Bê bối của cố vấn ông Trump tiếp tục lan rộng

Truyền thông Mỹ cho biết còn có nhiều trợ lý trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump bị cáo buộc đã thường xuyên liên lạc với các quan chức tình báo Nga trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2016.

Nghi ngờ hợp tác với Nga

Tờ The New York Times là tờ báo đầu tiên công bố thông tin trên, chỉ một ngày sau khi ông Michael Flynn từ chức cố vấn an ninh quốc gia. Ông Flynn bị phát hiện đã tự ý điện thoại cho đại sứ Nga tại Mỹ hứa hẹn dỡ bỏ cấm vận, đồng thời “báo cáo thiếu thông tin” cho Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence về nội dung cuộc trò chuyện trên.

Thế nhưng ông Flynn dường như không phải là trường hợp duy nhất. Tờ The New York Times dẫn lời bốn vị quan chức tình báo Mỹ cho biết nhiều trợ lý chiến dịch tranh cử của ông Trump đã thường xuyên liên lạc với các quan chức tình báo cấp cao của Nga trong suốt chiến dịch tranh cử hồi năm 2016.

Một trong những trợ lý trong chiến dịch của ông Trump được cho là liên lạc nhiều nhất với phía Nga là ông Paul Manafort. Ông Manafort từng là quản lý chiến dịch của ông Trump trong vài tháng vào mùa hè năm ngoái. Trước đây ông từng cố vấn cho cựu tổng thống bị lật đổ của Ukraine ông Viktor Yanukovych. Ông Manafort rời khỏi vị trí quản lý chiến dịch hồi tháng 8-2016 sau khi việc ông từng hoạt động ở Ukraine bị công khai. Tuy nhiên, ông Manafort đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc này. “Tôi chưa bao giờ chủ ý nói chuyện với nhân viên tình báo Nga. Tôi cũng chưa bao giờ làm gì liên quan đến chính phủ Nga hoặc chính quyền ông Putin” - tờ New York Times dẫn lời ông Manafort nói.

Vụ bê bối của cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn(giữa) đang dần lan rộng sang êkíp chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump. Ảnh: GETTY

Bóng ma quá khứ

Bản thân vị cố vấn vừa “ngã ngựa” Michael Flynn cũng đang đối mặt với khả năng bị chính phủ tiến hành điều tra. Thượng nghị sĩ (TNS) Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số đảng Cộng hòa tại Thượng viện, khẳng định “có khả năng rất cao” Ủy ban Tình báo Thượng viện sẽ tiến hành điều tra các cuộc thảo luận giữa ông Flynn và Đại sứ Nga Sergey Kislyak. Ngoài ông McConnell còn có rất nhiều TNS thuộc đảng Cộng hòa cũng đồng tình rằng vụ bê bối cần được điều tra. Tuy nhiên, khả năng ông Flynn phải bị điều trần trước Quốc hội vẫn còn để mở.

Báo The Guardian cho rằng đây cũng là dấu hiệu cho thấy cộng đồng tình báo Mỹ sẵn sàng rò rỉ thông tin để chống lại chính quyền ông Trump. Vụ bê bối của ông Michael Flynn đã trở thành giọt nước làm tràn ly. “Bóng ma quá khứ” về mối liên hệ với Nga đã quay trở lại ám ảnh tân tổng thống Mỹ. Hồi tháng 1-2017, trước khi ông Trump nhậm chức, các cơ quan tình báo Mỹ cũng đã công bố một báo cáo kết luận rằng các hoạt động tin tặc được sự hậu thuẫn của chính phủ Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử nhằm giúp đỡ cho ông Trump. Trước đó, FBI cũng được cho là đã tiến hành điều tra ba nhân vật thân cận khác của ông Trump từng liên lạc với Nga, bao gồm ông Carter Page, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của chiến dịch; ông Roger Stone, một thành viên đảng Cộng hòa lâu năm và ông Michael Flynn, người sau này trở thành cố vấn an ninh quốc gia.

Truyền thông Mỹ nhận định chính quyền Tổng thống Donald Trump đang có nguy cơ đối mặt với một vụ bê bối chính trị quy mô lớn.

Ông Trump, điện Kremlin đồng loạt phản pháo

Chính phủ Nga đã lên tiếng bác bỏ việc thường xuyên liên lạc với chiến dịch tranh cử của ông Trump. “Đừng tin vào những thông tin nặc danh” - phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các PV hôm 15-2: “Đó là tin tức không hề dựa trên bất kỳ sự thật nào”.

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump chỉ trích các thông tin ban tranh cử của ông liên lạc với Nga là “vớ vẩn” và là một “chiêu trò để che đậy những sai phạm trong chiến dịch thất bại của bà Hillary Clinton”.

“Chắc chắn việc từ chức của ông Flynn là quyết định của tổng thống. Ai cũng hiểu tướng Flynn làm việc trực tiếp cho tổng thống và sự thay đổi phải đến từ ông ấy” - Bill Cassidy, TNS bang Louisiana.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm