Nga sẽ làm gì khi Syria cần tiền hơn cần súng?

Tiếng súng có vẻ đang lắng dần tại vùng đất gần sáu năm nội chiến, Syria bắt đầu tính đến hòa bình và ổn định.

Cùng với việc Syria hạ nhiệt xung đột, nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi về vai trò của Nga ở Syria. Trong bài viết trên al-Jazeera, GS Leonid Issaev, giảng viên tại Trường Kinh tế cao cấp thuộc ĐH Nghiên cứu Quốc gia (Nga), cho rằng Syria sẽ sớm cần tiền nhiều hơn là cần súng. Đây cũng sẽ là bài toán khó cho nước Nga.

Trong chuyến công du mới đây ở Sochi, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã gửi lời cám ơn những hỗ trợ quân sự của Nga. Chuyến thăm có thể xem là bước củng cố uy tín của Nga ở Syria, gửi đến cộng đồng quốc tế thông điệp: Nga là nước duy nhất có khả năng đưa Syria đến bàn đàm phán. Tiếp tổng thống Iran và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hai ngày sau, ông Putin thể hiện tốt vai trò “dẫn đầu và dẫn lối” trong tam giác Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ.

Không thể phủ nhận giá trị an ninh của Nga đối với Syria. Nhưng giai đoạn sau xung đột, bài toán an ninh sẽ nhường chỗ cho cơn khát tái thiết kinh tế. Dù có vai trò lớn trong tiến trình đàm phán Syria nhưng nguồn lực và năng lực của Nga rõ ràng không đủ để kiểm soát nó.

Điện đàm gần đây với ông Assad, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng Iran “đã chuẩn bị tham gia tích cực vào quá trình tái thiết Syria”. Với những cấm vận từ sau khủng hoảng Ukraine, Nga đang không có năng lực tài chính đủ mạnh để đầu tư vào Syria sau cuộc chiến. Liệu vị thế của Nga tại vùng đất này sẽ lung lay? Liệu viễn cảnh này sẽ buộc Nga can thiệp tiến trình hòa đàm Syria theo ý mình, đảm bảo Nga không mất chỗ đứng quan trọng ở Trung Đông?

Nga cần một đối tác khác - không phải Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ - có khả năng đảm bảo nguồn lực tái thiết Syria sau xung đột. Đối tác này phải sẵn lòng cho nguồn tiền chảy qua Nga rồi mới đến Syria. Nga không có nhiều thời gian cho việc này. Chính phủ ông Assad có thể sẽ dần bớt nhân nhượng với Nga khi chiến thắng được củng cố. Điều nguy hiểm với Nga là có thể một lúc nào đó Syria sẽ ngừng trả lời những áp lực của Nga. Và khi đó cái “được” trên chiến trường bỗng chốc thành cái “mất” trên bàn cờ ngoại giao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm