Căng thẳng nguy hiểm, Mỹ sẽ đổi chiến lược Triều Tiên?

Ông Eric Gomes cho rằng chính phủ Tổng thống Donald Trump cả năm qua đã tập trung tạo áp lực tối đa về kinh tế và quân sự nhằm kiềm chế Triều Tiên mà không nhìn nhận nghiêm túc liệu áp lực này có thay đổi được thái độ của Triều Tiên. Thực tế thì trong năm 2017, Triều Tiên đã một lần thử bom hạt nhân có sức nổ kỷ lục và thử hàng chục tên lửa, trong đó cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Trong một bài viết trên trang mạng của CATO, ông Gomes cho rằng sai lầm cốt yếu trong chính sách Triều Tiên của Mỹ là mục tiêu không thực tế. Mỹ đòi Triều Tiên phải giải trừ hạt nhân hoàn toàn, khăng khăng không đàm phán chừng nào Triều Tiên đồng ý mục tiêu này. Kèm theo đó là cách tiếp cận mang tính công kích. Mỹ nghĩ rằng hạn chế nguồn cung nhiên liệu, đẩy chi phí sản xuất vũ khí hạt nhân lên mức cao không chấp nhận được sẽ kiềm chế được Triều Tiên. Tuy nhiên, điều này không hiệu quả. Với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, vũ khí hạt nhân đảm bảo sự sống còn của đất nước và ông sẵn sàng chấp nhận “giá đắt” để đạt mục tiêu.

Các lệnh trừng phạt mới của chính phủ Mỹ có thể làm chậm bước Triều Tiên nhưng không giúp Mỹ đạt được mục tiêu giải trừ hạt nhân. Chuyên gia của Viện CATO cho rằng ông Trump càng leo thang áp lực chỉ càng khiến ông Kim quyết giữ vũ khí hạt nhân. Viễn cảnh đáng lo nhất là Triều Tiên chọn áp dụng học thuyết hạt nhân tấn công: Sử dụng vũ khí hạt nhân sớm khi có xung đột. Với sự chênh lệch lực lượng quá lớn, Triều Tiên sẽ nhận định rằng lựa chọn tốt nhất để ngăn chặn một cuộc tấn công của Mỹ là đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân từ đầu. Theo ông Gomes, Mỹ nên bỏ qua một bên mục tiêu giải trừ hạt nhân phi thực tế, chuyển sang mục tiêu ngăn chặn Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông nhận định việc thay đổi mục tiêu là một lựa chọn khôn ngoan.

Thứ nhất, không như mục tiêu đầu mang tính công kích, mục tiêu thứ hai mang tính phòng thủ. Thứ hai,Mỹ cũng sẽ giảm được các hành động quân sự đe dọa sức mạnh hạt nhân Triều Tiên. Các đe dọa tấn công Triều Tiên đã phản tác dụng với mục tiêu ngăn chặn vì làm leo thang khủng hoảng, đưa Triều Tiên tới gần ngưỡng nguy hiểm: Dùng vũ khí hạt nhân hay thua trắng. Các lệnh trừng phạt và thể hiện sức mạnh quân sự chỉ nên hỗ trợ cho chiến lược mang tính ngăn chặn.Thứ ba,việc từ bỏ mục tiêu giải trừ hạt nhân cũng sẽ khiến Mỹ linh động hơn trong cách tiếp cận Triều Tiên, đặc biệt về ngoại giao. Với mục tiêu hiện tại của Mỹ, có thể dễ dàng nhìn thấy Triều Tiên khó chấp nhận đàm phán một khi Mỹ chỉ chấp nhận một Triều Tiên tự nguyện giải trừ hạt nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm