, ông Trump sẽ là tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử, 70 tuổi. (Tổng thống Ronald Reagan khi nhận nhiệm sở năm ông 69 tuổi).

Trong khi đó, bà Hillary Clinton sẽ tròn 69 tuổi vào khoảng hai tuần trước khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra vào tháng 11. Như vậy, nếu giành chiến thắng, bà sẽ trở thành vị tổng thống lớn tuổi thứ hai trong lịch sử khi tuyên thệ nhậm chức.

Hai người New York “đấu” nhau

Năm nay là lần đầu tiên người ta chứng kiến hai người New York “đấu nhau” trong cuộc chạy đua giành chiếc ghế tổng thống là ông Trump và bà Clinton kể từ năm 1944.  Vào lúc đó thống đốc bang New York Thomas E Dewey đối đầu với tổng thống đương nhiệm lúc đó là Franklin D Roosevelt, cũng đồng thời là một người New York.

Bất kể người thắng cuộc là ai, ông Trump hay bà Clinton thì đó cũng sẽ là người New York đầu tiên đắc cử trong 71 năm qua, tính đến thời điểm tổng thống mới của nước Mỹ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào đầu năm 2017.

Mặc dù trên thực tế, bà Clinton sinh ra tại Chicago nhưng bà từng là nghị sĩ New York và hiện bà cũng đang sống ở bang này.

Hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay là hai người đến từ New York Donald Trump và Hillary Clinton. Ảnh: BBC

Tiền và tiền

Nếu tỉ phú Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay thì ông sẽ là ứng viên tổng thống chi ít tiền nhất cho cuộc đua này.

Dữ liệu từ Ủy ban Bầu cử liên bang cho thấy ông Trump chỉ chi 49 triệu USD tính đến cuối tháng 4 vừa qua, trong đó có 36 triệu USD tiền túi. Trong khi đó, bà Clinton tính đến nay đã chi tới 187 triệu USD. Như vậy, tính từ thời ứng viên Al Gore năm 2000 chi 126 triệu USD, không ứng viên nào bỏ ra ít tiền cho cuộc đua vào Nhà Trắng như tỉ phú Trump.

Tất nhiên, ông Trump hoàn toàn có thể chi thêm tiền nếu ông muốn triển khai thêm các chiến dịch vận động tranh cử từ nay cho tới cuộc bầu cử tháng 11 nhưng có vẻ như ứng viên Đảng Cộng hòa này khó có thể vượt qua Tổng thống Obama về khoản chi mạnh tay cho chiến dịch tranh cử tổng thống. Năm 2008, tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ đã chi gần 556 triệu USD cho cuộc đua của mình.

Donald Trump được cho là người chi tiền ít nhất cho cuộc đua vào Nhà Trắng. Ảnh: BBC

Kinh nghiệm

Nếu tỉ phú Trump thành ông chủ Nhà Trắng thì đây sẽ là một chiến thắng ngoạn mục, bởi trong vòng hơn 60 năm qua tại Mỹ, chưa có ai được bầu làm tổng thống mà chưa từng có kinh nghiệm làm thống đốc bang hoặc chưa từng có ghế trong Quốc hội.

Ngay cả vị tổng thống được cho là chưa từng có kinh nghiệm chính trị trước khi đặt chân tới Nhà Trắng vào năm 1953 như ông Dwight Eisenhower nhưng ít nhất ông cũng đã từng là chỉ huy tối cao của lực lượng đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

Điều đặc biệt là không có ứng viên tổng thống nào trước đó từng sở hữu một chuỗi sòng bài và khách sạn như Donald Trump. Ông Trump cũng nói ông là người dày dạn kinh nghiệm trong việc xử lý các giao dịch.

Phụ nữ lên nắm quyền?

Tính đến thời điểm hiện tại, bà Hillary Clinton đã giành đủ số phiếu đại biểu tối thiểu để đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử vào cuối năm nay. Như vậy, bà gần như chắc sẽ sẽ trở thành nữ ứng viên tổng thống đầu tiên đại diện cho một chính đảng lớn trong cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống. Và nếu mọi chuyện “suôn sẻ” với bà, rất có thể, cựu ngoại trưởng sẽ là nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử của nước Mỹ.

Trước đó, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, ứng viên đảng Cộng hòa John McCain đã bất ngờ đưa Thống đốc bang Alaska - bà Sarah Palin vào liên danh tranh cử với ông. Năm 1984, ứng viên đảng Dân chủ Walter Mondale cũng đưa bà Geraldine Ferraro vào vị trí phó ứng viên tổng thống. Tuy nhiên, cả hai ứng viên này đều không giành chiến thắng cuối cùng.

Nếu chiến thắng xảy đến với bà Hillary Clinton, bà sẽ là nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ

Cuộc chạy đua tiếp sức của đảng Dân chủ?

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, nếu chiến thắng cuộc bầu cử, điều này sẽ mang ý nghĩa quan trọng đối với đảng Dân chủ khi một thành viên của đảng Dân chủ lên làm tổng thống, kế nhiệm vị tổng thống trước đó cũng thuộc đảng Dân chủ (Tổng thống Obama).

Trong vòng 100 năm qua, nước Mỹ chỉ chứng kiến hai trường hợp tương tự vậy, khi Tổng thống Harry Truman và Tổng thống Lyndon Johnson, hai thành viên của đảng Dân chủ, đều kế nhiệm hai vị tổng thống trước đó cũng là thành viên của đảng Dân chủ.

Liệu bà Clinton có viết tiếp lịch sử cho đảng Dân chủ hay không? Mọi việc sẽ ngã ngũ sau cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm