Cách nào giải quyết đe dọa hạt nhân Triều Tiên - phần 2

Cách nào giải quyết đe dọa hạt nhân Triều Tiên - phần 2 ảnh 1
Hình ảnh vệ tinh chụp bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên ngày 5-5 đang có dấu hiệu chuẩn bị cho lần thử hạt nhân thứ 5. Ảnh: REUTERS

Bắt đầu thương lượng từ hiệp ước hòa bình liên Triều

Triều Tiên hiểu rõ cộng đồng quốc tế không chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân. Thậm chí nước bạn bè lâu năm của Triều Tiên là Iran cũng không chấp nhận. Trong chuyến thăm Hàn Quốc tuần trước, Tổng thống Iran Rouhani nhấn mạnh quan điểm của Iran là phản đối mọi hình thức phát triển vũ khí hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên.

Các nước cần có sự kiên nhẫn, vì yêu cầu Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân trong thời gian ngắn là điều không thực tế. Các nước có thể bắt đầu bằng một tiến trình xây dựng niềm tin hai bên, tạo môi trường thương lượng dễ dàng, tiến đến giải trừ vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên.

Nhiều năm nay Triều Tiên vẫn khẳng định quan điểm muốn Thỏa thuận ngừng bắn liên Triều năm 1953 - vốn là kết quả đàm phán của Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc - trở thành hiệp ước hòa bình. Triều Tiên nói rằng mình cần có phòng vệ hạt nhân bởi vì chiến tranh Triều Tiên chưa chấm dứt trong hòa bình.

Theo National Interest, điều đầu tiên cần làm để giải quyết chương trình hạt nhân Triều Tiên là đề xuất thương lượng đạt được hiệp ước hòa bình. Quá trình thương lượng này bao gồm Mỹ và Trung Quốc -một là thành viên tham gia đàm phán Thỏa thuận ngừng bắn liên Triều (Mỹ) và một là nước có ảnh hưởng lớn nhất đến Triều Tiên (Trung Quốc). Giải trừ hạt nhân có thể được xem là một phần của tiến trình thương lượng này.

Điểm đặc biệt khó khăn mà Mỹ cần tìm cách giải quyết là Triều Tiên chủ trương xem giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là kết quả đến sau khi Mỹ và Hàn Quốc giải tán liên minh quân sự và Mỹ không còn bảo hộ hạt nhân cho Hàn Quốc.

Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc có thể theo đuổi vũ khí hạt nhân

Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên luôn là mối lo canh cánh của ba nước Hàn Quốc, Nhật và cả Trung Quốc. Trong nội bộ hai nước Hàn Quốc và Nhật đã dấy lên nhiều cuộc tranh luận công khai khả năng từ bỏ các cam kết không phổ biến hạt nhân, bắt tay phát triển vũ khí hạt nhân cho riêng mình. Trung Quốc - đồng minh Triều Tiên - cũng có lý do lo ngại về sự nguy hiểm từ thái độ của Triều Tiên.

Với Hàn Quốc và Nhật, các thỏa thuận hợp tác an ninh với Mỹ không đủ làm yên lòng để hai nước thôi nghĩ đến sở hữu vũ khí hạt nhân, theo báo Wall Street Journal (Mỹ). Phát biểu tại cuộc họp nội các ngày 1-4, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe để mở khả năng Nhật theo đuổi vũ khí hạt nhân khi nói rằng hiến pháp Nhật không cấm nước này sở hữu hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó tại Hàn Quốc, các lãnh đạo đảng cầm quyền Saenuri đề nghị Tổng thống Park Geun-hye thu thập plutonium để phòng vệ trước đe dọa từ nước láng giềng Triều Tiên. Một bài viết trên tờ báo có tư tưởng bảo thủ hàng đầu Hàn Quốc Chosun Ilbo ngày 19-2 vạch chi tiết làm thế nào Hàn Quốc có thể sử dụng các cơ sở hạt nhân dân sự trong nước để xây dựng một quả bom hạt nhân trong vòng 18 tháng.

Cả Hàn Quốc và Nhật đều là thành phần của Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, điều này không đủ sức cản hai nước này tham gia vào “câu lạc bộ các nước có vũ khí hạt nhân” nếu cảm thấy sự che chở an ninh của Mỹ không đủ an toàn.

Nhật đã sở hữu sẵn 11 tấn plutonium, chưa kể tới lượng nhiên liệu hạt nhân dùng ở các lò phản ứng hạt nhân. Một quả bom hạt nhân cần có khoảng 5 kg plutonium. Nhật đã xây dựng - nhưng chưa hoạt động - một nhà máy tái xử lý hạt nhân quy mô lớn theo thiết kế của Pháp có thể cho ra tám tấn plutonium một năm.

Trung Quốc cũng đang thương lượng với Pháp để xây dựng một nhà máy tái xử lý hạt nhân quy mô lớn tương tự như Nhật. Trung Quốc đã sở hữu vũ khí hạt nhân và nhà máy này sẽ giúp Trung Quốc mở rộng quy mô kho vũ khí hạt nhân của mình.

Theo National Interest, cấp thiết phải tìm ra được một cái cầu chì kiểm soát các nguy cơ này trước khi nó phát triển thành một cuộc khủng hoảng khu vực lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm