Bộ sậu ông Obama ra tay bảo vệ di sản sếp cũ

Bộ sậu chính phủ Obama quyết định ra tay bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận này.

Theo Politico, thời gian tới các cấp dưới Tổng thống Barack Obama trước đây sẽ tổ chức họp hành, liên hệ với các nghị sĩ và làm việc với truyền thông, nỗ lực bảo vệ một trong những di sản đối ngoại của ông Obama. Cựu Tổng thống Obama biết rõ hoạt động này của các cựu cấp dưới.

Bộ sậu Obama đồng loạt ra tay bảo vệ di sản sếp cũ

Bộ sậu ông Obama, trong đó có nhiều nhân vật đã tham gia vào quá trình thương lượng thỏa thuận lo ông Trump sẽ hủy thỏa thuận vào mùa thu này. Đó là bà Wendy Sherman, cựu quan chức ngoại giao từng dẫn đầu phái đoàn thương lượng của Mỹ; ông Colin Kahl, cố vấn an ninh quốc gia của Phó Tổng thống Joe Biden; ông Jon Finer, chánh văn phòng Bộ Ngoại giao thời Ngoại trưởng John Kerry.

Cùng tham gia vào nỗ lực này còn có cựu Ngoại trưởng John Kerry, người mà đối với ông thỏa thuận còn là di sản quan trọng hơn cả với ông Obama, vì từng có hàng trăm giờ đối thoại với người đồng cấp Iran trong hơn 20 tháng về thỏa thuận.

Một cựu quan chức Mỹ từng nói chuyện với ông Kerry gần đây cho biết nhà cựu ngoại giao, cựu thượng nghị sĩ này vẫn duy trì liên lạc với các đồng nghiệp cũ ở Quốc hội. Và trong bối cảnh ông Trump muốn hủy bỏ thỏa thuận, một số nghị sĩ đã tìm đến ông Kerry, tham khảo ý kiến ông về thỏa thuận.

Ông Kerry cùng nhiều quan chức hàng đầu trong chính phủ Obama nằm trong hội đồng cố vấn của Tổ chức Hành động Ngoại giao thành lập hồi tháng 5 nhằm bảo vệ thỏa thuận. Ngoài ra, ông Kerry cũng liên lạc chặt với các quan chức châu Âu từng có vai trò quan trọng trong quá trình thương lượng thỏa thuận.

Ông John Kerry, Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Obama từng có hàng trăm giờ đối thoại với người đồng cấp Iran trong hơn 20 tháng về thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: GUARDIAN

Ông John Kerry, Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Obama từng có hàng trăm giờ đối thoại với người đồng cấp Iran trong hơn 20 tháng về thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: GUARDIAN

Một nhân vật quan trọng nữa đứng trong hàng ngũ hành động bảo vệ thỏa thuận là Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes. Trên Twitter ngày 14-9 ông cho rằng nếu ông Trump hủy bỏ thỏa thuận không những sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân thứ hai mà còn không thuyết phục được các nước Mỹ cần hỗ trợ để giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.

Ông Rob Malley, cựu cố vấn hàng đầu của ông Obama về Trung Đông, lo ngại các hậu quả xấu có thể xảy ra nếu thỏa thuận bị hủy bỏ: Một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Trung Đông, gây hại nghiêm trọng đến vị thế ngoại giao của Mỹ, hoặc còn tệ hơn nữa.

Một số điều khoản trong thỏa thuận sẽ hết hạn vào thập niên tới. Nhiều ý kiến lo ngại Iran sẽ lại bắt tay phát triển vũ khí hạt nhân ngay sau đó. Tuy nhiên, bộ phận ủng hộ thỏa thuận cho rằng nếu hủy bỏ thỏa thuận bây giờ thì chắc chắn Iran sẽ quay lại con đường phát triển hạt nhân và có thể các nước trong khu vực trong đó có các nước Ả Rập lo ngại Iran sẽ chạy đua tìm kiếm vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó theo bà Sanantha Power, đại sứ Mỹ tại LHQ thời Obama thì lo ngại nguy cơ chiến tranh nếu thỏa thuận bị hủy bỏ.

Cùng nỗ lực với bộ sậu Obama là rất nhiều chuyên gia và nhà hoạt động ủng hộ thỏa thuận Iran trong thời gian 2014-2015. Ngày 13-9, hơn 80 chuyên gia không phổ biến vũ khí hạt nhân ra tuyên bố đề nghị ông Trump không hủy thỏa thuận.

Ông Trump không dễ hủy thỏa thuận

Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015 sau thời gian dài thương lượng giữa Iran và nhóm P5+1 gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh. Đây là một sự dàn xếp chính trị, không phải là một hiệp ước. Với thỏa thuận này, Iran phải ngưng phần lớn chương trình hạt nhân của mình, đổi lại được dỡ bỏ nhiều trừng phạt quốc tế. Giữa năm 2015, các quan chức tình báo Mỹ kết luận Iran có thể có khả năng sản xuất bom hạt nhân trong vòng 2-3 tháng tới.

Ông Trump gọi thỏa thuận này là “vụ giao dịch tồi tệ nhất trước nay”, rằng sẽ tìm cách hủy bỏ chúng. Theo nguyên tắc, cứ mỗi ba tháng chính phủ Mỹ phải báo cáo về tình hình tuân thủ thỏa thuận của Iran lên Quốc hội. Thời điểm báo cáo kế tiếp là giữa tháng 10. Ông Trump vài tháng trước từng nói trong lần này ông sẽ báo cáo Quốc hội rằng Iran vi phạm thỏa thuận. Một khi như thế, Quốc hội Mỹ có 60 ngày để quyết định có khôi phục trừng phạt Iran hay không. Một khi Quốc hội - do phe Cộng hòa kiểm soát - thống nhất tái trừng phạt Iran, thỏa thuận hạt nhân sẽ bị hủy bỏ, đồng nghĩa Iran có thể sẽ khôi phục chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, ngày 14-9, ông Trump quyết định không trừng phạt chương trình hạt nhân, bước đi cho thấy thỏa thuận vẫn được giữ nguyên ít nhất thời điểm này. Theo Politico, đây không phải là quyết định ngạc nhiên vì ông Trump đã được nhiều trợ lý và cả thành phần vốn chỉ trích thỏa thuận khuyên không hủy bỏ bất ngờ, để mở khả năng tái thương lượng. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vừa nêu vấn đề tương lai của thỏa thuận với những người đồng cấp châu Âu trong chuyến thăm Anh giữa tuần này.

Bà Wendy Sherman (phải), cựu quan chức ngoại giao thời Obama từng dẫn đầu phái đoàn thương lượng hạt nhân Iran của Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES

Bà Wendy Sherman (phải), cựu quan chức ngoại giao thời Obama từng dẫn đầu phái đoàn thương lượng hạt nhân Iran của Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES

Một đồng minh lớn của ông Trump trong mục tiêu hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran là Israel. Tuần này Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa đề nghị ông Trump “sửa hoặc hủy” thỏa thuận. Khả năng lớn chuyện này sẽ lại được ông Netanyahu đề cập khi ông cùng ông Trump họp Đại Hội đồng LHQ tuần tới.

Ông Netanyahu bất mãn hành động quân sự của Iran ở Trung Đông, cụ thể ở Syria, Iraq, Lebannon, Yemen. Ông Trump cũng cho rằng thái độ hiếu chiến của Iran ở Trung Đông “vi phạm” tinh thần thỏa thuận, đó là chưa nói đến các vụ thử tên lửa đạn đạo đầy tham vọng của Iran.

Bên ngoài nước Mỹ, một số lãnh đạo châu Âu trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để mở khả năng bổ sung điều khoản cho thỏa thuận. Ông Trump sẽ gặp ông Macron bên lề kỳ họp Đại Hội đồng LHQ.

Ngày 13-9, một số cựu trợ lý ông Obama nói với báo chí rằng thương lượng lại thỏa thuận là một việc phi thực tế và nguy hiểm. Bộ sậu Obama cho rằng ý tưởng đưa thêm điều khoản vào thỏa thuận là không tưởng. Theo ông Kahl, nếu Mỹ muốn thế thì phải đưa Iran điều gì đó mới mẻ, chứ không phải chỉ áp lực.

Không cùng quan điểm ông Macron, đại sứ Pháp tại Mỹ Gerard Araud phản đối thương lượng lại thỏa thuận, cho rằng phải thi hành nghiêm túc.

Ông Trump cũng thuyết phục Nga và Trung Quốc về phe mình. Tuy nhiên, đến lúc này Trung Quốc vẫn đặc biệt lo ngại hủy bỏ thỏa thuận có thể khiến Triều Tiên mất lòng tin vào khả năng đối thoại hạt nhân với Mỹ. Một số nhà ngoại giao nước ngoài từng cảnh cáo Mỹ phải cẩn thận với vấn đề này.

Về phần mình, Iran không cho thấy có hứng thú gì chuyện quay lại bàn đàm phán.

“Thỏa thuận hạt nhân không thể thương lượng lại. Một thỏa thuận “tốt hơn” là một ý nghĩa kỳ quặc” - Ngoại trưởng Iran Javad Zarif viết trên Twitter ngày 15-9 - “Đây là lúc Mỹ ngừng gây rối loạn và bắt đầu tuân thủ thỏa thuận, như Iran”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm