Càng đe dọa, vấn đề Triều Tiên càng rơi vào khủng hoảng

Theo chuyên gia Barthélémy Courmont, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế và chiến lược (Pháp), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có ý định bắn tên lửa đến đảo Guam không là điều cần phải hoài nghi bởi lẽ Kim Jong-un là bậc thầy sử dụng nghệ thuật hùng biện cứng rắn để thúc đẩy thương lượng.

Vụ khủng hoảng Triều Tiên không bột phát từ tuyên bố cứng rắn của ông Kim Jong-un hay hành động bắn tên lửa liên tục của Triều Tiên (80 vụ bắn từ khi ông Kim Jong-un cầm quyền cuối năm 2011) mà do ý muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên của Tổng thống Donald Trump. Ý muốn này thiếu chuẩn bị, không căn cứ vào chiến lược nào và hoàn toàn đi ngược với tuyên bố ôn hòa cách đây mấy tháng khi ông Trump đề nghị gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un để ăn trưa với bánh mì kẹp thịt. Do đó đương nhiên Triều Tiên đã phải đáp trả lời lẽ đe dọa của Mỹ bằng cách gia tăng dọa dẫm đến mức nói đến chuyện bắn tên lửa sang đảo Guam.

Chuyên gia Barthélémy Courmont nhận định thái độ hòa hoãn dường như đã được Triều Tiên chuẩn bị từ đầu và được dùng làm cơ sở để xuống thang theo kỳ hạn do Bình Nhưỡng áp đặt chứ không phải phụ thuộc vào Washington.

Ngoài đe dọa, Tổng thống Trump còn gây sức ép để Trung Quốc tác động đến Triều Tiên. Song chiến lược này không hiệu quả vì nhiều lý do. Đầu tiên, không nên đánh giá cao quan hệ hữu hảo Trung-Triều. Trung Quốc là nước duy nhất còn duy trì quan hệ kinh tế với Bình Nhưỡng vì lợi ích riêng song quan hệ chính trị - chiến lược đã khác so với đầu thập niên 1950, khi Mao Trạch Đông đưa chí nguyện quân cùng chiến đấu với quân Bắc Triều Tiên chống lực lượng LHQ (chủ yếu là quân Mỹ). Quan hệ Trung-Triều trong những năm gần đây đã trở nên lạnh nhạt. Bắc Kinh muốn kiềm chế Triều Tiên nhưng vô ích, do đó không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc ủng hộ nghị quyết cấm vận Triều Tiên của LHQ.

Kế đến, Trung Quốc biết chắc Mỹ không thể tự thân giải quyết vấn đề Triều Tiên mà phải dựa vào sự ủng hộ từ Trung Quốc. Một khi ông Trump đòi Bắc Kinh phải tham gia giải quyết tích cực hơn, đây chỉ là hành động thừa nhận quyền lực của Trung Quốc. Động thái này cùng với sự kiện Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương là hai món quà Mỹ đã trao cho Trung Quốc và cho thấy đã qua rồi cái thời Washington định ra luật chơi cho Bắc Kinh ở châu Á-Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh hiện nay, Triều Tiên đã mặc nhiên là cường quốc hạt nhân vì đã năm lần thử hạt nhân từ năm 2006 cùng các tên lửa đạn đạo. Do đó, chuyên gia Barthélémy Courmont cho rằng có thể Mỹ và các đồng minh Nhật, Hàn cần phải ngấm ngầm chấp nhận sự thật này thì mới có cơ sở tiến tới đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm