Biển Đông: Chờ đợi bước tiến thực chất về COC

"Các bên đã đạt được một dự thảo khung COC. Tuy nhiên, đó vẫn là một văn kiện không có nhiều điểm mới. Các bên vẫn chưa đạt được thêm tiến triển về nội dung của văn kiện. Như phản ánh của truyền thông, chúng ta có thể xem dự thảo là một thành công đặt dưới góc nhìn rằng cuối cùng đã có một điểm mà Trung Quốc (TQ) và ASEAN có thể đồng ý với nhau. Nhưng nhìn chung vẫn chưa có điểm mới về nội dung, cơ bản vẫn là những gì đã được nêu ra trong Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC)”.

Đó là nhận định của học giả người Indonesia Shafiah F. Muhibat, hiện làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) của Singapore khi trả lời báoPháp Luật TP.HCMvề dự thảo khung COC vừa được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc ngày 13-11 vừa qua. Văn bản được thông qua mới là bước khởi đầu đáng hoan nghênh và lạc quan cho tiến trình tham vấn nhiều thách thức sắp tới giữa các bên, tiến tới xây dựng một COC có tính ràng buộc về pháp lý - điều được chính phủ và học giả nhiều nước mong đợi. Nói như GS Robert Beckman, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế (CIL) thuộc ĐH Quốc gia Singapore, nếu như không tồn tại một điều khoản cụ thể về giải quyết xung đột trong COC, việc một bên có hành vi không tuân thủ thỏa thuận này sẽ không khác gì việc một nước không tuân thủ DOC hay Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đó là không tồn tại một cơ chế để buộc các quốc gia tuân thủ và thực thi COC.

Nhìn ở một góc độ thực tế hơn, ý nghĩa của tiến trình xây dựng COC trên biển Đông không phải là lời giải cho việc giải quyết các tranh chấp đang tồn tại trên biển Đông, mà là một biện pháp để xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực. “COC giúp các bên có tuyên bố tranh chấp hiểu rõ những gì được và không được phép làm trong khu vực chồng lấn” - bà Muhibat phân tích, đồng thời nhấn mạnh sự cấp thiết của COC trong bối cảnh hiện nay.

Sau tháng 11 với dự thảo khung, nhiều kỳ vọng về tiến triển trong xây dựng COC đang được đặt ra cho năm 2018 khi Singapore tiếp nhận ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN. Tuy nhiên, những kỳ vọng này chắc chắn cần đi liền với sự tỉnh táo và kiên nhẫn để đạt được những tiến triển thực chất, giống như nhận định của TS Trần Trường Thủy, Giám đốc Quỹ hỗ trợ nghiên cứu biển Đông (FESS), rằng yếu tố“ràng buộc pháp lý” sẽ chỉ thật sự có ý nghĩa tùy vào nội dung cụ thể được đề cập trong COC.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm