Các lãnh đạo EU ra tuyên bố chung về tăng trưởng

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo EU nhất trí thực hiện ba ưu tiên chính trong thời gian tới, đó là khuyến khích tạo công ăn việc làm, đặc biệt việc làm cho thanh niên; hoàn thành thị trường chung duy nhất và thúc đẩy đầu tư tài chính vào các nền kinh tế, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso cho biết việc đưa ra tuyên bố chung về tăng trưởng và tạo việc làm là một bước đi quan trọng đối với tương lai của châu Âu, đặc biệt với 23 triệu thanh niên đang thất nghiệp.

Ông Barroso cho biết ngoài việc xây dựng và thông qua kế hoạch về việc làm tại mỗi quốc gia, 17 nước thành viên Khu vực đồng tiền chung euro cũng hy vọng những quy định nghiêm khắc mới về tài chính sẽ thuyết phục các nhà đầu tư lấy lại niềm tin đối với đồng tiền này.

Như vậy, cùng với các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nhằm giảm nợ công và thu hẹp mức thâm hụt ngân sách, các biện pháp đưa ra lần này được kỳ vọng sẽ giúp EU thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu, chủ trì hội nghị, ông Herman Van Rompuy cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu đã đưa ra được một loạt quyết định nhằm khôi phục nhanh hơn, mạnh hơn niềm tin vào nền kinh tế EU. Tuy nhiên, theo ông, việc ổn định tài chính vẫn chưa đủ để giúp châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, vì vậy EU cần phải có sự tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm hơn nữa.

Cũng tại hội nghị này, 25 trong tổng số 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí thông qua hiệp ước mới do Đức đề xuất về quản lý ngân sách với tên gọi chính thức là "Hiệp ước ổn định, phối hợp và quản lý trong liên minh tài chính-tiền tệ."

Hiện tại, Anh và Cộng hòa Séc vẫn từ chối tham dự hiệp ước trên do quốc hội các nước này chưa thông qua.

Ông Van Rompuy cho rằng văn kiện pháp lý này chính là "bức tường lửa" để tránh khủng hoảng tái diễn trong tương lai.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi coi đây là bước đầu tiên hướng tới một liên minh tài chính và chắc chắn sẽ thúc đẩy lòng tin tại các nước Khu vực đồng euro.

Các nhà lãnh đạo EU cũng đồng ý đưa vào hoạt động Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) trị giá 500 tỷ euro, từ tháng 7/2012, sớm hơn một năm so với kế hoạch nhằm hỗ trợ các nước đang ngập trong nợ công.

(TTXVN/Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm