Bangladesh bác bỏ IS gây thảm sát

Ngày 3-7, Bangladesh đã tổ chức quốc tang hai ngày để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ bắt giữ con tin tại nhà hàng Holey Artisan Bakery ở thủ đô Dhaka. Trong thời gian quốc tang, các công sở đã treo cờ rủ.

Ý thông báo có chín công dân Ý thiệt mạng. Phần lớn nạn nhân làm việc trong ngành công nghiệp thời trang đến Bangladesh mua vải.

Trong trận Đức đối đầu với Ý ở khuôn khổ tứ kết Euro 2016 rạng sáng 3-7 (giờ Việt Nam), các cầu thủ Ý đã đeo băng đen ở tay để tưởng nhớ các nạn nhân.

CNN đưa tin tổng thống Ý đã rút ngắn chuyến công du đến Nam Mỹ để trở về nước.

Thủ tướng Ý Matteo Renzi tuyên bố: “Bọn khủng bố muốn giật lấy cuộc sống đời thường của chúng ta. Chúng ta có bổn phận đáp trả kiên quyết hơn để khẳng định các giá trị của chúng ta…”.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thông báo có bảy công dân Nhật bị sát hại, trong đó có hai phụ nữ. Họ làm việc cho cơ quan viện trợ nước ngoài của Nhật.

IS đưa lên mạng ảnh của bọn tấn công nhà hàng ở Dhaka (Bangladesh). Ảnh: DAILY MAIL

Ông bày tỏ tức giận: “Các nạn nhân làm việc cực khổ để thúc đẩy phát triển ở Bangladesh. Các cuộc sống vô tội này đã bị chủ nghĩa khủng bố tàn nhẫn và man rợ cướp đi. Đây là thách thức cho các giá trị chung củacộng đồng quốc tế”.

Đây là lần đầu tiên từ nhiều năm nay, các phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành chiến dịch tấn công giữa thủ đô. Trước đó chúng chỉ thực hiện các vụ riêng rẽ.

Theo báo Dhaka Tribune, các con tin sống sót thuật lại bọn khủng bố chia con tin làm hai nhóm gồm người Bangladesh và người nước ngoài. Họ kể: “Chúng liên tục nói “Bọn tao ở đây chỉ để giết bọn nước ngoài và kẻ không theo Hồi giáo””.

Ngày 3-7, Bộ trưởng Nội vụ Asaduzzaman Khan của Bangladesh tuyên bố bọn tấn công thuộc tổ chức Hồi giáo cực đoan Jamaeytul Mujahdeen Bangladesh ở Bangladesh (đã bị cấm hoạt động từ hơn một thập niên) chứ không phải IS.

Ông tiết lộ: “Bọn chúng đều là thanh niên có ăn học, thường xuyên đến trường đại học. Không có tên nào là thành viên trường thần học Hồi giáo”.

Cảnh sát đã công bố danh tính và ảnh sáu tên khủng bố bị tiêu diệt. Tên thứ bảy bị bắt sống đang được cơ quan tình báo hỏi cung.

Thông báo này trái ngược với hãng tin Amaq của IS đưa tin IS nhận trách nhiệm vụ bắt giữ con tin.

Thậm chí IS còn đưa lên mạng ảnh của năm tên khủng bố cùng tuyên bố đe dọa sẽ tiếp tục tấn công.

Giải thích về sự việc bộ trưởng Nội vụ Bangladesh bác bỏ IS nhúng tay trong vụ tấn công này, các nhà phân tích cho rằng Bangladesh nói thế vì lo ngại các nhà đầu tư sẽ bỏ đi.

Phát biểu trên báo Daily Star (Bangladesh), nhà phân tích Shahedul Anam Khan nhận định: “Chúng ta chưa chắc bọn này có liên quan hữu cơ đến các tổ chức khủng bố quốc tế hay không, tuy nhiên chính phủ phải thừa nhận có dấu ấn của IS ở Bangladesh”.

Phát biểu với báo Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức), ông Hans Georg Maassen phụ trách cơ quan tình báo Đức cho biết cơ quan tình báo có thông tin 17 tên IS giả dạng người di cư xâm nhập châu Âu. Ông khẳng định có thể xảy ra tấn công khủng bố tại Đức như ở Istanbul vừa rồi. Ông nhận định IS thất trận ở Trung Đông nhưng bọn xâm nhập không thay đổi kế hoạch.

Trong khi đó, báo The Independant đưa tin Mỹ và Anh đánh giá thông tin các sân bay ở London, New York và Los Angeles bị đe dọa tấn công là thông tin rất ít tin cậy. Một tài khoản trên Twitter cảnh báo các máy bay cất cánh từ London đi Mỹ vào ngày quốc khánh 4-7 nên coi chừng. Anh bảo đảm đã thực hiện các biện pháp kiểm soát cần thiết. Mỹ khẳng định không có mối đe dọa nào nghiêm túc.

____________________________________

18 người nước ngoài trong 20 con tin bị sát hại gồm chín người Ý, bảy người Nhật, một người Mỹ và một nữ sinh viên Ấn Độ 19 tuổi. Trong 13 con tin được giải cứu có ba người nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm