Anh hé hộ cuộc sống bí ẩn của các nhân viên tình báo

Cái chết của điệp viên MI.5 Gareth Williams hồi trung tuần tháng 8 đã trở thành tâm điểm gây chú ý của dư luận. Người ta bắt đầu bàn cãi nhiều về cuộc sống đầy rẫy nhưng hiểm nguy của các điệp viên Anh.

Theo lời kể của Annie Machon, nhân viên làm việc trong các cơ quan tình báo của Anh đều sống ở khu Pimlico (nơi xác chết của điệp viên Gareth Williams được tìm thấy) bởi nơi đây tiện cho họ đi lại mỗi khi đi làm về khuya hoặc khi có điện khẩn của lãnh đạo. Xung quanh khu vực này cũng có nhiều quán bar giúp họ giải trí trong những lúc làm việc căng thẳng. Bản thân Annie Machon cũng từng ở Pimlico khi cô là nhân viên tình báo của MI.5 trong những năm 1990. Do đó, khi cái chết của Gareth Williams được đăng tải trên các phương tiện đại chúng, cuộc sống của cư dân ở Pimlico đã bị xáo trộn.

Một vài đồng nghiệp của Annie Machon đã tâm sự rằng, họ lo ngại an ninh Pimlico không đảm bảo và tính mạng của họ bị đe dọa. Vậy tại sao các điệp viên Anh lại "nhát gan" đến vậy. Thực ra, phân cấp công viên ở 3 cơ quan tình báo lớn nhất nước Anh luôn khác nhau. MI.5 là cơ quan an ninh nội địa, MI.6 chuyên tổ chức các mạng lưới tình báo nước ngoài, còn GCHQ thì là trung tâm thông tin của chính phủ.

Anh hé hộ cuộc sống bí ẩn của các nhân viên tình báo ảnh 1

Annie Machon

Các sĩ quan tình báo MI.6 là những người có thể làm việc độc lập, sống với vỏ bọc là một nghề khác ở nước ngoài. Họ là những người tự tin, cá tính, có thể ứng biến nhanh trong mọi tình huống. Trong khi đó các nhân viên MI.5 lại thường làm việc theo nhóm và nếu tách riêng thì công việc của họ ít đạt hiệu quả.

"Khờ khạo" nhất có lẽ là nhân viên của GCHQ bởi họ luôn phải làm việc một cách bí mật, ít được giao thiệp bên ngoài và đôi khi còn bị giam lỏng nếu theo một vụ việc gì đó nghiêm trọng hoặc tối mật. Thế nhưng đôi khi, người ta vẫn xáo trộn vị trí làm việc của các nhân viên trong những cơ quan tình báo này. Gareth Williams với kỹ năng về công nghệ kỹ thuật và khả năng làm toán tốt là một nhân viên kiểu đó cho dù anh mới được chuyển sang làm việc cho MI.6. Những người như Gareth Williams, theo Annie Machon miêu tả là thường chậm thay đổi môi trường và thói quen làm việc. Khi sang đơn vị khác, họ thường vấp phải những ánh nhìn đầy dò xét, đôi khi cả sự chế giễu của các đồng nghiệp.

Vậy cuộc sống của một điệp viên là như thế nào? Annie Machon kể rằng, tuy có những quy định khắt khe, song thế giới của các điệp viên cũng không quá biệt lập so với người thường. Khi nhận được lệnh phải tuyển thêm các điệp viên mới, Annie Machon đã tìm tới các trường Đại học, thăm dò sinh viên ở đó bằng việc trà trộn vào thế giới của họ. Khi đã "nhắm" được một số nhân viên, cô phải về báo cáo với cấp trên và chuẩn bị cho các bước tuyển dụng tiếp theo.

Bước vào thế giới của điệp viên, Annie Machon phải chấp nhận từ bỏ thói quen sống cũ. Cô được yêu cầu không được kể với người thân trong gia đình và bạn bè về công việc của mình. Điều này được quy định khá rõ và chặt chẽ trong Luật của các cơ quan tình báo. Nếu vi phạm, cô có thể bị bỏ tù. Vì công việc đòi hỏi phải luôn bí mật, phải hy sinh cuộc sống riêng nên các nhân viên tình báo Anh có mức lương khá cao.

Năm 1991, khi Annie Machon mới vào làm ở MI.5, cô được nhận mức lương khởi điểm là 14.500 bảng Anh/năm. Thời đó, các bạn cô từng học ở Đại học Cambridge, làm ở những công ty ngoài, với chức danh khá cũng chỉ nhận được tới 5.000 bảng Anh/năm.

Cả MI.5, MI.6, GCHQ đều đỏi hỏi các nhân viên của mình phải có một "lý lịch sạch". Ngay cả khi đã được nhận vào làm, những "tân điệp viên" vẫn phải trải qua các bài kiểm tra. Đầu tiên là việc test trong những chuyến thăm nhà. Tiếp đó là sự thử nghiệm trong cách sống của họ. Những câu chuyện phiếm của họ về gia đình, cuộc sống hay shopping những tưởng vô hại, vậy mà vẫn bị theo dõi. Việc các nhân viên nam và nữ có tình ý với nhau cũng bị cấm kị.

Tại MI.5, công việc của Annie Machon là thu thập các thông tin và xử lý những thông tin nhạy cảm, báo cáo cấp trên nếu thấy có nghi vấn. Mỗi ngày cô phải xử lý hàng trăm tin mà không được lơ là hay để sót những tin quan trọng nào dù cho nó đã được mã hóa hoặc được viết theo lối ký tự… Công việc bận rộn là vậy, nhưng không phải Annie Machon không được tạo cơ hội để gặp gỡ với những người bên ngoài, đặc biệt là những người khác giới. Cô thỉnh thoảng vẫn đi dự tiệc nhưng được lệnh không nói nhiều về mình và nơi đang ở. Đôi khi, sự có mặt của cô tại buổi biểu diễn ca nhạc nào đó thực chất là "chim mồi" để "nhử" các điệp viên nước ngoài… Khi Internet trở thành một công cụ giao tiếp thế giới, các điêp viên như Annie Machon vẫn không được tải ảnh cá nhân lên các trang web xã hội hay viết blog với bạn bè…

Annie Machon tâm sự rằng, 5 năm sau khi phải chịu cảnh sống gò bó như vậy, cô đã quyết định chuyển nghề. Nhưng điều đó không hề đơn giản. Cô lại phải trải qua hàng loạt cuộc điều tra và có một thời gian thử thách khá dài. Khi được hỏi là cô có muốn trở lại làm điệp viên hay không, Annie Machon đã trả lời là không bởi cô muốn sống một cuộc sống với đời thực.

Theo Huyền Chi (ANTG cuối tháng)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm