Bất ổn xã hội từ nạn thất nghiệp

Báo cáo ghi nhận gần đây kinh tế thế giới phục hồi nhẹ nhưng vẫn không thay đổi tình hình việc làm. Brazil, Indonesia và Uruguay là những tấm gương tiêu biểu hiếm hoi về tạo việc làm. Trong khi đó, ở các nước phát triển, 40% số người thất nghiệp từ 25 đến 49 tuổi đã chờ việc tối thiểu một năm, thất nghiệp trong giới trẻ đạt mức kỷ lục (52% ở Tây Ban Nha hồi tuần trước). Trên thế giới, nguy cơ thanh niên thất nghiệp ba lần cao hơn đối tượng lớn tuổi hơn.

Tại các nước tiên tiến, tỉ lệ việc làm từ năm 2007 đến nay chỉ tăng ở sáu nước (Đức, Áo, Israel, Luxembourg, Malta, Ba Lan). Ở các nước mới nổi, lao động bán thời gian trở thành hiện tượng phổ biến và khu vực phi chính thức lại thu hút ngày càng nhiều người thất nghiệp.

Ở Mỹ, tình hình việc làm có khá chút đỉnh nhưng thất nghiệp vẫn giữ 9,5% trong quý mới rồi. Ở châu Âu, người thất nghiệp tăng gần 1/3 từ năm 2010 và dự báo tình hình việc làm không thể khả quan trước năm 2016.

Riêng tình hình việc làm ở Tây Âu càng tệ hơn do nhiều nước siết chặt chi tiêu và mạnh tay chấn chỉnh thị trường lao động. Báo cáo lưu ý các biện pháp này gây hậu quả nghiêm trọng đến việc làm nhưng vẫn không giảm chi tiêu ngân sách tương ứng và có thể dẫn đến suy thoái mới.

Hậu quả dẫn đến là tỉ lệ nghèo đói gia tăng ở các nước giàu và xã hội bất ổn rất nhanh. Theo chỉ số bất ổn xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế, từ năm 2010 đến 2011, số vụ bất ổn xã hội đã gia tăng tại 57/106 nước thuộc diện phân tích. Khu vực dưới sa mạc Sahara ở châu Phi, Trung Đông và Bắc Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Tổ chức Lao động quốc tế khuyến cáo: Tăng lương phải đi đôi với tăng năng suất; các nước mới nổi và các nước đang phát triển phải sửa đổi theo quy phạm quốc tế về lương và quyền lợi người lao động; các chính phủ cần mở rộng cửa cho vay và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tính đến cuối năm ngoái, thế giới có 196 triệu người thất nghiệp. Dự báo trong năm 2012, con số này sẽ tăng lên 202 triệu người thất nghiệp, tức tăng 6,1%.

 H.DUY

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm