ASEAN trong quan hệ Mỹ-Trung

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Trung tâm Sunnylands lần này mang ý nghĩa lịch sử.

Chuyên gia Emirza Adi Syailendra ở Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nhận định như trên trên báo The Diplomat (Nhật) ngày 15-2.

Ông cho rằng trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ASEAN giữ vai trò trung tâm của các nan hoa hợp tác và đối thoại. ASEAN cũng được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới.

Vì lẽ đó, ASEAN không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà cả về mặt chiến lược trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương.

Ông ghi nhận Trung Quốc đã sử dụng hiệu quả “củ cà rốt” kinh tế trong một số vấn đề của ASEAN.

Một số nước trong ASEAN có xu hướng nghiêng về Bắc Kinh. Đỉnh điểm xảy ra vào năm 2012 khi lần đầu tiên, hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không ra được tuyên bố chung do bất đồng về vấn đề biển Đông.

Chuyên gia Emirza Adi Syailendra nhận xét thái độ hào phóng của Trung Quốc có sức hấp dẫn mạnh đối với một số nước, dù vậy cách làm này không bền vững vì nguồn lực nào cũng có giới hạn và sẽ đến lúc cạn kiệt.

Thêm vào đó, hành động cứng rắn và ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông đang khiến các quốc gia trong khu vực quan ngại. Các nước bắt đầu cân nhắc lại quan hệ với Bắc Kinh theo hướng giảm dần phụ thuộc.

Thậm chí một số nước trước đây vốn dĩ nằm trong quỹ đạo của Bắc Kinh thì nay đã điều chỉnh thoát khỏi tầm ảnh hưởng. Myanmar là một ví dụ điển hình.

Rõ ràng lợi ích kinh tế là quan trọng nhưng không thể so với lợi ích chiến lược quốc gia.

Thêm vào đó, sự can dự của Mỹ cùng cách thức Mỹ xây dựng hình ảnh trong khu vực càng làm rộng thêm khoảng cách giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.

Quan hệ giữa Mỹ và ASEAN trong thời gian qua cũng có nhiều bước tiến đáng kể.

Nổi bật nhất là Mỹ đã ký hiệp định đối tác chiến lược với ASEAN cuối năm ngoái. Đến nay ông Obama đã đến thăm 7/10 nước ASEAN. Con số này sẽ còn tăng trước khi ông hết nhiệm kỳ. Mỹ cũng là quốc gia đầu tiên ngoài ASEAN cử đại sứ thường trực đến ASEAN.

Vài quốc gia vốn có trở ngại trong quan hệ với Mỹ như Myanmar đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu cải thiện quan hệ.

Mỹ cũng đã bãi bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Philippines đã đề xuất Mỹ sử dụng tám căn cứ ở nước này.

Như vậy có thể thấy một mặt các nước ASEAN tranh thủ sự hào phóng của Trung Quốc nhưng mặt khác lại có xu hướng nghiêng về sự bảo trợ an ninh của Mỹ. Tóm lại, tâm lý phù Trung ở ASEAN chỉ là nhất thời.

Trang tin Channel NewAsia (Singapore) ngày 15-2 dẫn lời chuyên gia Moe Thuzar tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore nhận định: “Nhiều bang của Mỹ có tương tác kinh tế với các nước ASEAN. Vì vậy (hội nghị) lần này có thể sẽ giúp các nhà lập pháp Mỹ tăng cường hơn nữa nhận thức về ASEAN”.

BẢO DUY

Sự kiện Mỹ chọn Sunnylands làm nơi tổ chức hội nghị mang thông điệp ngầm thú vị. Giáo sư Simon Tay, Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế Singapore, chia sẻ: “Tôi nghĩ đây là tín hiệu ngoại giao lớn từ Mỹ. Ông Obama đã đón Chủ tịch Tập Cận Bình ở Sunnylands. Giờ bằng cách này tổng thống Mỹ đang cho ASEAN thấy: Này, tôi đã đặt các bạn, 10 quốc gia vừa và nhỏ… lên ngang hàng với Trung Quốc rồi đấy”. Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes khẳng định Sunnylands được chọn bởi tính chất không chính thức của hội nghị. Không gian thoải mái và yên bình tại đây sẽ tạo điều kiện để thảo luận cởi mở và chân tình hơn tại Nhà Trắng.

Đây là chỉ dấu cho thấy quan hệ Mỹ-ASEAN sẽ được tiếp tục dựa trên những gì được xây dựng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.

Chuyên gia MOE THUZAR

Tổng thống Obama đã đến TP Palm Springs (bang California) chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN. Ảnh: REUTERS

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm