Chiến lược của ông Trump nhắc đến Trung Quốc 23 lần

Ngày 18-12 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới dưới nhiệm kỳ của ông.  Báo Washington Post cùng ngày nhận định chiến lược này đã đặt Mỹ vào một vị trí mới đối đầu với Trung Quốc, một lập trường cứng rắn hơn nhiều so với người tiền nhiệm.

Trong tài liệu dài 56 trang này, từ “Trung Quốc” đã được đề cập tới 23 lần, nhiều gấp hai lần so với tài liệu cuối cùng về chiến lược an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Chiến lược của ông Trump nhắc đến Trung Quốc 23 lần ảnh 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Đại lễ đường nhân dân trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Trump hôm 9-11. Ảnh: REUTERS

Trong khi chiến lược an ninh quốc gia của ông Obama tập trung vào việc gắn kết và hợp tác với Trung Quốc thì chiến lược của chính quyền ông Trump tập trung xác định các mối đe dọa ngày một tăng do Trung Quốc đặt ra và cam kết của Mỹ về việc đẩy lùi những mối đe dọa này.

Tài liệu được công bố ngày 18-12 không cáo buộc Trung Quốc “xâm lấn kinh tế” như đã được các nguồn tin hé lộ trước đây. Tài liệu cũng không dùng thuật ngữ “đối thủ chiến lược” nhưng điều đó đã được ngụ ý trong suốt tài liệu, theo Washington Post.

Chiến lược an ninh quốc gia mới của ông Trump xác định bên cạnh Nga, Trung Quốc là một trong hai “cường quốc theo chủ nghĩa xét lại” mà đang gây thách thức cho các lợi ích của Mỹ. Từ “Nga” được đề cập trong tài liệu 17 lần, tức ít hơn Trung Quốc sáu lần.

Chiến lược của ông Trump nhắc đến Trung Quốc 23 lần ảnh 2

Lập trường của ông Trump về Trung Quốc được đánh giá cứng rắn hơn nhiều so với người tiền nhiệm. Ảnh: GETTY

“Sự thừa nhận chủ yếu trong chiến lược này là rằng Trung Quốc xem chúng ta (Mỹ) như đối thủ địa chính trị chính của họ và họ giữ lập trường này trong 20 năm qua. Và nước Mỹ bây giờ mới tỉnh giấc để nhận ra điều này” - ông Dan Blumenthal, một cựu quan chức Lầu Năm Góc chuyên nghiên cứu quan hệ Trung-Mỹ, nhận định.

Ông Blumenthal nói rằng chiến lược an ninh quốc gia của ông Obama từng bày tỏ hy vọng vào “sự trỗi dậy của một Trung Quốc ổn định, hòa bình và thịnh vượng”. Tuy nhiên, ý nghĩ cho rằng Trung Quốc có thể giữ một vai trò có trách nhiệm như vậy đã cho thấy không đúng.

Các cảnh báo trong chiến lược này không chỉ giới hạn ở khu vực châu Á. Nó còn gióng hồi chuông cảnh báo về sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu, châu Phi cùng nhiều khu vực khác. Tài liệu nói rằng chính Trung Quốc đã đánh cắp hàng trăm tỉ USD tài sản trí tuệ của Mỹ.

Quan hệ Mỹ-Trung cũng có một giai đoạn thăng trầm trước đây. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001. Tuy nhiên, người kế nhiệm của ông là cựu Tổng thống George W. Bush sau đó đã gọi Trung Quốc là một “đối thủ chiến lược”, đồng thời khuyến khích Nhật Bản giữ vai trò tích cực hơn về mặt quân sự để đối đầu Trung Quốc.

Ông Chu Phong, giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế tại ĐH Nam Kinh, nhận định sự thay đổi trong cách nhìn nhận của Mỹ về Trung Quốc trước mắt ít gây tác động nhưng sẽ gây ảnh hưởng về dài hạn đối với quan hệ Trung-Mỹ. “Rất có thể ông Trump sẽ tăng áp lực lên Trung Quốc về các vấn đề kinh tế và thương mại” - ông Chu đánh giá.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.