Ba việc cần làm để đối phó Trung Quốc

Các nước cùng tranh chấp với Trung Quốc nên tự thân tìm cách ngăn ngừa xung đột trên biển Đông chứ không chỉ trông chờ vào Mỹ. GS Richard Javad Heydarian ở Đại học Ateneo De Manila (Philippines) nhận định như trên trong blog của ông được trang tin Yahoo News Philippines ngày 13-7 đăng lại.

Ông nhận định Đối thoại Kinh tế và chiến lược Trung-Mỹ ở Bắc Kinh vừa rồi (ngày 9 và 10-7) cho thấy Mỹ theo đuổi một nhiệm vụ khó khăn. Một mặt Mỹ muốn duy trì quan hệ kinh tế mạnh với Trung Quốc, mặt khác Mỹ muốn gây áp lực hơn nữa đối với hành động khiêu khích của Trung Quốc trong khi ngân sách quốc phòng lại bị cắt giảm.
Về phía Trung Quốc, nước này nhận ra Mỹ lệ thuộc ngày càng lớn vào đầu tư Trung Quốc nên đối phó với Mỹ tự tin hơn. Chủ nghĩa dân tộc cũng là một yếu tố thúc đẩy Trung Quốc không thỏa hiệp.

Máy bay tiêm kích F/A-18 của Mỹ cất cánh từ tàu sân bay USS George Washington trên biển Đông. Ảnh: REUTERS

Bởi thế, theo GS Richard Javad Heydarian, mục tiêu cấp thiết nhất là thành lập một cơ chế tạm thời làm giảm căng thẳng. Mục tiêu này có thể đạt được bằng cách thực hiện cùng lúc ba yếu tố:

Biến biển Đông thành khu vực phi khiêu khích: ASEAN phải gây áp lực để Trung Quốc thực hiện đúng đắn Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông. Như vậy, các nước cùng tranh chấp phải ngừng triển khai giàn khoan; ngừng cải tạo các bãi, đá, đảo; kiềm chế sử dụng lực lượng bán quân sự và quân đội để khẳng định tuyên bố chủ quyền.

Thương lượng để đạt được cơ chế hợp tác khu vực: Qua đó, các nước tranh chấp có thể cùng hợp tác trong các vấn đề không liên quan đến chủ quyền như bảo vệ môi trường và nguồn lợi hàng hải.

Các nước bị Trung Quốc chèn ép cần nhanh chóng tăng cường năng lực quốc phòng, hợp tác về chiến lược và quân sự lớn hơn nữa với các sức mạnh khác ở Thái Bình Dương vốn có chung quyền lợi về an ninh hàng hải trên biển Đông như Nhật, Úc, Ấn Độ.

Trong khi đó, riêng đối với Philippines, báo Philstar ngày 14-7 cho biết chuyên gia Harry Roque Jr, Giám đốc Viện nghiên cứu pháp lý quốc tế trực thuộc Trung tâm Luật (Đại học Philippines), đã đưa ra hai đề xuất với Tổng thống Aquino:

Tìm kiếm ủng hộ từ một trong sáu cơ quan chính của đại hội đồng LHQ: Mục đích nhằm xây dựng đồng thuận để đạt được một nghị quyết của đại hội đồng LHQ phản đối Trung Quốc bởi Philippines không thể trông chờ vào Hội đồng Bảo an LHQ.

Philippines nên chuẩn bị một sáng kiến ngoại giao tại LHQ. Ngoài ra, Philippines cũng cần tranh thủ sự ủng hộ từ các nước khác ngoài các đồng minh; kêu gọi các nước Mỹ La tinh, châu Phi và các nước khác ở châu Á đoàn kết đứng lên phản đối Trung Quốc bắt nạt.

Song song đó, Tổng thống Aquino cần xem xét khả năng đàm phán với Trung Quốc và tận dụng mọi phương tiện tiến tới giải pháp hòa bình.

Ưu tiên quốc phòng và tranh thủ công chúng ủng hộ: Chính phủ cần đầu tư thiết bị, tàu chiến và máy bay thông qua nhiều nguồn lực chính phủ như quỹ Malampaya thì mới đủ sức bảo vệ lãnh thổ. Thay vì chỉ dựa vào Mỹ, Tổng thống Aquino nên tập hợp nhân dân, kêu gọi nhân dân bảo vệ lãnh hải, loại trừ tham nhũng.

Chuyên gia Harry Roque Jr. nhận định sự kiện Philippines gửi biên bản luận chứng kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài quốc tế vẫn là giải pháp chưa đủ mạnh mà tổng thống cần đưa thêm nhiều lựa chọn nữa trong bài phát biểu về thông điệp quốc gia sắp tới.

ĐĂNG KHOA - DUY KHANG

Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an nên có quyền phủ quyết, bởi thế Hội đồng Bảo an có thể sẽ không hành động nếu căng thẳng trên biển Đông biến thành xung đột vũ trang. Chiếu theo Nghị quyết Đoàn kết vì hòa bình năm 1950, Đại hội đồng LHQ có thể hành động khi xảy ra nguy cơ đe dọa hòa bình hay hành động xâm lược nếu Hội đồng Bảo an thất bại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm