Nhân dân tệ và tương lai trở thành đồng tiền quốc tế

Nước này đã có thỏa thuận với Brazil, tạo thuận lợi cho hai bên sử dụng đồng tiền của nhau trong các giao dịch thương mại song phương.
Nhân dân tệ và tương lai trở thành đồng tiền quốc tế ảnh 1

Phải mất bao lâu đồng nhân dân tệ mới có thể trở thành đồng tiền quốc tế? (Ảnh: project-syndicate)

Bên cạnh đó là thỏa thuận trao đổi bằng đồng nhân dân tệ với Argentina, Belarus, Hồng Kông, Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia. Mùa hè năm ngoái, Trung Quốc lại mở rộng thỏa thuận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ với Hồng Kông và 5 thành phố khác, và cho phép HSBC Holdings bán trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ tại Hồng Kông. Sau đó, vào tháng 9 cùng năm, Chính phủ Trung Quốc đã phát hành khoảng 1 tỷ USD trái phiếu mệnh giá nhân dân tệ của riêng mình ở Hồng Kông.

Không ai có thể nghi ngờ về sự vươn lên mạnh mẽ của đồng nhân dân tệ. Bởi vì nền kinh tế toàn cầu đang trở nên đa cực thì hệ thống tiền tệ quốc tế cũng sẽ trở nên đa cực hơn, với một số đồng tiền cùng chia sẻ vị trí là đồng tiền dự trữ. Và cùng với quy mô và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, một ngày nào đó, đồng nhân dân tệ sẽ trở thành đồng tiền quốc tế quan trọng.

Nhưng vấn đề cần quan tâm là khi nào điều này xảy ra? Những nhà quan sát tỉ mỉ đều cho rằng để đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền quốc tế thực sự sẽ phải còn mất rất nhiều thời gian nữa. Việc làm cho đồng tiền này hấp dẫn hơn đối với cả tư nhân cũng như của chính phủ các nước đòi hỏi Trung Quốc phải xây dựng thị trường tài chính sâu và thanh khoản hơn. Điều này có nghĩa là phải phát triển hệ thống thanh toán và bù trừ minh bạch đáng tin cậy hơn, với một tài sản chuẩn, một đường lợi nhuận dễ xác định, và một lượng người nhất định tham gia thị trường.

Hơn thế nữa, những thị trường này sẽ mở cửa cho phần còn lại của thế giới. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ phải mở cửa đầy đủ thị trường vốn của mình trước khi đồng nhân dân tệ trở thành tiền tệ quốc tế thực sự. Yêu cầu này lại đòi hỏi phải tạo cho các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước một cơ sở tài chính vững chắc và chuyển sang tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn. Tóm lại, cần phải có những thay đổi hết sức cơ bản đối với mô hình  tăng trưởng của Trung Quốc. Tất cả điều này rõ ràng sẽ không thể đạt được trong một sớm một chiều.

Nhưng lịch sử nước Mỹ cũng chỉ ra rằng quá trình này có thể hoàn thành nhanh hơn dự báo. Cho tới năm 1914, đồng đôla hoàn toàn không hề đóng vai trò quốc tế. Không ngân hàng trung ương nào giữ dự trữ ngoại tệ bằng đồng đôla khi đó. Không nước nào phát hành trái phiếu ra nước ngoài bằng đồng đôla. Thay vào đó, tất cả đều đổ tới London, cho phép các ngân hàng Anh bảo hiểm các giao dịch của mình và tiến hành các hoạt động kinh doanh bằng đồng bảng Anh hơn là đồng đôla.

Chính việc London, chứ không phải New York, vẫn chiếm ưu thế vượt trội trong năm 1914, khi nền kinh tế Mỹ đã lớn gấp đôi kinh tế Anh, đã phản ảnh rằng khởi đầu đi lên của một đồng tiền là nước sở hữu đồng tiền đó phải là một cường quốc công nghiệp, nhà xuất khẩu, và nhà đầu tư ra nước ngoài. Như thế cũng có nghĩa là, đồng tiền quốc tế hiện tại vẫn sẽ có lợi thế đáng kể trong cuộc cạnh tranh giành và giữ vai trò là đồng tiền dự trữ quốc tế.

Nhưng thực trạng còn phản ánh thực tế rằng Mỹ khi đó thiếu một cơ sở hạ tầng cần thiết chuẩn bị cho đồng đôla giữ một vai trò quốc tế. Cụ thể, Mỹ thiếu một thị trường các hối phiếu thương mại, công cụ được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho hoạt động xuất nhập khẩu. Và Mỹ còn thiếu một ngân hàng trung ương để nâng đỡ thị trường đó.

Mọi thứ bắt đầu thay đã thay đổi vào năm 1914 với việc hệ thống dự trữ liên bang được thành lập. Một trong những hành động đầu tiên của ngân hàng trung ương là thúc đẩy phát triển thị trường các hối phiếu thương mại. Ngân hàng này làm được điều đó qua việc sử dụng các thỏa thuận mua lại để mua những hối phiếu thương mại được phát hành ở New York bằng chính tài khoản của mình. Điều này đảm bảo rằng mức chênh nhau giữa giá thành và giá bán ở mức thấp và giá cả ổn định hơn.

Kết quả từ những hỗ trợ chính thức này là, các nhà đầu tư tư nhân dần có được niềm tin vào công cụ mới này. Và, với sự tham gia ngày một tăng của họ, thị trường hối phiếu thương mại trở nên thanh khoản hơn.

New York cuối cùng vượt qua London, trở thành nguồn của tài chính thương mại vào giữa những năm 1920. Đến thời điểm này, Fed đã giảm bớt sự can thiệp và "trao lại" thị trường này cho các nhà đầu tư tư nhân. Và cứ nơi nào các nhà đầu tư tư nhân đi đầu, thì các ngân hàng trung ương cũng theo sau ở đó. Cứ thế cho tới nửa sau của những năm 1920, các nước đã giữ nhiều dự trữ bằng đồng đôla hơn đồng bảng Anh. Như thế, đôla Mỹ chỉ mất gần một thập kỷ để bật từ điểm bắt đầu là đồng tiền quốc tế mới đến chỗ vượt qua đồng tiền "đương kim" khi đó.

Các quan chức Trung Quốc đã đặt mục tiêu năm 2020 sẽ là thời điểm cả Bắc Kinh và Thượng Hải trở thành các trung tâm tài chính thế giới, với thị trường tài chính sâu và thanh khoản cao, mở cửa cho phần còn lại của thế giới. Vậy nên cũng có thể suy luận, đó có thể sẽ là ngày mà họ muốn đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền quốc tế hàng đầu.

Vậy, liệu nhân dân tệ trở thành đồng tiền quốc tế chính chỉ trong khoảng thời gian một thập kỷ hay không? Chỉ có thời gian mới biết. Nhưng như lịch sử của chính nước Mỹ đã chứng minh, tham vọng đó hoàn toàn không phải là không thể.

Theo Đình Ngân ( VNN / Project-Syndicate)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm