Bình thản chụp ảnh người bị tàu điện tông?

Bình thản chụp ảnh người bị tàu điện tông? ảnh 1

Trang nhất tờ New York Post gây tranh cãi

Trong số báo ra ngày 4-12, tờ New York Post còn đẩy sự việc đi rất xa khi giật tít "Bị đẩy xuống đường ray, người này sẽ bị cán chết" rồi kèm theo chữ "Chết" rất to phía dưới. Hình ảnh này được một tay máy tự do tên R.Umar Abbasi chụp được và bán cho New York Post.

Sự việc xảy ra tại một trạm điện ngầm gần quảng trường Thời Đại.

Vấn đề được đặt ra là tại sao tay máy này không giúp người đàn ông bất hạnh leo lên khỏi đường ray mà lại đứng đó chụp một loạt ảnh. Người đàn ông xấu số tên Ki Suk Han, 58 tuổi, đã chết sau khi được đưa vào bệnh viện, để lại một vợ và một con.

Phía tờ New York Post bênh vực R.Umar Abbasi với lý lẽ rằng do cảm thấy không thể cứu ông Ki Suk Han nên Abbasi đã cố dùng đèn flash của máy ảnh để ra hiệu cho người lái tàu dừng lại. Abbasi nói: "Tôi đã cố giúp ông ấy nhưng không thể. Đoàn tàu đến nhanh quá".

Rất nhiều bạn đọc đã dành các phản hồi đầy căm phẫn cho R.Umar Abbasi. Một người bức xúc: "Làm sao tồn tại loại người mà bản năng đầu tiên không phải là cứu người mà thay vào đó là chụp hình để bán cho New York Post?".

Các nhân chứng cho biết ông Ki Suk Han đã cãi vã với một người khác ở trạm điện ngầm và bị xô xuống đường ray ngay khi tàu đến.

Cảnh sát New York đã bắt giữ người đã xô ông Ki Suk Han xuống đường ray nhưng chưa khởi tố.

Khi CNN liên lạc với Abbasi, tay máy này cho biết sẽ chỉ trả lời nếu được trả tiền. Còn tờ New York Post từ chối bình luận thêm bất cứ điều gì.

Hơn hết, cách "xử lý" tin của New York Post đã khiến cả bạn đọc lẫn những người trong nghề phẫn nộ.

Jeff Sonderman thuộc cộng đồng nhà báo nghe nhìn Poynter viết: "Thậm chí nếu đã chấp nhận rằng gã phóng viên ảnh kia cùng nhiều người có mặt ở đó không thể cứu người đàn ông thì việc New York Post đăng tấm ảnh lên trang nhất là một vấn đề khác". Một người khác viết: "Hãy nghĩ đến cảm giác của gia đình ông ta". Trên twitter một bạn đọc viết: "New York Post phải cảm thấy xấu hổ khi dùng sai lòng nhân đạo trên trang bìa về hình ảnh một người sắp bị xe điện cán chết. Bao giờ thì sự độc ác chấm dứt?".

Những người quan sát về giới truyền thông cho rằng lần này tờ New York Post đã đẩy sự việc đi quá xa.

Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên báo chí đăng những bức ảnh gây tranh cãi. Năm 2012 một tờ báo Pháp đã nhận giải Pulitzer với bức ảnh đầy tranh cãi trong đó bé gái Afghanistan đang khóc giữa những xác chết đầy máu. Cũng trong năm nay tờ New York Times đã đăng một bức ảnh máu chảy từ người một nạn nhân trong vụ xả súng ở Empire State Building.

Trong khi đó Poynter đã trích dẫn lời người phát ngôn của Times rằng "một bức ảnh đáng đưa lên mặt báo cho thấy kết quả và hậu quả của bạo lực nơi công cộng".

Theo Đ.K.L. (TTO / CNN, AP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm