Châu Âu đau đầu với vấn nạn người di dân

Trước đó, Ủy ban châu Âu đã đưa ra kế hoạch 10 giải pháp giúp đỡ người di dân châu Phi thoát mồ chôn Địa Trung Hải. Dù vậy, AFP ghi nhận các chuyên gia cho rằng kế hoạch này là bản sao của kế hoạch cũ đã đề nghị vào năm 2013 và kế hoạch cũ không bao giờ được thực hiện. Các trở ngại được dự kiến như sau:

Ngăn chặn từ điểm xuất phát đưa người: Libya là điểm xuất phát đưa người di dân châu Phi sang Ý, Malta và Hy Lạp. Do đó mục đích ưu tiên của EU là ngăn chặn tàu đưa người rời bến ở Libya. Thế nhưng Libya là vùng đất hỗn loạn không có chính phủ, không có bộ máy nhà nước thì làm sao ngăn chặn tàu? Muốn tóm bọn cầm đầu đường dây đưa người cũng không được.

EU muốn mở chiến dịch quân sự nhằm phát hiện tàu đưa người nhập cư trên biển, sau đó tịch thu và phá hủy tàu giống như chiến dịch Atalante chống hải tặc Somalia thực hiện từ năm 2008. Dù vậy, chỉ có hải quân Ý và Malta làm được điều này trong lãnh hải hai nước này. Các tàu nước khác chưa được phép làm như vậy.

Giám sát và giải cứu: Hiện thời các tàu châu Âu tham gia chiến dịch Triton (ra đời từ tháng 11-2014) chỉ tuần tra trong phạm vi 30 hải lý. Phạm vi này không đủ xa để giải cứu tàu chở người di dân lênh đênh ngoài biển (ảnh). Kinh phí cho chiến dịch cũng chỉ hạn hẹp ở mức 3 triệu euro/tháng.

Quản lý người nhập cư đến đất liền: Ủy ban châu Âu đề nghị mở các chương trình tái hòa nhập dành cho người đủ tiêu chuẩn nhập cư. Mỗi nước EU sẽ tự nguyện đóng góp. Năm ngoái, Cao ủy LHQ về người tị nạn đã từng đề nghị EU tiếp nhận 130.000 người tị nạn Syria. EU trả lời chỉ đủ sức nhận 36.000 người.

Ủy ban châu Âu đề nghị các nước EU chia nhau tạm đón tiếp những người di dân đến Ý, Malta và Hy Lạp. Đến giờ các nước EU vẫn chưa thỏa thuận mỗi nước tạm nhận bao nhiêu người.

Quy định Dublin II của EU quy định người di dân đủ tuổi bầu cử đến nước nào thì nước đó phải có trách nhiệm giải quyết đề nghị nhập cư và trả họ về nơi cư trú nếu không tiếp nhận. Người di dân chỉ đổ bộ vào Ý, Malta và Hy Lạp thì làm sao phân chia đối tượng này cho các nước khác, trừ phi sửa đổi Quy định Dublin II. EU muốn tăng cường trục xuất người di dân trái phép nhưng khổ nỗi các nước gốc gác của họ ở châu Phi không hợp tác nên kể như huề cả làng!

TNL

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm