Anh ở lại hay rời khỏi EU?

Ngày 23-6 (giờ địa phương), 44 năm sau ngày nước Anh gia nhập Liên minh châu Âu (EU), Anh sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lịch sử quyết định Anh nên ở lại hay rời khỏi EU.

Tháng 1-2013, Thủ tướng David Cameron đã hứa sẽ tổ chức trưng cầu ý dân này nếu ông được bầu lại vào năm 2015. Vì lẽ đó mới có cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6.

Phe muốn Anh rời EU được gọi là “Brexit” (Britain exit) còn phe muốn Anh ở lại EU được gọi là “Bremain” (Britain remain). Từ “Bremain” ít được sử dụng hơn “Brexit”.

Theo báo Manchester Evening News, phiếu bầu ngày 23-6 sẽ ghi câu hỏi như sau: “Anh có tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu hay rời Liên minh châu Âu?”. Cử tri sẽ đánh dấu vào một trong hai ô thích hợp.

Thời gian trưng cầu ý dân bắt đầu từ 7 giờ sáng 23-6 và kết thúc lúc 22 giờ đêm cùng ngày. Tổng cộng có 382 địa điểm bỏ phiếu với hơn 45 triệu cử tri.

Phiếu trưng cầu ý dân sẽ được chuyển về 12 trung tâm kiểm phiếu khu vực, sau đó từng khu vực công bố kết quả.

Kết quả chung cuộc sẽ được Chủ tịch Ủy ban bầu cử Jenny Watson công bố từ tòa thị chính Manchester.

Nếu phe “Brexit” chiến thắng, thủ tướng Anh sẽ thông báo cho Hội đồng châu Âu. Sau đó, EU và Anh sẽ thảo luận và ký kết thỏa thuận quy định thể thức rút khỏi EU. Thời gian thỏa thuận có hiệu lực sẽ là lúc Anh rời khỏi EU.

Biếm họa của MARIAN KEMENSKY (Slovakia).

Hai phe muốn Anh ở lại hay rời khỏi EU đều đưa ra các lý lẽ riêng.

Nhập cư: Phe “Brexit” cho rằng Anh phải có quyền kiểm soát biên giới để hạn chế người nhập cư nhằm giảm ngân sách chi trả trợ cấp xã hội, giảm gánh nặng cho các dịch vụ công và dành việc làm cho dân Anh.

Phe muốn Anh ở lại EU chứng minh người nhập cư đóng thuế nhiều hơn chi phí thụ hưởng từ ngân sách. Theo nghiên cứu năm 2013 của Trung tâm Về nghiên cứu và phân tích nhập cư, mức đóng góp của người nhập cư cao 34% hơn mức thụ hưởng.

Kinh tế-thương mại: Phe “Brexit” cho rằng Anh rời EU sẽ giữ lại được phần đóng góp cho ngân sách EU. Anh vẫn có thể duy trì quan hệ thương mại với EU thông qua hiệp định thương mại tự do như Thụy Sĩ và Na Uy.

Phe kia khẳng định EU là đối tác kinh tế số một của Anh, năm 2015 chiếm 44% xuất khẩu và 53% nhập khẩu. Theo Trung tâm Vì cải cách châu Âu, ở lại EU sẽ làm xuất khẩu của Anh tăng 55%. Còn theo Open Europe, nếu rời EU tăng trưởng của Anh giảm 0,8%-2,2%. 
Ngoài ra, nếu rời EU, Anh sẽ mất một phần vốn FDI (chiếm 48% trong EU, tương đương 496 tỉ bảng Anh năm 2014) và các nước còn lại của EU sẽ được hưởng lợi.
    • Điều phối trong EU: Phe “Brexit” chỉ trích EU đưa ra nhiều biện pháp điều phối và thủ tục quan liêu dẫn đến thiệt hại kinh tế. Còn phe muốn Anh ở lại EU nhận định bởi EU là đối tác kinh tế chủ yếu nên Anh cần tôn trọng các quy định của EU.

• Chủ quyền: Phe “Brexit” cho rằng Anh là tiếng nói có ảnh hưởng, một quốc gia có tiềm lực hạt nhân, nước thành viên NATO và Hội đồng Bảo an LHQ. Phe kia lập luận Anh ra khỏi EU sẽ mất ngay ảnh hưởng. Vả lại, Scotland có thể tổ chức trưng cầu ý dân về độc lập bởi Scotland tích cực ủng hộ ở lại EU.

Hai cuộc thăm dò dư luận vào tuần trước cho thấy tỉ lệ ủng hộ Anh rời EU nhỉnh hơn một tí, chiếm lần lượt 52% và 53%. Đến ngày 16-6, sau khi nữ nghị sĩ Jo Cox (ủng hộ Anh ở lại EU) bị bắn chết, phe “Brexit” đã bị mất điểm. Điều 49A của Hiệp ước Lisbon đã cho phép các nước thành viên có quyền rút khỏi EU.

______________________________________

1.300 nhà doanh nghiệp ở Anh đã cùng ký tên trong thư gửi báo Times ngày 22-6 tuyên bố ủng hộ Anh ở lại EU. Thư giải thích nếu Anh rời EU, các doanh nghiệp sẽ gặp bất ổn vì công việc làm ăn với EU sẽ giảm dẫn đến việc làm cũng giảm theo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm