Chính phủ Tây Ban Nha ra tối hậu thư cho Catalonia

Theo chính phủ Tây Ban Nha, đây là thời hạn cho phép trước khi nước này chính thức kích hoạt Điều 155 của hiến pháp, cho phép Madrid tước quyền tự trị chính trị của Catalonia. Nếu điều này xảy ra, thủ tướng Tây Ban Nha sẽ có quyền kêu gọi một cuộc bầu cử mới ngay sau khi bãi nhiệm các lãnh đạo của khu vực này.

“Nội các đã đồng ý chính thức yêu cầu chính quyền Catalonia xác nhận xem họ có tuyên bố độc lập hay không” - ông Rajoy phát biểu sau cuộc họp với nội các Tây Ban Nha. Tối hậu thư để Catalonia trả lời là đến sáng 16-10.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy phát biểu sau cuộc họp nội các chiều 11-10. Ảnh: AFP

Theo ông Rajoy, trong trường hợp Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont vẫn giữ tuyên bố độc lập cho khu vực này, chính phủ sẽ cho ông thêm thời hạn ba ngày để rút lại tuyên bố, nếu không Điều 155 của hiến pháp sẽ được kích hoạt.

Tuy nhiên, nếu trường hợp ông Puigdemont không tuyên bố độc lập, chính phủ của ông sẽ rơi vào thế khó, vì có thể sẽ không còn nhận được sự ủng hộ của phe cánh tả trong Quốc hội nữa. Theo các chuyên gia phân tích chính trị, hiện chưa rõ chính quyền Catalonia sẽ hồi đáp yêu cầu này ra sao nhưng rõ ràng đây là một vấn đề hóc búa.

Tây Ban Nha hiện phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất ở nước này kể từ vụ đảo chính quân sự thất bại vào năm 1981. Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont hôm 10-10 cùng các chính khách của khu vực này đơn phương ký vào một tuyên bố độc lập tách khỏi Tây Ban Nha, sau cuộc trưng cầu dân ý mà chính quyền khu vực này tuyên bố có 90% phiếu đồng ý ly khai.

Chính quyền Madrid đã chỉ trích kịch liệt cuộc trưng cầu dân ý này, khẳng định đây là hành động vi phạm hiến pháp. Giới chức nước này cũng tuyên bố mọi cuộc đối thoại giữa hai bên chỉ có thể diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, tức tuyên bố độc lập của Catalonia sẽ không được mang ra làm điều kiện mặc cả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm